Tăng trưởng kinh tế 2016 kỳ vọng cao hơn năm nay

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2015 tăng 6,68% - mức cao nhất trong giai đoạn 2011-2015 và GDP năm 2016 đang đặt ra mục tiêu cao hơn nhưng để đạt được mức tăng trưởng kinh tế cao hơn 2015 sẽ không dễ.

Đây là thông tin từ cuộc họp báo diễn ra sáng ngày 26.12 về tình hình kinh tế xã hội Việt Nam năm 2015. Ông Nguyễn Bích Lâm -Tổng cục trưởng Tổng cục thống kê cho biết: “Năm 2015 dù khó khăn do biến động kinh tế thế giới song kinh tế vĩ mô trong nước ổn định, các cân đối vĩ  mô đảm bảo, lạm phát thấp, niềm tin người tiêu dùng tăng cao. Lạm phát bình quân năm nay chỉ tăng 0,63% so với năm 2014 và GDP tăng tới 6,68%, cho thấy nền kinh tế đã lấy lại đà tăng trưởng, quý sau cao hơn quý trước, năm sau cao hơn năm trước”.

Tăng trưởng kinh tế 2016 kỳ vọng cao hơn năm nay - 1

GDP 2015 tăng 6,68% - mức cao nhất trong giai đoạn 2011-2015. Ảnh minh họa.

Ông Hà Quang Tuyến - Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) cũng khẳng định: “Chúng tôi tính GDP dựa trên các số liệu cụ thể ngẫu nhiên, phù hợp với phương pháp tính, không có sự điều chỉnh hay “làm đẹp” con số tăng trưởng ở đây”. Theo ông Tuyến, các dấu hiệu tốt của nền kinh tế thể hiện ở sự tăng trưởng GDP cao, tồn kho và lạm phát thấp, tiêu dùng tăng, chỉ số sử dụng lao động tăng hơn, tích lũy của nền kinh tế cũng tăng lên...

Ông Tuyến cho biết, năm 2016, chúng ta còn đặt mục tiêu tăng GDP cao hơn lên mức 6,7%. Lý do là bởi năng lực sản xuất của nền kinh tế vẫn còn nhiều dư địa để có thể kỳ vọng tăng trưởng kinh tế cao hơn. Trong lĩnh vực nông nghiệp, các khó khăn khách quan về thời tiết, giá cả có thể giảm bớt giúp ngành này tăng trưởng cao trong năm tới. Các ngành chế biến, chế tạo, khai khoáng, điện, thương mại hàng hóa, ngân hàng dù đã tăng cao trong năm nay song vẫn còn dư địa để phát triển hơn trong năm 2016. Đặc biệt, năm 2016, giá dầu dự báo tiếp tục giảm sẽ tác động làm cho giá xăng dầu và chi phí đầu vào của nền kinh tế giảm, tạo giá trị gia tăng hàng hóa nhiều hơn, tác động tốt tới nền kinh tế hơn.

Tuy nhiên, lãnh đạo ngành thống kê cũng thừa nhận, dù đặt mục tiêu GDP cao trong năm tới nhưng khó khăn và thách thức cũng rất lớn. Ông Nguyễn Bích Lâm cho biết, giá dầu giảm sẽ tác động làm giảm thu ngân sách Nhà nước. Các bộ ngành liên quan dự kiến sẽ tiếp tục điều chỉnh giá các loại dịch vụ công như y tế, giáo dục; giá các mặt hàng Nhà nước quản lý như điện, nước còn tăng lên theo giá thị trường để tránh bù lỗ; tăng lương… Tất cả sẽ không hẳn có lợi cho tăng trưởng kinh tế.

“Lương chắc chắn sẽ tăng trong năm tới; lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế cũng sắp ban bành, học phí đã tăng… Tất cả sẽ làm cho người dân phải chi tiêu nhiều hơn, tác động tới lạm phát, người dân sẽ phải cắt giảm chi tiêu vì phải chi nhiều hơn cho các dịch vụ cơ bản này, từ đó tác động làm cho tổng cầu của nền kinh tế giảm, ảnh hưởng tới mục tiêu tăng trưởng chung. Do đó, chúng tôi đã kiến nghị Chính phủ phải hết sức cân nhắc, điều tiết vấn đề này”- ông Lâm nói.

Năm 2016, theo lãnh đạo ngành thống kê, sức ép điều chỉnh tỷ giá cũng rất lớn do các yếu tố bất ổn về cung cầu ngoại tệ, Mỹ có thể nâng tiếp lãi suất, nếu tỷ giá được điều chỉnh sẽ ảnh hưởng tới lạm phát, điều hành nền kinh tế. Chưa kể, năm tới thuế của nhiều hàng hóa về 0% sẽ làm tăng nhập khẩu tác động đến cán cân thanh toán ngoại tệ, cung ngoại tệ, tỷ giá trong khi nợ xấu của nền kinh tế, năng suất lao động của ta còn chưa được cải thiện nhiều. Ông Lâm cho rằng, trong năm tới nền kinh tế phải có đổi mới cải cách thể chế mạnh mẽ hơn nữa đi kèm với cải thiện thủ tục hành chính, thúc đẩy ứng dụng công nghệ  trong sản xuất, lao động để làm sao tăng được năng suất tổng hợp của nền kinh tế lên mới mong có tăng trưởng kinh tế cao hơn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mai Hương ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN