Tiền ế, nhà băng gắng gượng "lấy công làm lãi"
Đã qua thời các nhà băng “ăn dày” khi lãi biên tín dụng sau khi trừ chi phí vốn hiện chỉ còn dưới 1%.
Số liệu thống kê của Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước – NHNN) cho thấy, tính đến 22/4/2014 tín dụng đã tăng 0,62% so với cuối năm 2013. Dòng tiền sau một thời gian “đóng băng” thì nay đã nhúc nhích chuyển động, thay vì “đứng im” như 2 tháng đầu năm.
Trong khi đó, số liệu tăng trưởng tại một số tổ chức tín dụng lại ghi nhận sự tăng đột biến. Có những ngân hàng ngay trong quý I/2014 tín dụng đã tăng tới trên 10 % như NHMTCP Tiên Phong (TPB), hay như tại NHTMCP Quốc tế (VIB) tăng ở mức 7,1%. Thuộc top tăng trưởng thấp hơn có thể điểm đến những cái tên như NHTMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), mức tăng trưởng dành cho khách hàng vay đạt 2,25%, tương đương 71.858 tỷ đồng…
Các ngân hàng hiện đang chấp nhận "ăn mỏng" lợi nhuận để đẩy vốn ra nhanh hơn
Chia sẻ với Infonet, ông Lê Quang Trung – Phó tổng giám đốc VIB cho biết, sở dĩ tín dụng của VIB tăng trưởng tốt là do các giải pháp cơ cấu lại khách hàng, cơ cấu lại sản phẩm… của ngân hàng thực hiện trong thời gian dài vừa qua, tới giờ đã “ngấm”.
Tuy vậy, ông Lê Quang Trung cho rằng, trong bối cảnh hiện nay tín dụng sẽ khó tăng ồ ạt bởi nợ xấu vẫn là mối nghi ngại của các nhà băng. Đồng thời, sau một thời gian “vấp” phải nợ xấu các ngân hàng đã thắt chặt khẩu vị rủi ro, “mở” hầu bao nhưng cũng phải lựa chọn đối tượng để hạn chế rủi ro ở mức thấp nhất.
Theo sếp của VIB, với tình hình kinh doanh hiện nay mức chênh lệch lãi suất đầu vào – đầu ra của các nhà băng đã rút về còn dưới 1%, chứ không phải “ăn dày” như nhiều người vẫn nghĩ. “Thậm chí, chúng tôi chấp nhận hy sinh lợi nhuận, cho vay dưới giá vốn nếu “gặp” được DN tốt” – Phó tổng của VIB thẳng thắn.
Dẫn chứng cho con số mình đưa ra, ông Trung tính toán, với mức lãi huy động đầu vào thị trường khoảng 6%/năm hiện nay, cộng với khoản dự trữ bắt buộc, các loại chi phí (chi phí hành chính, trả lương nhân viên…) thì chênh lệch lãi suất giữa đầu vào – đầu ra của ngân hàng sẽ vào khoảng 7,8%/năm. So với mức lãi cho vay ra của nhà băng này hiện vào khoảng 8,5%/năm thì ngân hàng chỉ “lời” 0,7%.
Ngay cả với các ngân hàng quốc doanh giá vốn huy động rẻ hơn, nhưng lãi vay đầu ra thấp hơn khối thương mại cổ phần thì lãi biên tín dụng cũng rất thấp, dưới 1%.
“70-80% thu nhập của nhà băng đến từ tín dụng. Nếu huy động một đồng vốn mà để tồn trong kho lâu là lỗ, thế nên bằng mọi cách, thậm chí chấp nhận lãi ít cũng phải đẩy vốn ra. Vốn ra được cũng giúp luân chuyển sản xuất trong nền kinh tế hài hòa hơn” – ông bày tỏ.
Theo lý giải của NHNN, trong bối cảnh lạm phát so với cùng kỳ tăng ở mức thấp (4,45%), tín dụng đã có tăng trưởng thực, dù 4 tháng đầu năm mới chỉ đạt chưa đầy 1%, cũng có tác dụng mở rộng đầu tư để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Ở hoạt động huy động vốn, dù trong thời gian qua, lãi suất chỉ duy trì mức thấp là 6%/năm cho các kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng và từ 6,5 - 7,5% cho các kỳ hạn dài, nhưng dòng tiền vẫn tiếp tục đổ vào ngân hàng bởi gửi tiết kiệm vẫn được đánh giá là đầu tư an toàn và hiệu quả.
Theo thống kê của NHNN hiện mặt bằng lãi suất cho vay chỉ ở mức 9-10,5%/năm đối với ngắn hạn; 11-12,5%/năm đối với trung và dài hạn. Trong đó, một số DN có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, phương án, dự án sản xuất kinh doanh hiệu quả lãi suất cho vay chỉ 6-7%/năm.
Đó là mặt bằng lãi suất chung của cả hệ thống, còn tại một số nhà băng mức lãi vay dành cho DN đã ”tụt” hẳn xuống, chỉ dao động từ 6-8,5%/năm như tại VIB.
Đa số các lãnh đạo nhà băng đều cho rằng, dòng vốn đang ”đổ” vào sản xuất nhiều hơn.
Đã qua thời các nhà băng “ăn dày” chênh lệch giữa lãi suất huy động-cho vay lên tới 5-6% khiến DN bức xúc tố với NHNN cách đây 1 năm.