Tăng lương từ 1.1.2015: Coi chừng giá tăng theo lương

Theo nghị quyết của Quốc hội, từ 1.1.2015 sẽ điều chỉnh tăng lương cho 3 nhóm đối tượng với mức tăng là 8%, tức khoảng 90.000 đồng/tháng. Dù lương tăng rất ít nhưng cái đáng lo hơn cả là việc hàng hóa “té nước” tăng theo...

Khi nhiều người sợ... tăng lương

Chỉ số giá tiêu dùng 10 tháng đầu năm 2014 chỉ tăng 2,36% so với tháng 12.2013 (bình quân mỗi tháng tăng 0,24%), là mức tăng thấp nhất so với mức tăng cùng kỳ 11 năm qua. Tuy nhiên, ngay Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cũng dự báo, giá cả sẽ tiếp tục biến động tăng lên trong 2 tháng cuối năm khi lương vẫn chưa được điều chỉnh tăng lên.

Tăng lương từ 1.1.2015: Coi chừng giá tăng theo lương - 1

Việc giá cả hàng hóa tăng theo việc tăng lương là lo ngại của nhiều lao động (ảnh: Công nhân Khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội, đi chợ). Ảnh: L.H.T

Theo Bộ Tài chính, tình hình mưa, lũ, lụt có thể tiếp tục xảy ra tại các tỉnh miền Trung, miền Nam, trong khi tình trạng thiếu nước, khô hạn cục bộ có khả năng xảy ra tại một số khu vực, có thể ảnh hưởng đến nguồn cung lương thực, thực phẩm, gây tác động tăng giá cục bộ 2 tháng cuối năm. Cùng với đó, tháng 11 và 12.2014 là thời gian các doanh nghiệp thực hiện sản xuất, dự trữ hàng hóa bắt đầu tăng cường chuẩn bị nguồn cung hàng hóa phục vụ nhân dân dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015. Mặt khác, do yếu tố mùa vụ (thời tiết chuyển mùa lạnh) nên nhu cầu đối với một số mặt hàng may mặc, mũ nón, giày dép, thiết bị đồ dùng gia đình tăng, có thể tác động gây sức ép lên mặt bằng giá… Như vậy, khi lương chưa tăng, thì giá cả đã lại “dọa” tăng lên.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho biết, tâm lý tiểu thương xưa nay hay dựa vào việc lương tăng để tăng giá hàng hóa. Do vậy, lương tăng tới đây chắc chắn sẽ làm giá cả tăng lên nhưng do sức mua còn đang quá thấp có thể sẽ “kìm” bớt phần nào tác động tăng giá.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh thì cho rằng, thời điểm tăng lương rơi đúng vào dịp Tết Dương lịch và gần Tết Nguyên đán nên khó tránh khỏi việc giá cả “té nước theo mưa”. Thực tế, chị Nguyễn Thị Lương quê Thái Bình lên Hà Nội ở trọ làm việc tại một công ty sữa đã 7 năm nay cho biết, các công nhân như chị rất “sợ tăng lương” bởi mỗi lần lương tăng là giá cũng tăng: “Em ở trọ đã 7 năm nay và đều hứng chịu việc tăng giá nhà trọ mỗi khi tăng lương. Cuối cùng lương tăng nhưng chi phí của bọn em cũng tăng theo, chẳng cải thiện gì được cuộc sống hay tích cóp được đồng nào nữa”.

Hạn chế tác động xấu

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, vấn đề cốt yếu hiện nay là phải chống lạm phát và cải thiện sức mua cho người dân. Lương tăng 1, giá cả tăng 2 sẽ càng làm cho người dân chắt bóp chi tiêu và cuối cùng tăng lương sẽ không có ý nghĩa gì nếu giá các mặt hàng tiêu dùng, các chi phí sinh hoạt như tiền nhà, điện, nước... tăng theo gấp đôi, gấp ba…

Chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng thì cho rằng, việc Chính phủ tăng lương có chọn lọc đối tượng là phù hợp với một bộ phận đời sống người dân nhìn chung còn đang thấp. Tuy nhiên, tăng lương thì cũng cần có giải pháp nào đó hỗ trợ cho các doanh nghiệp đang khó khăn để họ không phải “cắt chỗ nọ, giảm chỗ kia” để bù chi phí tăng lương, cuối cùng người lao động dù lương tăng cũng không được bao nhiêu, có khi thu nhập thực lại bị thấp hơn.

Ông Thắng cho rằng, để tránh kiểu “té nước theo mưa” của giá cả hàng hóa khi tăng lương, thì trước mỗi lần tăng lương các ngành chức năng cần có chính sách chống lạm phát kèm theo để cho giá trị đồng tiền được ổn định. Có như vậy mới mong đồng lương đáp ứng được mức sống của đa số người lao động.

Để hạn chế tác động xấu từ việc tăng lương, Bộ Tài chính đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường trong nước và quốc tế, làm tốt công tác thu thập, phân tích và dự báo thông tin thị trường để kịp thời đề xuất các giải pháp bình ổn giá, kiềm chế lạm phát theo quy định của pháp luật.

Theo bộ này, Nhà nước sẽ tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý giá, thuế, phí, đặc biệt đối với những hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu; kiểm soát chặt chẽ phương án giá và mức giá hàng hóa, dịch vụ...

Cần chính sách chống lạm phát đi kèm

Chuyên gia Phạm Tất Thắng cho rằng: Để tránh kiểu “té nước theo mưa” của giá cả hàng hóa khi tăng lương, thì trước mỗi lần tăng lương các ngành chức năng cần có chính sách chống lạm phát kèm theo để cho giá trị đồng tiền được ổn định. Có như vậy mới mong đồng lương đáp ứng được mức sống của đa số người lao động”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mai Hương (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN