TTCK 22/11: Khả năng vẫn lình xình
Lình xình đầu phiên, tăng tốc vào giữa phiên và hồi phục vào cuối phiên 21/11, VN-Index kết thúc với mức giảm nhẹ. Nhìn chung, chỉ số này có thêm một phiên nữa lình xình trong biên độ hẹp.
Không ảnh hưởng nhiều từ CPI
(Công ty Cổ phần Chứng khoán MB – MBS)
“Thông tin từ Cục Thống kê Hà Nội cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 tăng 0,22% so tháng trước và tăng 6,67% so với cùng kỳ năm trước. Theo số liệu của Cục thống kê Tp.HCM, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 chỉ tăng 0,1% so với tháng trước và tăng 4,66% so với cùng kỳ năm trước.
Chúng tôi đánh giá, mức tăng CPI thấp trên hai đầu tầu kinh tế của cả nước là Hà Nội và Tp.HCM sẽ tạo tiền đề cho một mức tăng CPI thấp trên địa bàn cả nước trong tháng 11. Mặc dù, một số địa phương sẽ tiếp tục điều chỉnh giá dịch vụ y tế và giáo dục trong song điều này sẽ chỉ tác động hạn chế đến chỉ số CPI cả nước nói chung.
Mô hình phân rã lạm phát của chúng tôi dự báo CPI tháng 11 sẽ tăng 0,3% so với tháng trước và tăng 6,9% so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, MBS đánh giá mức tăng CPI trên sẽ không gây tác động lớn đến thị trường chứng khoán do đã nằm trong kỳ vọng của nhiều nhà đầu tư.
Về mặt kỹ thuật, MBS nhận định chỉ số VN-Index ngày 22/11 nhiều khả năng tiếp tục giảm nhẹ quanh 380 điểm với thanh khoản thấp còn HNX-Index sẽ tiếp tục giao dịch giằng co kéo dài với điểm số giảm nhẹ quanh 51 điểm”.
Kiểm định lại mốc 379-382
(Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – SSI)
“Stochastic Oscillator tiếp tục giảm cho thấy xu hướng giảm vẫn là chủ đạo trong ngắn hạn. Khả năng kiểm định lại mốc 379-382 của Fibonacci 50% và 61,85 lại tiếp tục, nếu phá vỡ các mốc này, bên bán sẽ gia tăng mạnh hơn.
Mua bán hàng sẵn có sẽ tạo được lợi thế hơn đối với nhà đầu tư lướt sóng ngắn. Đối với nhà đầu tư dài hạn, nên tận dụng phiên hồi để bán cao, mua thấp trở lại tiếp tục với chiến thuật hạ giá vốn danh mục và dư thêm tỷ trọng tiền mặt”.
Tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức trung bình
(Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt – BVSC)
“Hai chỉ số vẫn đang duy trì diễn biến đi ngang trong biên độ hẹp và vẫn thiếu các tín hiệu đủ mạnh để xác định xu hướng ngắn hạn kế tiếp. Thông thường trong quá khứ mỗi khi xuất hiện hiện tượng này thì bên bán thường ở thế bất lợi và sẽ mất kiên nhẫn trước. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng điều này không hẳn đúng ở thời điểm hiện tại sau khi sóng giảm gần nhất đã kéo dài được hơn 3 tháng với biên độ sụt giảm khá sâu của nhiều dòng cổ phiếu.
Như vậy, chúng tôi thiên về kịch bản thị trường đang dần tạo một vùng đáy ngắn hạn mặc dù khả năng còn thêm một nhịp sụt giảm nhẹ nữa vẫn hiện hữu.
Các nhà đầu tư được khuyến nghị tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức trung bình hoặc tương ứng với mức độ chấp nhận rủi ro và tránh các quyết định bán tháo giá thấp. Việc tăng tỷ trọng cổ phiếu lên mức cao cũng chưa được xem là hiệu quả khi HNX-Index chưa thể bứt phá qua mốc 52,8 điểm để chính thức xác lập xu thế tăng ngắn hạn trở lại”.
Khả năng vẫn sẽ lình xình
(Công ty Cổ phần Chứng khoán ACB - ACBS)
“Lình xình đầu phiên, tăng tốc vào giữa phiên và hồi phục vào cuối phiên 21/11, VN-Index kết thúc với mức giảm nhẹ. Nhìn chung, chỉ số này có thêm một phiên nữa lình xình trong biên độ hẹp. Khối lượng giao dịch thấp cho thấy sự do dự của nhà đầu tư. Xu hướng này của VN-Index có thể tiếp tục trong các phiên tới.
Trong khi đó, với các phiên “lình xình” vừa qua, HNX-Index đã hình thành vùng giao dịch hẹp 51,3-51,9. Vượt qua 51,9, chỉ số này có thể hồi phục về đỉnh nhỏ 52,8. Ngược lại, dưới 51,3 điểm, HNX-Index có thể giảm tiếp về đáy 50,32”.
Trông chừng thanh khoản
(Công ty Cổ phần Chứng khoán FPT – FPTS)
“Đà tăng điểm của phiên giao dịch liền trước đã không thể duy trì được trong ngày hôm nay khi cả hai sàn đều quay đầu giảm điểm. Nhà đầu tư nước ngoài mua ròng nhẹ với giá trị 12,2 tỷ đồng, trong thời gian gần đây giao dịch của khối ngoại cũng khá thận trọng, không có một xu hướng mua bán cụ thể và gần như chỉ là cơ cấu danh mục khi giá trị mua bán ròng mỗi phiên đều khá thấp.
Điều đáng lo ngại hiện nay là thanh khoản có dấu hiệu ngày càng suy kiệt cho thấy mức độ quan tâm đến thị trường chứng khoán của nhà đầu tư đang giảm đi rõ rệt. Vì vậy, trong ngắn hạn những diễn biến tăng, giảm của thị trường có lẽ không quan trọng bằng sự khởi sắc rõ rệt của thanh khoản. Với diễn biến thị trường hiện tại, chúng tôi tiếp tục khuyến nghị nhà đầu tư thận trọng, giữ tỷ lệ tiền mặt cao trong danh mục, chờ đợi những cơ hội rõ rệt hơn”.
* Nhận định thị trường của các công ty chứng khoán được trích dẫn chỉ có giá trị như một nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán có thể có những xung đột lợi ích đối với các nhà đầu tư khi đưa ra nhận định.