10 điểm nhấn về đại chiến Nadal – Djokovic

Sự kiện: Roland Garros 2024

Sẽ có 2 màn so tài quyết liệt và căng thẳng trong trận chung kết trong mơ Roland Garros giữa 2 tay vợt số 1 và 2 thế giới: một là những pha đôi công so kè điểm số trên sân đất nện và hai là những màn đấu trí, nằm ở chiến thuật để Nadal và Djokovic có thể phát huy thế mạnh của mình cũng như khắc chế đối thủ.

Trước thềm trận chung kết hứa hẹn hấp dẫn này, trang atpworldtour.com đã có bài bình luận về những điểm nhấn liên quan đến cuộc “long tranh hổ đấu” giữa Nadal và Djokovic.

1. Ưu thế của Nadal: Tay vợt 28 tuổi người Tây Ban Nha luôn tìm cách để phát huy tối đa sức “nặng” từ những pha đánh chéo sân thuận tay “búa bổ” của mình từ phần sân bên trái. Các pha bóng này thường khiến đối thủ phải lúng túng chống đỡ bằng tay không thuận, tạo điều kiện thuận lợi để Nadal ghi điểm cũng như lên lưới dứt điểm đối phương sau đó.

Trước đó, nhà vô địch 8 lần ở Roland Garros cũng đã khéo léo ngụy trang cú thuận tay trứ danh của mình trên mặt sân đất nện bằng hàng loạt động tác giả của pha trái tay khiến đối phương không kịp phòng ngự. Mặt sân đất nện sở trường giúp quỹ đạo bóng từ những pha forehand bất ngờ - chiến thuật hết sức thông minh của Nadal khó đoán cũng như đối phó hơn trước bất kỳ tay vợt nào.

2. Những pha chạy vòng rồi dứt điểm thuận tay của Nadal: Nhìn những bảng thống kê sau trận đấu của Nadal có thể thấy yếu tố quyết định kết quả rõ rệt nhất trong mỗi lần so tài với các đối thủ đều là các pha đánh thuận tay ở phần sân bên phải. Đây là góc đánh forehand thuận tay đặc biệt ưa thích với rất nhiều điểm winner và hiếm khi đánh hỏng của tay vợt 28 tuổi.

Cú dứt điểm trái tay sau khi chạy vòng sân cũng là một vũ khí lợi hại của Nadal khi các pha đánh forehand bị đối phương bắt bài. Hầu hết những pha đánh dọc biên và chéo sân backhand của tay vợt số 1 thế giới đều khiến đối phương như “chết đứng” trên sân.

10 điểm nhấn về đại chiến Nadal – Djokovic - 1

Những cú thuận đầy sức mạnh của Nadal

3. Ưu thế của Djokovic: Không giống như Nadal, tay vợt người Serbia thường phát triển các tình huống tấn công ở phần sân bên trái, với những pha đánh trái tay sát vạch cuối sân cũng như chéo sân hiểm hóc.

Đây là thành công của Nole bởi những pha trái tay cuối sân này thường khiến Nadal phải chống đỡ bằng những cú backhand chứ không phải forehand sở trường, trong khi vẫn để ngỏ khả năng dứt điểm đối thủ bằng những pha chéo sân khi đã dồn được đối thủ sang phần sân bên phải. Chiến thuật này của Djokovic khiến Nadal buộc phải phòng ngự toàn mặt sân, thay vì tập trung vào những pha phản công với các cú thuận tay từ góc phải.

4. Không nên xem nhẹ những pha trái tay của Nadal: Nếu ví những pha thuận tay của tay vợt Tây Ban Nha như thanh gươm sắc bén để dứt điểm đối phương thì các pha trái tay của Nadal cũng quan trọng không kém, như một chiếc khiên chắc chắn trong phòng ngự.

Trong trận chung kết Roland Garros 2012, Nole đã quá xem thường các pha trái tay của Nadal và liên tiếp tấn công vào điểm này. Ở game đầu tiên của set 4, khi tỷ số đang là 15-15, hai tay vợt đã cống hiến pha bóng đôi công dài nhất giải với 44 lượt đánh, trong đó, Nadal đã tung ra 16 cú trái tay và 4 pha forehand. Đáng chú ý, 9 trong số 10 pha bóng cuối cùng tay vợt số 1 thế giới đều sử dụng các pha backhand không phải sở trường.

Trận đấu đó, chiến thuật của Nole đã khiến anh thảm bại khi Nadal chỉ mắc 23 lỗi đánh hỏng từ các cú trái tay trong khi con số này của Djokovic là 37. Trong 4 trận đấu gần nhất ở Roland Garros năm nay, Nadal đã tung ra 29 pha backhand mà không mắc sai sót nào.

5. Ép Nadal đánh forehand dài ở phần sân bên trái: Cũng trong trận chung kết Roland Garros 2012, Djokovic đã thắng liền 8 game trong 48 phút để dẫn lại 2-0 ở set thứ 4 sau khi bị dẫn 2-0 ở set trước đó, cũng với chiến thuật ép Nadal phải đánh thuận tay ở góc trái sân và tay vợt người Tây Ban Nha đã mắc tới 15 lỗi đánh hỏng.

Trong trận chung kết Miami, Nole cũng thành công với chiến thuật này khi Nadal đánh hỏng 16 trong tổng số 18 pha thuận tay dài từ phần sân bên trái.

6. Dứt điểm bằng những cú forehand: Djokovic nên áp dụng chiến thuật kết hợp sử dụng các cú backhand sở trường nhưng dứt điểm bằng các cú thuận tay. Trong thắng lợi ở giải Rome năm nay trước Nadal, Nole đã có 46 điểm winner, trong đó có 18 điểm ghi được với những pha đánh thuận tay dọc biên.

7. Khả năng dứt điểm thần tốc của Djokovic: So với chiến thuật tấn công áp đảo để bóp nghẹt đối thủ của Nadal thì khả năng sớm dứt điểm đối thủ của Djokovic sẽ có cơ hội phát huy tác dụng. Ở trận chung kết Rome mới đây, điểm số mà Nole ghi được từ các pha bóng chưa tới 5 lần chạm gần gấp đôi của Nadal, 49 so với 25, chiếm 45% số điểm của tay vợt người Serbia trong trận đấu này.

8. Lợi thế phát bóng sấm sét của Nadal: Đây cũng là chiến thuật để tay vợt 28 tuổi người Mallorca hạn chế những trả giao bóng trái tay sở trường của Djokovic. Trong trận chung kết Monte Carlo 2012, Nadal đã giành thắng lợi khá dễ dàng 6-3, 6-1 trước Nole với 25 pha phát bóng buộc đối phương phải trả giao bóng bằng những cú thuận tay.

9. Chiến thuật phát bóng của Djokovic: Tay vợt người Serbia sẽ nỗ lực giảm thiểu các pha Nadal trả giao bóng trái tay để hạn chết sở trường của đối phương, cũng như kết hợp các pha phát bóng, volley hiểm hóc khác.

10 điểm nhấn về đại chiến Nadal – Djokovic - 2

Djokovic phát bóng rất khó lường

Trong trận chung kết ở giải Miami đầu năm, Djokovic đã buộc Nadal trả giao bóng thuận tay 22 lần nhưng chỉ 3 lần ghi điểm cùng 7 lần đánh hỏng (4 ở trái sân và 3 ở phần sân bên phải).

10. Djokovic “săn” các pha bóng ngắn: Lên lưới là chiến thuật mà Djokovic tận dụng rất thành công trước Nadal trong những lần đối đầu gần đây giữa 2 tay vợt.

Trong 2 màn so tài gần nhất, tay vợt người Serbia đã đều có tỷ lệ ghi điểm lên lưới vượt trội so với đối thủ với 66% (18/27) ở giải Rome hay 87% (7/8) tại Miami.

Trong 4 mùa giải trước, Nadal đã đăng quang ở Roland Garros bằng phong độ và sự tự tin trên mặt sân đất nện, sau những cuộc thử sức ở Monte Carlo, Barcelona, Madrid và Rome. Nhưng năm nay, Nadal không còn mạnh mẽ như trước khi anh đã từng thua Ferrer, Almagro, Djokovic từ đầu năm đến nay, cũng như vượt qua Kei Nishikori nhờ đối thủ chấn thương ở giải Madrid.

Trong khi đó, Djokovic đang thể hiện phong độ ấn tượng từ đầu giải đấu đến nay và anh đang khao khát trở lại ngôi số 1 thế giới và giành nốt giải Grand Slam mà anh còn thiếu. Theo dự đoán của atpworldtour.com Djokovic sẽ vượt qua Nadal sau 4 set để hoàn tất bộ sưu tập Grand Slam.    

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Ngọc ([Tên nguồn])
Roland Garros 2024 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN