52 HCV, số 1 châu Á, thể thao Việt Nam vui hay buồn sau ABG?
Đại hội thể thao bãi biển châu Á đã chính thức bế mạc với những thành công không nhỏ cho thể thao Việt Nam.
Video Lễ bế mạc Đại hội thể thao bãi biển châu Á 2016 (Bản quyền thuộc VTV):
Tối 3/10, Đại hội thể thao bãi biểu châu Á 2016 (ABG 5) đã chính thức khép lại với buổi lễ bế mạc giàu màu sắc và đậm chất biển tại Đà Nẵng. ABG 5 được xem là một kỳ đại hội thành công vang dội của thể thao Việt Nam.
Thành công nhưng cần thực tế
Trước tiên phải kể đến thành tích xuất sắc vượt trội của các VĐV Việt Nam so với những kỳ đại hội trước đó. 52 tấm HCV giành được của đoàn thể thao Việt Nam tại Đại hội thể thao bãi biển châu Á 2016 còn hơn cả 4 kỳ trước đó giành được.
Không thể phủ nhận những nỗ lực xuyên suốt thời gian qua của các VĐV, HLV… trong quá trình tập luyện chuẩn bị cho giải đấu.
Về thành tích nhất toàn đoàn của đoàn Việt Nam với 52 HCV, trưởng Tiểu ban chuyên môn kỹ thuật ABG5 ông Trần Đức Phấn đánh giá: “Đó có thể xem là thành công vượt mong đợi của Đoàn thể thao bãi biển Việt Nam. Để có được thành tích đó thể thao Việt Nam đã có quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước.”
Ngoài ra các cuộc thi đấu của ABG 5 cũng được sự đón nhận nồng nhiệt của các khán giả ở Đà Nẵng. Các sân đấu luôn rất đông CĐV đến sân cổ vũ cho các VĐV cống hiến, đó là một điều mà mọi môn thể thao đều cần có.
Ông Trần Đức Phấn đánh giá về công tác tổ chức: “Cho đến giờ này có thể khẳng định được rằng Việt Nam đã tổ chức Đại hội theo đúng yêu cầu của OCA, cả về chuyên môn, kỹ thuật lẫn công tác tổ chức, điều hành.”
Thắng tưng bừng ở ABG 5, giành tới 52 HCV (trong khi mục tiêu ban đầu khoảng hơn 20 HCV), đoàn thể thao Việt Nam bội thu "vàng", xếp trên rất nhiều cường quốc thể thao châu lục như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Những thành công đạt được mang đến những tín hiệu vui nhưng các nhà làm thể thao chắc chắn cũng nhìn thấy rằng phía trước còn bộn bề rất nhiều công việc để thể thao Việt Nam vươn ra châu lục và thế giới.
Ở ABG 5, các môn đặc trưng của thể thao bãi biển như đua thuyền buồm, dù lượn..., do Việt Nam không có điều kiện tổ chức nên chúng ta thay thế bằng các môn thể thao truyền thống đem ra thi đấu. Đây được xem là một trong những lợi thế giúp Việt Nam có "cơn mưa" huy chương vàng, chứ không thể ảo tưởng nhìn vào bảng vàng của đoàn Việt Nam để quá vui mừng.
Ngoài ra, việc các nước bạn không có lực lượng mạnh nhất đua tài khiến ở nhiều môn thể thao, các VĐV Việt Nam càng có cơ hội ở nhiều môn thi. Đó mới chỉ là những niềm vui phát sinh ở một sự kiện thể thao bãi biển, chứ không phải là thước đo, niềm vui mới về thực lực của thể thao Việt Nam.
Không đâu xa, nhìn ngay vào thành tích của đoàn thể thao Việt Nam ở các môn phổ biến thế giới như bóng đá bãi biển, bóng chuyền bãi biển, bóng nước… để thấy chúng ta cần phải làm gì. Cả 3 môn này, đoàn Việt Nam không thể giành 1 HCĐ và đó sẽ là những cột mốc để phấn đấu cho tương lai.
Chi tiết huy chương đoàn Việt Nam | ||||
---|---|---|---|---|
Môn thể thao | Vàng | Bạc | Đồng | Tổng |
Điền kinh | 6 | 7 | 2 | 15 |
Bóng rổ | 0 | 0 | 0 | 0 |
Bóng ném | 1 | 0 | 0 | 1 |
Kabbadi | 0 | 0 | 0 | 0 |
Kurash | 4 | 4 | 5 | 13 |
Sambo | 1 | 2 | 2 | 5 |
Cầu mây | 1 | 3 | 0 | 4 |
Bóng đá | 0 | 0 | 0 | 0 |
Bóng chuyền | 0 | 0 | 0 | 0 |
Bóng nước | 0 | 0 | 0 | 0 |
Bóng gỗ | 3 | 1 | 3 | 7 |
Vật | 2 | 1 | 2 | 5 |
Thể hình | 4 | 2 | 1 | 7 |
Rowing | 0 | 1 | 3 | 4 |
Ju-Jitsu | 1 | 3 | 6 | 10 |
Bơi marathon | 0 | 0 | 1 | 1 |
Muay Thái | 4 | 4 | 6 | 14 |
Bi sắt | 1 | 2 | 5 | 8 |
Pencak Silat | 9 | 4 | 2 | 15 |
Đá cầu | 7 | 0 | 0 | 7 |
Vovinam | 3 | 4 | 2 | 9 |
Võ thuật Việt Nam | 5 | 6 | 3 | 14 |
Tổng | 52 | 44 | 43 | 139 |