Thị trường chứng khoán tháng 3: Hơn 30 nghìn tài khoản cá nhân mở mới

Trong tháng 3/2020, thị trường chứng khoán ghi nhận nhóm trong nước mở mới 31.949 tài khoản, cao nhất trong 2 năm trở lại đây và gấp đôi so với trung bình 6 tháng qua.

31.832 tài khoản cá nhân mở mới trong tháng 3

Hoan hỉ với khoản lời chỉ sau hơn 2 tuần mở mới tài khoản chứng khoán, anh Ngô Xuân Quang (Hà Nội) cho biết anh chỉ mới gia nhập thị trường này khi chứng khoán Việt lao dốc gần đây.

Trong tháng 3 thị trường chứng khoán ghi nhận hơn 30 nghìn tài khoản cá nhân được mở mới 

Trong tháng 3 thị trường chứng khoán ghi nhận hơn 30 nghìn tài khoản cá nhân được mở mới 

Theo lời anh Quang, từ ngày dịch Covid-19 bùng phát và có diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, anh Quang – một người làm trong lĩnh vực truyền thông và tổ chức sự kiện đã cho nhân viên chuyển chế độ làm việc ở nhà từ đầu tháng 3.

Cũng do chuyển chế độ làm việc ở nhà nên anh Quang đã có thời gian rảnh rỗi để làm quen với chứng khoán. Tuy chỉ mới làm quen thời gian ngắn, nhưng vốn rất nhạy với con số nên sau hơn 2 tuần đầu tư với số vốn ban đầu 300 triệu đồng, anh Quang đã có khoản lời 25 triệu đồng.

Được biết, anh Quang chỉ là một trong số nhiều người lần đầu tham gia thị trường chứng khoán Việt giữa dịch Covid-19.

Thống kê của Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cho biết, đến cuối tháng 3, toàn thị trường ghi nhận hơn 2,402 triệu tài khoản giao dịch chứng khoán. Trong đó, tài khoản của nhà đầu tư cá nhân trong nước là 2,392 triệu và nhà đầu tư tổ chức trong nước là 10.355 tài khoản.

Số lượng tài khoản của khối ngoại là 32.878, với 29.114 nhà đầu tư cá nhân và 3.764 tổ chức.

Riêng nhóm trong nước đã mở mới 31.949 tài khoản chứng khoán trong tháng 3, cao nhất trong 2 năm trở lại đây và gấp đôi so với trung bình 6 tháng gần nhất. Trong khi đó, nhà đầu tư nước ngoài chỉ mở mới 191 tài khoản, thấp nhất 3 năm.

Trong số trên, có tới 31.832 tài khoản (99,6%) giao dịch chứng khoán trong nước mở mới tháng vừa qua là của nhà đầu tư cá nhân, còn lại 117 tài khoản là của nhóm nhà đầu tư tổ chức.

Có thể thấy, số tài khoản giao dịch chứng khoán cá nhân mở mới tháng vừa qua đã tăng đột biến so với những tháng trước đó và chỉ xếp sau tháng 3/2008 (với hơn 40.600 tài khoản mới). Đây cũng là thời điểm chứng khoán trong nước đạt đỉnh lịch sử với VN-Index vượt mốc 1.200 điểm.

Trong đợt tăng lần này, chứng khoán trong xu thế đi xuống khi VN-Index đã giảm từ vùng 960 điểm xuống 662 điểm (quý I), tương đương giảm gần 300 điểm (31%). Mức giảm trong riêng tháng 3 cũng là gần 25%.

Thị trường có thực sự khả quan?

Các nhà chuyên môn đã chỉ ra, trong thời gian qua đã có một lượng tiền mới của rất nhiều NĐT chưa từng tham gia TTCK, hoặc đã từng tham gia trước đây. Họ cho rằng TTCK đang rất rẻ và đó là cơ hội để đầu tư. Chính vì thế, thị trường vẫn duy trì được khối lượng giao dịch tương đối tích cực với mức 4.500 tỷ đồng/phiên.

Việc hình thành các nhà đầu tư mới đóng vai trò quan trọng trong đà phục hồi của thị trường chứng khoán

Việc hình thành các nhà đầu tư mới đóng vai trò quan trọng trong đà phục hồi của thị trường chứng khoán

Tuy nhiên, theo ghi nhận TTCK Việt Nam vốn có tỷ trọng rất lớn các NĐT cá nhân nên việc mua bán thường không có kỷ luật. Họ có lợi thế nhỏ và dễ xử lý, đôi khi lạm dụng quá mức đòn bẩy tài chính với mong muốn lợi nhuận nhanh. Khi diễn biến tiêu cực xuất hiện, gây áp lực đòn bẩy, khiến thị trường giảm mạnh trong thời gian qua.

Ông Lê Vương Hùng, Giám đốc khối môi giới khách hàng cá nhân tại Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, lực mua của nhà đầu tư trong nước đang là trụ đỡ chính cho thị trường. Ngược lại, khối ngoại đã bán ròng hơn 10.000 tỷ đồng trong quý I.

“Thực tế, nhiều nhà đầu tư cũng thắc mắc thời gian qua ai đang đổ tiền vào thị trường”, ông nói.

Dù nước ngoài liên tục rút tiền, thanh khoản thị trường hiện tại vẫn được duy trì. Thậm chí, thanh khoản tháng 3 còn cao hơn tháng 1-2. Trái ngược với những lần giảm mạnh trước đó, khi thị trường thường mất ít nhất 1-2 tháng giảm thanh khoản rõ rệt vì nhà đầu tư chọn phương án đứng ngoài thị trường.

Theo ông Hùng, không phải yếu tố quyết định nhưng việc số lượng nhà đầu tư cá nhân mới cao đột biến đóng vai trò quan trọng trong đà phục hồi của thị trường chứng khoán.

“Chưa thể lượng hóa giá trị nhóm nhà đầu tư cá nhân mới này đổ vào thị trường nhưng với lượng tài khoản mở mới tăng đột biến, nước ngoài bán ròng mà thanh khoản vẫn cao rõ ràng đã có dòng tiền mới đổ vào thị trường”, ông Hùng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, một nguồn ý kiến khác cho rằng việc nhà đầu tư cá nhân tham gia nhiều sẽ khiến thị trường chịu áp lực chốt lời. Bởi vì, những nhà đầu tư mới tham gia thị trường thường sẽ chỉ kỳ vọng mức lợi nhuận vừa phải nên khi thị trường tăng lên cao, họ sẽ chốt lời và có thể sẽ rút khỏi thị trường. Hơn nữa, kinh tế còn nhiều khó khăn, các doanh nghiệp cũng đang phải tìm cách chống chọi với dịch bệnh. Vì thế, tình hình kinh doanh quý 1, đặc biệt quý 2/2020 sẽ rất kém khả quan.

Nguồn: [Link nguồn]

Ảnh hưởng COVID-19: Giảm giá và miễn hoàn toàn 15  loại dịch vụ chứng khoán

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 14/2020/TT-BTC ngày 18/3/2020, trong đó giảm giá và miễn hoàn toàn không thu đối...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quỳnh Chi ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN