Không thể tăng lương tối thiểu ở mức… đủ sống

Điều kiện kinh tế ở Việt Nam hiện nay không cho phép tăng lương tối thiểu đáp ứng 100% nhu cầu sống tối thiểu ngay lập tức.

Với 9/15 thành viên bỏ phiếu thông qua, ngày 6/8, Hội đồng tiền lương quốc gia đã thống nhất phương án tăng lương tối thiểu khối doanh nghiệp lên 15,1% so với năm 2014 để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. 

Theo đó, lương tối thiểu tại vùng 1 sẽ tăng 400.000 đồng so với năm 2014 lên 3,1 triệu đồng/tháng, các vùng khác, mức lương tăng từ 300.000 - 350.000 đồng.

Mức tăng này thấp hơn so với mức thấp nhất mà Tổng Liên đoàn Lao động có thể chấp nhận được là 3%, tương đương với 100 nghìn đồng.

“Tương lai gần, lương tối thiểu sẽ đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu”

Theo tính toán của Viện Công nhân - Công đoàn Việt Nam, mức lương tối thiểu hiện chỉ đáp ứng 70% mức sống tối thiểu của người lao động.

Không thể tăng lương tối thiểu ở mức… đủ sống - 1

Ông Phillip Hazelton, chuyên gia về Quan hệ lao động, Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam.

Ông Phillip Hazelton, chuyên gia về Quan hệ lao động, Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam, cho biết, một trong những kết quả sau các phiên thảo luận của Hội đồng Tiền lương Quốc gia là cả ba bên, bao gồm cả đại diện người sử dụng lao động, đều đồng ý rằng tiền lương phải đảm bảo cho người lao động Việt Nam có mức sống cơ bản, kể cả người lao động hưởng lương thấp nhất.

Tuy nhiên, theo ông Phillip Hazelton, điều kiện kinh tế ở Việt Nam hiện nay không cho phép tăng lương tối thiểu đáp ứng 100% nhu cầu sống tối thiểu ngay lập tức.

Vì vậy, ông Phillip Hazelton cho rằng, Hội đồng Tiền lương đã đưa ra một lộ trình tăng lương tối thiểu để người sử dụng lao động có thời gian điều chỉnh và người lao động cũng hiểu rằng trong tương lai gần, tiền lương tối thiểu sẽ đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu.

Ông Phillip Hazelton cũng nhấn mạnh, không nên nói chuyện tăng lương riêng mà nên tạo ra những điều kiện để tăng trưởng tiền lương bền vững, bao gồm tăng năng suất lao động.

Theo ông Phillip Hazelton, Hội đồng Tiền lương Quốc gia thật sự đã phải đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn. Họ không chỉ phải cân nhắc nhu cầu của người lao động và gia đình, mà còn phải tính đến yếu tố kinh tế của tiền lương tối thiểu, bao gồm cả tác động đến năng suất lao động, sức cạnh tranh, đầu tư và việc làm.

Ông Phillip Hazelton phân tích, sau các cuộc họp của Hội đồng Tiền lương Quốc gia, Hội đồng đã đồng ý sẽ đưa ra một lộ trình tăng tiền lương tối thiểu bằng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động.

Lộ trình này sẽ dần dần nâng những mức lương thấp nhất lên ngang bằng với mức sống tối thiểu và cho người sử dụng lao động đủ thời gian điều chỉnh với mức tăng từ từ của tiền lương tối thiểu.

Năng suất lao động thấp do chưa được trả lương xứng đáng?

Năm 2012, năng suất lao động của Việt Nam chỉ đạt 6.816 USD, một trong những mức thấp nhất tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Trong số các nước ASEAN, năng suất lao động tại Việt Nam mới chỉ bằng 2/5 so với Thái Lan, 1/5 so với Malaixia và 1/15 so với Singapore.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về năng suất lao động của Việt Nam đang ở mức thấp nhất khu vực châu Á -  Thái Bình Dương, phải chăng là do chưa được trả lương xứng đáng, ông Phillip Hazelton  cho rằng, tăng trưởng năng suất lao động phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, như: nỗ lực của người lao động, nỗ lực cải tiến của doanh nghiệp và các chính sách hỗ trợ tăng trưởng năng suất của Chính phủ.

Nếu đưa ra các quyết sách đúng đắn, Việt Nam sẽ được hưởng lợi rất lớn từ cộng đồng kinh tế ASEAN. Việt Nam nên hướng tới tăng năng lực cạnh tranh dựa trên năng suất cao thay vì cạnh tranh dựa trên tiền lương thấp.

Theo ông Phillip Hazelton, tác động của việc tăng tiền lương tối thiểu đến doanh nghiệp và người lao động là một vấn đề phức tạp, khác nhau tùy từng nước. Tuy nhiên, các nghiên cứu đã cho thấy, tăng tiền lương tối thiểu ở mức thấp thường không có tác động tiêu cực đến năng lực cạnh tranh, tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế.

Ông Phillip Hazelton cho rằng, Hội đồng Tiền lương Quốc gia cần tiến hành thêm những nghiên cứu để đánh giá xem việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu có giúp cải thiện thu nhập của những người lao động hưởng lương thấp và có tác động gì đến năng lực cạnh tranh, đầu tư và việc làm hay không. Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cùng phối hợp với Tổng Cục Thống kê đang hỗ trợ Hội đồng Tiền lương thực hiện nghiên cứu đánh giá tác động này.

Ngân hàng Thế giới và các nhà nghiên cứu khác cũng đã tiến hành một số nghiên cứu để có thể cung cấp thêm thông tin và căn cứ cho quá trình điều chỉnh tiền lương tối thiểu tại Việt Nam. Tuy nhiên, việc xác định tiền lương tối thiểu không phải là môn khoa học, nó bao gồm thương lượng và thỏa hiệp dựa trên việc xem xét nhiều yếu tố.

Theo nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam (ILO), trong giai đoạn 2002-2007, năng suất lao động tăng trung bình 5,2% mỗi năm - mức cao nhất trong khu vực. Tuy nhiên, từ năm 2008, tốc độ tăng năng suất trung bình hàng năm của Việt Nam chậm lại, chỉ còn 3,3%.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thảo Nhi ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN