TPP và bài học WTO còn nguyên giá trị

Sự hào hứng của thị trường và người dân trước sự kiện Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa qua có thể có tác động tích cực nhất thời, nhưng cũng nên nhớ bài học khi Việt Nam gia nhập WTO 8 năm trước với nhiều hệ lụy vẫn dai dẳng.

Sau đây là ý kiến của TS Đỗ Thiên Anh Tuấn - Giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright – về sự kiện quan trọng này.

TPP và bài học WTO còn nguyên giá trị - 1

TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright

Ngay sau sự kiện TPP được thông qua, dù còn phải trải qua quy trình lập pháp và phải được Quốc hội các nước thành viên phê chuẩn mới có hiệu lực (thường kéo dài ít nhất từ 1 năm rưỡi đến 2 năm), nhưng thị trường đã ngay lập tức phản ứng với kết quả này.

Thị trường chứng khoán Việt Nam trong ngày 6-10 đã tăng điểm trên cả hai sàn, thanh khoản đạt 3.200 tỉ đồng - một mức thanh khoản hiếm thấy gần đây. Nhiều nhà đầu tư nhanh nhạy đã đón đầu TPP khi mua vào những cổ phiếu ngành dệt may để chờ những lợi thế mà TPP mở ra cho ngành này trong... vài năm nữa.

Đặt vấn đề như vậy nhưng thực ra tôi lại không quan tâm đến vấn đề này. Tôi nhìn ở phương diện các nhà hoạch định chính sách nhiều hơn, có 2 bài học về cải cách thể chế và quản lý vĩ mô thời điểm Việt Nam vào WTO cần được xem xét.

Về quản lý vĩ mô, điều chúng ta e ngại và đặt sự quan tâm nhiều là khi hội nhập nền kinh tế sẽ không thể cạnh tranh được do hàng rào thuế quan không còn, doanh nghiệp (DN) trong nước sẽ dần thu hẹp quy mô, giảm thị phần hoặc bán cho nước ngoài và phá sản. Khi các DN nội địa phá sản sẽ tác động tiêu cực đến tính tự chủ của nền kinh tế cũng như những thách thức khác về mặt xã hội. Lo ngại này là hoàn toàn đúng song cần phải nhớ rằng quá trình này không phải diễn ra một sớm một chiều mà ít nhất phải mất vài năm, sau giai đoạn cạnh tranh.

Trong khi đó, tôi gần như không thấy ai nói về thách thức của quản lý dòng vốn hay quản lý tài khoản vốn (capital account) khi hội nhập. Mối tương quan giữa cán cân vãng lai (current account) với cán cân vốn và tài chính - những dòng chu chuyển thương mại luôn luôn có quan hệ gắn kết chặt chẽ với những dòng chu chuyển vốn. Khi hội nhập, những dòng chu chuyển hàng hóa và dịch vụ sẽ tăng lên, đi kèm với đó là dòng vốn cũng có tính lưu động rất cao. Và thách thức đặt ra cho cơ quan quản lý là phải quản lý được tính động của dòng vốn đó. Bởi chính dòng vốn ra vào sẽ làm tăng các bất ổn vĩ mô.

Còn nhớ, năm 2007, khi Việt Nam gia nhập WTO, nhiều người kỳ vọng nền kinh tế sẽ "cất cánh", lạc quan với một viễn cảnh về thu nhập trong tương lai được cải thiện. Nhiều người bắt đầu mở hầu bao và ra sức mua sắm, tác động lên sức cầu của nền kinh tế và từ đây khuyến khích đầu tư và tăng trưởng ngắn hạn.

Đồng thời, dòng vốn nước ngoài cũng đổ vào mạnh làm cho VNĐ bị lên giá gây bất lợi cho hoạt động ngoại thương của nền kinh tế. Dòng vốn đổ vào trong thời kỳ bùng nổ thường là dòng vốn ngắn hạn, vốn nóng… không đi vào khu vực sản xuất mà chủ yếu chảy vào khu vực đầu cơ có mức sinh lời cao. Sự dịch chuyển của dòng vốn luôn tạo sức ép lên tỉ giá, mà Việt Nam tương đối neo tỉ giá trong khi lại cần một chính sách tiền tệ độc lập để đối phó với lạm phát trong nước. Tình huống này được gọi là bộ ba bất khả thi và nó luôn là thách thức trong quản lý nền kinh tế mở của bất kỳ quốc gia nào.

Ở thời kỳ đó, khi sức cầu tăng, DN tăng vay mượn để đầu tư, người tiêu dùng cũng tăng vay mượn để chi tiêu… Thị trường bất động sản và chứng khoán cũng bắt đầu nổi bong bóng do sự hào hứng quá mức của nhà đầu tư về triển vọng kinh tế Việt Nam. Một lượng vốn tín dụng khổng lồ đã đổ vào 2 thị trường này càng làm thổi bùng giá. Khu vực sản xuất thực của nền kinh tế cũng bị suy giảm do nhiều DN Việt “bỏ bê” ngành chính của họ để chuyển sang kinh doanh bất động sản và chứng khoán do siêu lợi nhuận. Nhà đầu tư cũng bị cám dỗ bởi kênh đầu tư "một vốn bốn lời"…

Cái kết của bong bóng giá tài sản, của tín dụng tăng nóng thì ai cũng biết. Những DN do bỏ bê ngành sản xuất chính nay khó có thể quay trở lại, một phần làm suy yếu sức sản xuất và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế chứ không phải DN đều kém cạnh tranh.

Những thách thức từ hội nhập do nền tảng cạnh tranh của nền kinh tế yếu là có, nhưng những thách thức về mặt quản lý dòng vốn, quản lý tổng cầu, quản lý những bất ổn vĩ mô là không thể xem nhẹ.

Sự hào hứng của thị trường và người dân trước sự kiện TPP vừa qua có thể có tác động tích cực nhất thời, vì nó giúp làm tăng niềm tin cho nền kinh tế và cho khu vực sản xuất, nhờ đó giúp đẩy được tăng trưởng kinh tế ngắn hạn. Nhưng cũng đừng quên rằng, mới đây thôi, cũng chính sự hào hứng đó đã “đánh gục” nền kinh tế chúng ta mà đến nay, sau hơn 8 năm, mới bắt đầu gượng dậy.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thái Phương (Người lao động)
Hiệp định TPP: Cơ hội và thách thức Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN