Tăng mạnh vay để đảo nợ công

Sự kiện: Kinh Doanh

Ngày 5/7, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cam kết, sẽ giữ nợ công ở mức 5,1 triệu tỷ đồng. Trong khi đó, đại diện Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội tỏ ra lo lắng trước việc tiền đi vay để đảo nợ ngày càng tăng. Muốn giảm nợ công phải trông chờ vào tăng trưởng kinh tế như kỳ vọng. Tuy nhiên, giải ngân vốn đầu tư công quá chậm, gây lãng phí nguồn lực.

Giữ nợ công mức 5,1 triệu tỷ đồng

Sáng 5/7, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của ngành tài chính. Tại hội nghị, ngoài các vấn đề truyền thống như tăng thu, giảm chi ngân sách, thuế, hải quan, doanh nghiệp nhà nước… được bàn luận, các đại biểu cũng nói nhiều về nợ công, giải ngân vốn đầu tư chậm.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Hữu Quang cho rằng, xã hội đang đặc biệt quan tâm tới nợ công. Theo ông Quang, muốn phát triển phải vay nợ, nhưng vay phải có khả năng trả khi tới hạn, để đảm bảo an ninh tài chính quốc gia. “Từ năm 2013, phải đi vay trên 40.000 tỷ đồng để đảo nợ. Số tiền vay để đảo nợ tiếp tục tăng lên 125.000 tỷ đồng vào năm 2015. Vay để đảo nợ đang tăng gây sức ép lên trần nợ công. Cùng đó, việc đi vay tăng nhưng tiền đưa vào đầu tư lại giảm làm cản trở phát triển kinh tế, xã hội”, ông Quang nói.

Cùng đó, ông Quang kiến nghị đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, sử dụng hiệu quả vốn, tránh tình trạng nhà nước phải đi vay, nhưng sử dụng kém hiệu quả. Ngoài ra, việc chi thường xuyên những năm qua liên tục tăng cao, nhiều chính sách chi chưa phù hợp với xu thế phát triển của đất nước, làm bội chi và nợ công tăng cao.

Tăng mạnh vay để đảo nợ công - 1

Bộ Tài chính cam kết giữ nợ công ở mức 5,1 triệu tỷ đồng. Ảnh minh họa: Như Ý.

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng tính toán, dù giữ bội chi, mức nợ công 5,1 triệu tỷ đồng, tỷ lệ nợ công trên GDP vẫn có thể vượt trần nếu tăng trưởng kinh tế không đạt mục tiêu. “Chúng tôi cam kết giữ nợ công ở con số tuyệt đối như hiện nay, nhưng tỷ lệ nợ công có vượt trần hay không phụ thuộc vào tăng trưởng. Như năm 2016, nợ công vẫn ở mức 5,1 triệu tỷ đồng”, ông Dũng nói.

Để kiểm soát chặt nợ công, theo ông Dũng, kiên quyết không chuyển vốn vay, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn cho vay lại thành vốn cấp phát từ ngân sách nhà nước. Đồng thời thực hiện đánh giá các yếu tố, tác động của nợ công trung hạn trước khi thực hiện các khoản vay mới, để cơ cấu bền vững.

Đề nghị cắt vốn đầu tư nếu giao chậm

Theo Bộ Tài chính, 6 tháng đầu năm 2017, vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách mới giải ngân đạt 29,5% dự toán. Đặc biệt, vốn trái phiếu Chính phủ mới giao được hơn 10% kế hoạch, giải ngân chưa tới 2% dự toán (cùng kỳ năm trước đã giải ngân gần 22%).

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm quá chậm. Điều này tác động rất lớn tới sản xuất, việc làm, thu ngân sách và tăng trưởng. Theo Phó Thủ tướng, cả vốn huy động mới và vốn năm trước chuyển sang hiện còn khoảng 300.000 tỷ đồng. Nếu dùng số vốn này làm “mồi”, có thể huy động thêm 700.000 tỷ đồng vốn đầu tư xã hội. Như vậy, dòng vốn cho tăng trưởng đã có thêm 1 triệu tỷ đồng. “Giải ngân vốn đầu tư công đang là điểm yếu then chốt, dù Bộ KH&ĐT chịu trách nhiệm chính, nhưng cũng có phần của Bộ Tài chính”, ông Huệ nói.

Cùng với nhận một phần trách nhiệm, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng thẳng thắn chỉ ra rằng việc giải ngân vốn hiện đang “tắc” ở Bộ KH&ĐT. Ông dẫn phản ánh của địa phương về phân bổ tín dụng đầu tư kiên cố hóa kênh mương có trong kế hoạch năm 2016, nhưng tháng 12/2016 các địa phương mới được giao vốn, giải ngân kéo sang năm sau. Những khoản vay đó của địa phương được tính vào bội chi năm 2017. Ngoài ra, còn 50.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ kế hoạch năm 2016, nhưng giao chưa hết phải chuyển sang năm 2017, nay đã quá nửa năm mới giao được 5.000 tỷ đồng. “Giao vốn quá chậm kéo dài từ năm ngoái tới nay. Với tiến độ này, tới cuối năm nay chưa chắc đã giao được. Nếu hồ sơ đầy đủ, phần thẩm định của Bộ Tài chính chỉ một ngày, thậm chí một buổi là xong, nhưng các phần khác còn vướng nhiều”, ông Dũng nói.

Người đứng đầu ngành tài chính đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành quyết liệt hơn, phê bình nếu họ làm không tốt. Thậm chí, với những phần vốn đã đưa vào kế hoạch nhưng chậm giao thì cho phép cắt. “Không thể để tới tháng 11, 12 mới giao vốn, rồi kéo dài sang năm sau. Cắt đi còn giảm áp lực lên bội chi”, ông Dũng nói thêm.

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ ghi nhận những nỗ lực của ngành nửa đầu năm đã đảm bảo nguồn thu, làm tốt nhiệm vụ chi, quản lý giá. Tuy vậy, Phó thủ tướng cho rằng, ngành tài chính còn hạn chế trong triển khai cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp chậm; đề án cơ cấu lại thị trường chứng khoán, bảo hiểm vẫn chưa hoàn thành… Những tháng cuối năm, ngành tài chính cần tiếp tục nhiệm vụ thu ngân sách, kiểm soát chi thường xuyên, cải cách hành chính, hỗ trợ khởi nghiệp.

Theo Bộ Tài chính, nợ công tính đến hết năm 2016 bằng khoảng 63,7% GDP, năm 2017 dự kiến bằng khoảng 64,8% GDP. Nợ công sẽ bắt đầu giảm từ năm 2018 (bằng 64,7% GDP), năm 2020 bằng 63,7% GDP. Tuy nhiên, điều này chỉ đạt được với điều kiện tăng trưởng kinh tế ở mức 6,7 - 7% mỗi năm.

Tổng chi ngân sách 6 tháng đầu năm ước đạt 582,9 nghìn tỷ đồng (bằng 41,9% dự toán, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước). Tới nay, bội chi hơn 19,4 nghìn tỷ đồng (bằng khoảng 43,5% dự toán năm).

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Hữu Việt (Tiền phong)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN