Tiết kiệm chi 1%, ngân sách nhà nước có thêm 15.000 tỷ đồng

Sự kiện: Kinh Doanh

Chính phủ dự toán chi ngân sách năm 2018 là 1.500.000 tỷ đồng, chỉ cần tiết kiệm 1% của dự toán này thôi là đã tiết kiệm được 15.000 tỷ đồng.

Đánh giá về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017 của Chính phủ, sáng 31/10, Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân, đoàn ĐBQH thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng Chính phủ đã có những nỗ lực đáng ghi nhận để điều hành kinh tế - xã hội trong bối cảnh còn nhiều thách thức.

Những nỗ lực của Chính phủ là đáng trân trọng

Nền kinh tế Việt Nam bước vào năm 2017 trong bối cảnh nợ xấu ở mức cao, việc giải quyết nợ xấu trên cơ sở phải đảm bảo an toàn hệ thống tín dụng và bảo vệ tiền gửi cho người dân. Trong khi đó, nợ công sát trần nhưng nhu cầu tổng vốn đầu tư xã hội lại rất lớn.

Theo Đại biểu Quốc hội, trên cơ sở các thách thức đó, những thành quả Chính phủ đạt được trong năm 2017 là rất đáng trân trọng. Theo đó, 3 thành quả lớn nhất Chính phủ đạt được trong năm 2017 gồm: GDP tăng trưởng cao, nhiều khả năng đạt 6,7% trong năm nay, mức cao nhất trong vòng 7 năm qua; Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, kéo giảm lãi suất, cải thiện cán cân thương mại và cán cân vãng lai. 10 tháng đầu năm thăng dư thương mại đạt 1,2 tỷ USD; Kỷ luật ngân sách chặt chẽ hơn nên đã tiết kiệm được bội chi ngân sách 4.000 tỷ đồng, từ đó kéo bội chi ngân sách xuống còn 3,5% GDP, nợ công từ 63,6% xuống còn 62,6% GDP.

Trong báo cáo Chính phủ trình trước Quốc hội cũng đã chỉ ra khá nhiều tồn tại và hạn chế, nhưng theo ông Trần Hoàng Ngân, điều đáng quan tâm nhất là 3 hạn chế được chỉ ra gồm:

Quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn yếu. Cụ thể là quản lý đô thị, tài nguyên, khoáng sản, đất đai, quản lý về trật tự xã hội,…; Tính tuân thủ pháp luật còn yếu trong khi bộ máy hành chính nhà nước còn cồng kềnh, đặc biệt là hiệu lực và hiệu quả thấp; Năng lực cạnh tranh của khu vực sản xuất kinh doanh trong nước còn thấp, năng suất lao động cũng như công nghệ máy móc, thiết bị còn lạc hậu.

Tăng trưởng năm 2018 có thể cao hơn

Đánh giá về kế hoạch phát triển KT-XH năm 2018 của Chính phủ, Đại biểu Trần Hoàng Ngân bày tỏ sự đồng tình về mục tiêu tổng quát ở 3 mục tiêu: Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; Thay đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng tăng trưởng; Kiên định mục tiêu giữ vững, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, bảo đảm an ninh quốc phòng và an toàn trật tự xã hội.

Tiết kiệm chi 1%, ngân sách nhà nước có thêm 15.000 tỷ đồng - 1

Ông Trần Hoàng Ngân, ĐBQH thành phố Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, đi vào mục tiêu cụ thể, Chính phủ đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2018 từ 6,5%-6,7% , ông Trần Hoàng Ngân cho rằng cần mạnh dạn đặt chỉ tiêu 6,7%. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đây cũng đã thay đổi dự báo tăng trưởng của kinh tế thế giới với mức tăng 3,5% trong năm 2017 và 3,7% trong năm 2018. Cũng theo IMF, khu vực kinh tế của các thị trường mới nổi cũng được dự báo tăng trưởng năm 2018 sẽ cao hơn so với năm 2017.

“Một điểm nữa là tổng vốn đầu tư năm 2018 dự kiến tăng lên 34%, cho nên không có lý do gì để tốc độ tăng trưởng lại không cao hơn năm 2017,” ông Trần Hoàng Ngân nói.

Đối với mục tiêu thứ hai của Chính phủ trong vấn đề bội chi ngân sách, ông Trần Hoàng Ngân bày tỏ sự không đồng thuận đối với mục tiêu của Chính phủ là tiếp tục để bội chi ngân sách tăng tới 3,7% GDP, trong khi đáng lẽ phải kéo giảm xuống dưới 3,5% GDP.

“Trong tổng chi ngân sách dự toán năm 2018, Chính phủ dự toán chi ngân sách 1.500.000 tỷ đồng, chỉ cần tiết kiệm 1% của dự toán này thôi là đã tiết kiệm được 15.000 tỷ đồng. Điều này cũng có nghĩa Chính phủ hoàn toàn có thể kéo giảm bội chi ngân sách từ 204.000 tỷ đồng xuống dưới mức 200.000 tỷ đồng”.

Trên cơ sở đó, Đại biểu Trần Hoàng Ngân gửi đến Chính phủ 3 kiến nghị gồm: Thứ nhất, phải có gói giải pháp đồng bộ để nâng cao năng lực cạnh tranh các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong đó, làm sao thực hiện sớm Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư.

Thứ hai, Chính phủ nên tiếp tục có bàn luận sâu hơn và có giải pháp cụ thể hơn để phát triển nền nông nghiệp Việt Nam. Một đất nước có nhiều lợi thế quốc gia trên lĩnh vực này, nhưng giá nông sản của Việt Nam trên thị trường quốc tế hiện nay thấp hơn so với sản phẩm của các nước khác. Chính phủ cần có giải pháp tổng thể hơn và cũng nên đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ.

Thứ ba, chúng ta có sự tắc nghẽn trong khâu quản lý và tổ chức ở các cấp cao, kể cả ở thể chế trong vấn đề phân bổ vốn ngân sách và phân bổ vốn đầu tư công. Đã thiếu vốn lại còn giải ngân chậm là việc lãng phí, nếu giải ngân tốt hơn thì tốc độ tăng trưởng còn cao hơn nữa. Phải có kế hoạch phân bổ vốn ngay từ đầu năm vì vốn trái phiếu được huy động ngay từ đầu năm và phải trả lãi 6,1%, nhưng việc giải ngân chỉ đạt 7,8% thì là một sự lãng phí.

Liên quan đến vấn đề ngân sách, Đại biểu Trần Hoàng Ngân bày tỏ sự lo lắng vì trong nguồn thu ngân sách hiện nay, một số nguồn thu có xu hướng giảm. Cụ thể, thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giảm vì đến giai đoạn nào đó cũng hết doanh nghiệp nhà nước để cổ phần hóa; thu cổ tức từ DNNN cũng giảm vì lý do tương tự; thu từ XNK cũng giảm vì trong xu thế hội nhập chúng ta ký nhiều Hiệp định thương mại tự do; đất đai có giới hạn nên thu từ sử dụng đất cũng sẽ giảm.

Như vậy, bắt buộc Chính phủ phải giảm chi, muốn giảm chi thì một trong những thứ cần phải giảm ngay là chi thường xuyên.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Tuân (Infonet)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN