Tham nhũng bóp méo chính sách kinh tế

Tham nhũng, bất cập về thể chế là lực cản lớn đối với sự phát triển kinh tế của Việt Nam

Đó là ý kiến chung của nhiều đại biểu tham dự Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân 2015 với chủ đề “Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh: Biến lời nói thành hành động” do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Tỉnh ủy Nghệ An và dự án Hỗ trợ tái cơ cấu kinh tế nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam (RCV) phối hợp tổ chức diễn ra trong 2 ngày 21 và 22-4 tại TP Vinh, Nghệ An.

Chỉ số cạnh tranh thấp

Theo TS Lê Đăng Doanh, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam được xếp hạng dưới trung bình và chậm được cải thiện, trong khi một số nước trong khu vực có tiến bộ đáng kể như Malaysia, Thái Lan... Xếp hạng của Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) năm qua cũng đánh giá Việt Nam chỉ đạt vị trí 119/175 nền kinh tế.

Tham nhũng bóp méo chính sách kinh tế - 1

Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân 2015 đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết từ các đại biểu trong và ngoài nước

Trong khi đó, báo cáo năm 2014-2015 của Diễn đàn Kinh tế thế giới cho thấy chỉ số về “đút lót” trong xuất nhập khẩu tại Việt Nam xếp thứ 121, “đút lót” trong quyết định tư pháp ở vị trí 117, chỉ tiêu về công khai trong xây dựng chính sách của Chính phủ cũng chỉ đạt mức 116, chi ngoài pháp luật và “đút lót” trong thu thuế hằng năm xếp thứ 104… Đây là thứ tự xếp hạng rất thấp trong tổng số 144 nước tham gia xếp hạng. “Tham nhũng đang bóp méo phân bố nguồn lực, chính sách kinh tế và thể chế, làm xấu đi môi trường kinh doanh của Việt Nam” - ông Doanh lo lắng.

Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng tham nhũng, lợi ích nhóm, tư duy nhiệm kỳ còn tồn tại đang là lực cản lớn đối với hội nhập và phát triển. Bà Lan phân tích 20 năm Việt Nam tham gia ASEAN nhưng hiện đứng trong nhóm 4 nước kém phát triển. Đây là thực tế đáng lo ngại đối với nền kinh tế Việt Nam khi chúng ta hội nhập rộng ra ngoài khu vực.

Theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương, Việt Nam hiện đang đi theo con đường phát triển kinh tế thị trường có sự định hướng của nhà nước, các doanh nghiệp (DN) đã được tự do thỏa thuận thị trường. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điểm nghẽn và nút thắt về thể chế làm chậm tiến trình cải cách kinh tế. Trong giao dịch tuy đã tự do nhưng chưa thật sự công bằng, chưa thuận lợi, chi phí cao, rủi ro cao, chưa có cạnh tranh công bằng và minh bạch, làm méo mó thị trường. Nguyên nhân chủ yếu do nhà nước đang lấn át tư nhân.

“So với các nước trong khu vực, môi trường thu hút đầu tư, cạnh tranh của chúng ta giảm, gánh nặng hành chính lại cao nhất, tính minh bạch của hệ thống pháp luật thấp. Đây là những trở ngại lớn đối với sự hội nhập và phát triển của đất nước” - diễn giả Phạm Văn Quang nhận xét.

Tự chủ, đổi mới tư duy để tồn tại

Nhiều ý kiến cho rằng ngoài việc chờ đợi những cải cách, thay đổi của nhà nước thì các DN cần chủ động, phát huy tinh thần sáng tạo để khẳng định mình trong quá trình hội nhập. Bà Trần Thị Vân Hoa, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, khuyến cáo trong lúc chờ cơ chế chính sách thay đổi, DN phải đổi mới tư duy, phát huy khả năng tự chủ của mình để tìm ra cơ hội phát triển và khẳng định mình.

Đồng tình với quan điểm trên, TS Nguyễn Đình Cung cho rằng nhà nước đã có những thay đổi về chính sách theo hướng tích cực, DN cần chủ động tiếp cận với những thay đổi, phải tìm hướng tồn tại và phát triển cho mình khi hội nhập.

Ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, khẳng định trong quá trình hội nhập quốc tế sẽ có rất nhiều thách thức đặt ra cho các hiệp hội ngành nghề, các DN. Để phát triển, từng DN phải phát huy tính chủ động, tự chủ, không thể cứ ngồi chờ những thay đổi về cơ chế và chính sách.

Phải nhanh chóng cải cách

Trong tham luận gửi tới diễn đàn, ông Atsusuke Kawada - Trưởng Đại diện Văn phòng JETRO Hà Nội, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam - cho rằng mặc dù rủi ro về môi trường đầu tư mà các DN Nhật Bản gặp phải đang được cải thiện nhưng “hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, vận hành thiếu minh bạch” của Việt Nam vẫn bị coi là rủi ro đầu tư lớn nhất.

Về “thủ tục hành chính”, “thủ tục thuế”, có quá nửa DN Nhật Bản coi đây là vấn đề cần phải cải tiến nhanh chóng. Đặc biệt, về hệ thống pháp luật, tiêu biểu là quy chế nhập khẩu máy móc đã qua sử dụng, ông Atsusuke Kawada cho rằng nó không chỉ gây bất lợi cho các DN Nhật Bản đang xem xét đầu tư mới hoặc đầu tư mở rộng vào Việt Nam mà còn có thể gây ảnh hưởng tiêu cực vào nỗ lực thu hút đầu tư của Chính phủ Việt Nam.

41 tham luận, ý kiến đóng góp

Ông Nguyễn Văn Giàu cho biết trong 2 ngày, Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân 2015 đã nhận được 41 tham luận, ý kiến đóng góp tâm huyết của các đại biểu là các nhà quản lý, khoa học, chuyên gia, DN trong và ngoài nước. “Chúng tôi sẽ tiếp thu và báo cáo những ý kiến đúng lên Thường vụ Quốc hội” - ông Giàu nói.

 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đức Ngọc (Báo Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN