"Tiền thoái vốn nên để tái cơ cấu nợ công"

Trò chuyện với Tiền Phong, TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, Ủy viên Ủy ban kinh tế của Quốc hội cho rằng, việc thoái vốn nhà nước tại 10 doanh nghiệp do SCIC đang đại diện nắm giữ là hoàn toàn phù hợp. Số tiền thoái vốn thu được, Chính phủ nên đầu tư để giải quyết bài toán quá tải bệnh viện và tái cơ cấu lại các khoản nợ để giảm nợ công xuống.

Không theo đuổi mục tiêu lợi nhuận

Chính phủ vừa quyết định, tới đây sẽ thoái vốn toàn bộ tại 10 doanh nghiệp do SCIC đang đại diện nắm giữ, trong đó có những đơn vị đang hoạt động rất hiệu quả như Vinamilk, FPT…  Ông nhìn nhận thế nào về chủ trương trên?

Chủ trương để SCIC thoái vốn tôi đã đề nghị trước diễn đàn Quốc hội cách đây đã hai năm rồi. Tất cả những đơn vị đó theo  định hướng thì nhà nước không cần phải đầu tư, phải giữ vốn. Khi thoái vốn những đơn vị trên, chúng ta cũng thực hiện dễ dàng và thu được số tiền lớn ngay. 

Thoái vốn ngay những đơn vị mà hiệu quả kinh doanh, sinh lời lớn cũng thể hiện ý nghĩa là Chính phủ không phải theo đuổi mục tiêu tìm lợi nhuận về tài chính mà đi vào mục tiêu củng cố các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, nhưng hiệu quả hoạt động chưa cao. Bên cạnh đó, Luật quản lý sử dụng vốn đầu tư nhà nước vào doanh nghiệp có hiệu lực từ 1/7/2015 vừa qua đã giới hạn 4 lĩnh vực nhà nước đầu tư. 

Trong 4 lĩnh vực đó, có thể có những doanh nghiệp hiện nay hoạt động chưa hiệu quả thì chúng ta phải đầu tư vào đó để nâng trình độ quản lý hiệu quả nó lên. Còn 10 cái mà Chính phủ vừa quyết định thoái vốn thì thực tế nó lại không nằm trong 4 lĩnh vực giới hạn mà nhà nước cần đầu tư.

Vậy theo ông việc thoái vốn cần phải thực hiện như thế nào cho thực sự hiệu quả?

Thoái vốn như thế nào, đây là một vấn đề mà nhà nước đã giao cho Tổng công ty Đầu tư & Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC). Chắc chắn họ sẽ biết cách để làm sao có thể thoái vốn với một lộ trình, cách thức có lợi nhất cho nhà nước, tức là người chủ. 

Tôi chỉ đề xuất một vấn đề khi thực hiện thoái vốn. Phần lớn các doanh nghiệp nhà nước định thoái vốn đều đã được niêm yết trên thị trường chứng khoán. Giá cổ phiếu đã được thị trường khẳng định. Do vậy chúng ta cần phải đảm bảo tính công khai minh bạch và thực hiện theo cơ chế thị trường.

Các doanh nghiệp nhà nước chuẩn bị được thoái vốn, đặc biệt với Vinamilk đang sở hữu nguồn lực lao động rất lớn. Vậy phải làm thế nào để không gây xáo trộn cho người lao động?

“Số tiền từ thoái vốn có thể sử dụng vào mục đích giảm bội chi ngân sách, nợ công và để đầu tư. Chẳng hạn có thể dùng tiền đó làm bệnh viện, hay sử dụng vào một số công trình trọng điểm. Chúng ta không thể phát hành trái phiếu, đi vay mãi được, do vậy cần phải chuyển sang hình thức này để làm những việc có ích cho dân”. 

TS Trần Du Lịch

Chúng ta cần phải biết thế mạnh của Vinamilk bây giờ là gì? Thế mạnh thứ nhất chính là thương hiệu của Vinamilk. Thứ hai, đơn vị này có một bộ máy quản trị hiệu quả và có nguồn nhân lực tốt. Tôi tin rằng, dù ai sở hữu cũng phải dựa vào lợi thế đó. Vinamilk thực chất hiện nay đã quản trị theo cơ chế thị trường rồi. Đây là một công ty đại chúng. Đối với Vinamilk, đối với DN đã cổ phần hóa lâu năm, tôi không nghĩ rằng nhà nước còn chút vốn bán đi mà ảnh hưởng đến người lao động. Điều đó chúng ta chỉ nên đặt ra đối với những doanh nghiệp bắt đầu cổ phần hóa thôi. Mặt khác nhà nước dành những chính sách đối với người lao động như thế nào thì cũng đã được quy định hết rồi.

Tôi xin nhắc lại rằng, thế mạnh của Vinamilk là thương hiệu và nguồn nhân lực rộng và ở góc độ hẹp hơn là sự quản trị tốt. Ai là chủ cũng cần phải tận dụng thế mạnh đó cả.

Dùng tiền thoái vốn để cơ cấu lại nợ công

Theo ông, các doanh nghiệp này sẽ phát triển theo xu hướng nào, khi nhà nước thoái hết vốn, có thể những ưu đãi trước đây không còn nữa?

"Tiền thoái vốn nên để tái cơ cấu nợ công" - 1

TS Trần Du Lịch.

Chúng ta không nên đặt quá nặng vấn đề sở hữu ở đây. Sở hữu của Vinamilk là sở hữu của đại chúng. Hình thức sở hữu gọi là đa sở hữu cổ phần thì được khuyến khích. Điều này hoàn toàn phù hợp với chủ trương hiện nay chứ không có gì trái với chủ trương và cũng không có gì đáng lo ngại cả. 

Đặc biệt theo quy định hiện nay, Luật quản lý vốn kinh doanh nhà nước tại doanh nghiệp đã quy định, doanh nghiệp nhà nước chỉ tập trung đầu tư, lập mới doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Tức là chúng ta phải nhận thức doanh nghiệp nhà nước phải là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. 

Còn Vinamilk là doanh nghiệp cổ phần. Mười doanh nghiệp đang thoái vốn là doanh nghiệp cổ phần. Theo hiệu lực của luật, từ 1/7 năm nay các doanh nghiệp đó không còn là phạm trù doanh nghiệp nhà nước nữa.

Theo tiến trình cổ phần hóa thì chúng ta không đặt vấn đề ưu đãi nữa. Đó cũng không phải vấn đề chính, mà cái chính ở đây là thách thức của doanh nghiệp Việt Nam nói chung, chứ không phải doanh nghiệp của ai. Ai bảo doanh nghiệp tư nhân hiện nay không thách thức?

Luật Đầu tư có hiệu lực từ 1/7 là ưu đãi theo ngành nghề. Một là ưu đãi, hai là hỗ trợ và không phân biệt sở hữu ngành nghề hay địa bàn. Chúng ta phải căn cứ vào luật mà làm. Tôi nhắc lại, Luật Đầu tư từ 1/7 có hiệu lực không đặt vấn đề ưu đãi theo sở hữu mà ưu đãi theo lĩnh vực, theo ngành nghề, theo đối tượng.

Vậy còn số tiền rút ra từ các doanh nghiệp này với khoảng 3 tỷ đô la, theo ông phải sử dụng như thế nào để mang lại hiệu quả nhất?

Số tiền đó dùng để làm gì, có lẽ Chính phủ đã có mục đích rồi. Tuy nhiên, theo tôi Chính phủ nên dùng số tiền thoái vốn đó để giải quyết tình trạng quá tải ở bệnh viện. Một phần còn lại nên tái cơ cấu lại nợ công, nhất là các khoản nợ vay để đầu tư đường sá giao thông. 

Những khoản vay này đến hạn liên tục, tái cấu trúc lại sẽ giảm được gánh nặng nợ công đi. Chúng ta không thể phát hành trái phiếu, đi vay mãi được, do vậy cần phải chuyển sang hình thức này để làm những việc có ích cho dân.

Cảm ơn ông.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dũng Nguyễn - Văn Kiên (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN