Hé lộ nguyên do huỷ đấu thầu quốc tế cao tốc Bắc – Nam

Chính phủ vừa có báo cáo gửi Quốc hội về tình hình thực hiện Nghị quyết số 52/2017/QH14 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.

Tại báo cáo này, Chính phủ đề cập tới lý do không áp dụng đấu thầu quốc tế đối với các dự án, mà thực hiện đấu thầu trong nước.

Theo Chính phủ, đến ngày 15/5/2019 đã phát hành hồ sơ mời sơ tuyển toàn bộ 8 dự án thành phần cho các nhà đầu tư. Sau 2 tháng để chuẩn bị hồ sơ dự sơ tuyển, đến ngày 15/7/2019, có 60 nhà đầu tư nộp hồ sơ dự sơ tuyển. Trong đó, số lượng nhà đầu tư từ Trung Quốc và có yếu tố Trung Quốc chiếm một nửa.

Cụ thể, trong số 60 hồ sơ có 19 hồ sơ của nhà đầu tư Trung Quốc; 11 hồ sơ của nhà đầu tư Trung Quốc - Việt Nam; 15 hồ sơ của nhà đầu tư Việt Nam; 3 hồ sơ của nhà đầu tư Việt Nam - Pháp; 10 hồ sơ của nhà đầu tư Hàn Quốc; 1 hồ sơ của nhà đầu tư Hàn Quốc - Việt Nam; 1 hồ sơ của nhà đầu tư Philippines - Việt Nam.

Cao tốc Bắc – Nam gây chú ý dư luận với vốn đầu tư ban đầu dự kiến lên tới hơn 120.000 tỷ đồng.

Cao tốc Bắc – Nam gây chú ý dư luận với vốn đầu tư ban đầu dự kiến lên tới hơn 120.000 tỷ đồng.

Đến ngày 26/8/2019, các Ban quản lý dự án đã trình kết quả đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển. Theo kết quả đánh giá của Bên mời thầu và quá trình thẩm định làm rõ của các cơ quan thẩm định, có 4 dự án không nhà đầu tư nào vượt qua sơ tuyển, 2 dự án có duy nhất một nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển, 1 dự án có hai nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển, 1 dự án có ba nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển.

Chính phủ cho rằng hệ thống pháp luật về hình thức PPP của Việt Nam chưa hoàn thiện, chưa cho phép Chính phủ áp dụng cơ chế bảo lãnh về doanh thu tối thiểu, cam kết chuyển đổi ngoại tệ, bảo hiểm bên thứ ba thay thế Chính phủ thực hiện cam kết trong hợp đồng,...

“Cho nên, dự án chưa thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư, tổ chức tín dụng quốc tế; nội dung này đã được phản ánh qua thực tế số lượng nhà đầu tư quốc tế tham dự sơ tuyển cũng như kết quả đánh giá của Bên mời thầu như trên. Nhiều dự án không có nhà đầu tư nào vượt qua sơ tuyển hoặc rất ít nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển”, Chính phủ cho hay.

Nói về quyết định ngày 14/9/2019 của Bộ Giao thông Vận tải về việc hủy sơ tuyển theo hình thức đấu thầu quốc tế và chuyển sang đấu thầu rộng rãi trong nước để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án, Chính phủ cho biết quyết định này đã được nghiên cứu kỹ lưỡng tình hình thực tiễn trong nước và khu vực.

“Mục tiêu là phát huy nội lực, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước tham gia đầu tư dự án quan trọng quốc gia nhằm phát triển năng lực doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng”, báo cáo nêu.

Theo Chính phủ, việc hủy sơ tuyển nêu trên đã được quy định tại hồ sơ mời sơ tuyển quốc tế đã phát hành "bên mời thầu có quyền hủy sơ tuyển mà không cần nêu bất kỳ lý do nào".

Bộ Giao thông Vận tải đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư điều chỉnh hồ sơ mời sơ tuyển để phù hợp với hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước. Ngày 10/10/2019, Bộ Giao thông Vận tải đã thông báo mời sơ tuyển và dự kiến hoàn thành công tác sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư trong khoảng tháng 2/2020.

Bên cạnh nguồn vốn tín dụng và các quy định liên quan, Chính phủ cho rằng, việc chuyển từ đầu thấu quốc tế sang đấu thầu rộng rãi trong nước là yếu tố khách quan, có thể làm chậm tiến độ dự án khoảng 3 tháng. Theo Nghị quyết số 52/2017/QH14 của Quốc hội, trường hợp không lựa chọn được nhà đầu tư, Chính phủ sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định.

Liên quan tới dự án cao tốc Bắc-Nam, trước đó, Bộ Giao thông Vận tải cho biết sẽ hoàn thiện báo cáo trình Chính phủ, Bộ chính trị, Ban chấp hành Trung ương Đảng và Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV vào tháng 5/2020.

Sau khi trình Quốc hội, nếu được thông qua, dự án sẽ được triển khai vào giai đoạn 2021-2030 hoặc sau 2030.

Giai đoạn 2021-2030, một hoặc hai đoạn tuyến đường sắt cao tốc sẽ được đề xuất xây dựng, ưu tiên đoạn TPHCM đi sân bay Long Thành (Đồng Nai) và một số đoạn ưu tiên khác.

Cao tốc Bắc - Nam: Nếu không có nhà đầu tư sẽ dùng ngân sách

8 đoạn kêu gọi đầu tư BOT thuộc cao tốc Bắc – Nam sẽ không chỉ định nhà đầu tư, không chia nhỏ dự án...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Linh ([Tên nguồn])
Dự án cao tốc Bắc - Nam Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN