Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước chững lại

Nợ xấu và làm ăn không hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước là lực cản khiến Việt Nam không thể vừa duy trì ổn định kinh tế vĩ mô vừa đạt tăng trưởng 6%-7% mỗi năm.

Diễn đàn Doanh nghiệp (DN) Việt Nam (VBF) lần thứ 15 đã được tổ chức ngày 3-12 tại Hà Nội với chủ đề “Giai đoạn mới của tiến trình cải cách kinh tế”.

Phát biểu khai mạc, ông Simon Andrew - Giám đốc khu vực của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) tại Việt Nam, Thái Lan, Campuchia và Lào - cho rằng DN nhà nước (NN) chưa bắt kịp sự thay đổi của nền kinh tế. Theo Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ (Amcham), ông Steven Winkelman, dù Việt Nam đã dần chuyển sang nền kinh tế thị trường nhưng khu vực DNNN vẫn tiếp tục đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế.

Hải quan: “Lĩnh vực tham nhũng nhất

Theo Nhóm Công tác Hải quan, có những áp lực trực tiếp hoặc áp lực thông qua các nhà đại lý hải quan hay trung gian để chi trả các “chi phí bôi trơn” mang tính hệ thống nhằm thông quan các chuyến hàng. Nhóm này đề xuất Tổng cục Hải quan tạo một trang web để ghi nhận các thông tin phản hồi về việc “bôi trơn” nhưng cho phép ẩn danh, theo nguyên mẫu của một số cơ quan thuế ở nước ngoài. Báo cáo của VBF cũng nêu rõ hải quan là lĩnh vực tham nhũng nhất (chiếm hơn 55%), tiếp sau là thuế (46%) và quản lý đất đai (gần 40%).

“Các nhà đầu tư đang băn khoăn liệu tập đoàn nhà nước nào tiếp theo sẽ thất bại từ việc mở rộng hoạt động quá mức hay tập đoàn nào sẽ buộc phải kê các tài sản xấu vào bảng cân đối kế toán. Sự phân bổ không hợp lý các nguồn lực hiện vẫn còn tiếp tục, trong khi đây là thời điểm Việt Nam cần phải có những quyết định sáng suốt hơn về chi tiêu nguồn vốn và chiến lược kinh doanh” - ông Steven Winkelman nói.

Theo Nhóm Công tác đầu tư và thương mại, tốc độ cổ phần hóa DNNN đã giảm mạnh, từ hơn 800 DN được cổ phần hóa giai đoạn 2004-2005 giảm còn 13 DN vào năm 2012. Nhiều DNNN đã được chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên hoặc công ty cổ phần với việc nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối nhưng lại chưa có các quy chế quản trị và giám sát đặc thù.

Bày tỏ quan ngại về việc DNNN được ưu đãi nhưng lại hoạt động không hiệu quả, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu (Euro Cham) Preben Hjorlund khuyến nghị: “Năm 2014, Chính phủ nên tiếp tục tập trung bảo đảm hiệu quả cải cách DNNN. Nếu không, sẽ tạo ra tình trạng không chắc chắn đối với nhà đầu tư và nguồn vốn FDI sẽ vẫn ở mức hạn chế so với tiềm năng thực sự”.

Đề xuất cải cách DNNN cũng được nhiều hiệp hội DN Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Bắc Âu, Nhật Bản… tại Việt Nam đặt ra. Theo ông Sato Motonobu, đại diện Hiệp hội DN Nhật Bản, với cơ sở kinh tế công nghiệp hiện nay thì không thể vừa duy trì ổn định kinh tế vĩ mô vừa đạt tăng trưởng 6%-7% mà nguyên nhân là nợ xấu và DNNN làm ăn không hiệu quả.

Các doanh nhân Nhật Bản đề xuất Việt Nam cần xác định rõ và giải quyết từng yếu tố gây cản trở tăng trưởng kinh tế, thực hiện những chính sách cải cách tiền tệ, tài chính mang lại hiệu quả tăng trưởng kinh tế.

Phát biểu bế mạc VBF, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải lý giải nguyên nhân cổ phần hóa bị ngưng trệ là do khủng hoảng nền kinh tế toàn cầu cũng như những khó khăn về kinh tế của Việt Nam trong mấy năm qua. Phó Thủ tướng nêu rõ giữ ổn định kinh tế vĩ mô là “bài học lớn” trong 3 năm qua.

Ông Hoàng Trung Hải tái khẳng định quyết tâm rõ ràng của Chính phủ Việt Nam tiếp tục tiến hành quá trình tái cơ cấu DNNN bằng các con số ấn tượng: Cổ phần hóa để số DNNN quy mô từ 1.200 hiện nay xuống còn 600 vào năm 2015 và 300 vào năm 2020. ” Kinh tế vĩ mô ổn định thì chắc chắn cải cách DNNN cũng sẽ được thực hiện nhanh chóng và đúng tiến độ” - Phó Thủ tướng khẳng định.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Bích Diệp (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN