Sức mua yếu, vốn rẻ cũng không dám vay

Lãi suất đã liên tục hạ, thậm chí các ngân hàng (NH) còn hạ thấp hơn cả lãi suất ưu đãi mà Ngân hàng Nhà nước quy định nhưng tín dụng vẫn tăng trưởng thấp. Doanh nghiệp (DN) vẫn chưa dám vay vốn để làm ăn khi chưa thấy triển vọng đầu ra. Vì thế, nếu không cải thiện sức mua thì phương án hạ lãi suất khó phát huy tác dụng.

Lãi suất: Hạ thêm bao nhiều nữa?

Sau khi lãi suất huy động về 9%, các NH tự nhìn nhau xác lập trần cho vay tối đa 15%, hầu hết các NH đều có chương trình cho vay thấp hơn, thậm chí, có NH cho vay dưới 10%... đã được nhiều chuyên gia nhìn nhận như những tín hiệu về nới lỏng tiền tệ.

Gần đây đã xuất hiện những thông tin cho thấy sẽ có thêm một đợt giảm lãi suất nữa, có thể vào những tháng cuối năm. Điều này đã gây ra hai phản ứng khác nhau, trong khi nhiều người vẫn tiếp tục cho rằng hạ lãi suất là cách duy nhất để cứu DN thì cũng đã xuất hiện những cảnh báo lạm phát nếu việc lãi suất cho vay tiếp tục sẽ lại được đặt ra.

Thực tế, từ khi Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất huy động xuống 9%, đưa các khoản vay cũ về 15%. Từ đó, các NH đã mặc định một trần lãi suất cho vay 15%, hơn thế nhiều NH đã đưa ra các chương trình cho vay với mức lãi suất giảm sâu xuống 10 – 12% cho các linh vực ưu tiên. Có lẽ vì thế mà lãnh đạo NHNN có cơ sở khi nói rằng, đây là một mức lãi suất hợp lý. Mức lãi suất mơ ước trước đây của DN thường nhắc tới, 12% thì hiện nay đã khá nhiều.  

Sức mua yếu, vốn rẻ cũng không dám vay - 1

Vì thế, một chuyên gia tài chính cho rằng, giảm lãi suất trong lúc này thì phải nới lỏng tiền tệ hơn nữa và như thế, nền kinh tế sẽ đón nhận hệ quả lạm phát như từng xảy ra từ đầu năm 2011, dẫn đến những nỗ lực kiềm chế lạm phát, ổn định giá trị VND từ đầu 2011 đến nay sẽ vô nghĩa.

Hơn nữa, một diễn biến gần đây cho thấy, giá cả nhiều mặt hàng đã được điều chỉnh tăng liên tục như xăng dầu, gas, điện, nước… khiến cho chi phí đầu vào tăng cao. Nếu lãi suất tiếp tục hạ thấp với mục tiếu đẩy tín dụng ra càng nhiều càng tốt sẽ là một điều nguy hiểm.

Với xu hướng lạm phát hiện nay, ông Lê Xuân Nghĩa dự đoán địa dư giảm tiếp còn rất ít. Theo đó, năm nay lạm phát sẽ ở mức 7-8%, với cách tính thực tế thì lãi suất huy động từ nay đến cuối năm sẽ chỉ giảm thêm 1% ở mức 8%/năm.

Theo tính toán, lãi suất USD 2%, lạm phát 6 tháng còn lại có thể dao động 4%, thêm các chi phí rủi ro và niềm tin vào USD khoảng 2%, trong khi lãi suất tiền gửi VND 9%. Dư địa chỉ còn lại 1%, nếu lãi suất huy động VND xuống thấp quá, người dân sẽ đổ xô đi mua USD, tạo nên bất ổn tỉ giá.

Đối với lãi suất cho vay, thông thường dư địa chênh lệch khoảng 3%, nếu có giảm thì từ nay đến cuối năm quanh mốc 12%/năm

Theo ông Nghĩa, nếu từ nay đến cuối năm tăng trưởng tín dụng 6 % thì tăng trưởng kinh tế sẽ rơi vào khoảng 4,9 đến 5,1% và lạm phát sẽ dưới 0,5%/tháng. Nếu tăng trưởng tín dụng 9% như kỳ vọng của NHNN thì tăng trưởng kinh tế khoảng 5,2%, lạm phát dưới 1%/tháng. Nếu tăng trưởng tín dụng 12%, tăng trưởng kinh tế tương đương 5,4 -5,6%, lạm phát xấp xỉ 2%/tháng, điều này sẽ làm cho lạm phát quay trở lại.

Vay vốn làm gì?

Một vấn đề được đặt ra là, đến nay, dù CPI đã giảm rất mạnh, tốc độ giảm lãi suất tiền vay rất nhanh nhưng dư nợ tín dụng nhưng tại sao tín dụng vẫn tăng thấp?. Nếu vậy, thì tiền vốn giá rẻ vẫn chưa vào được nền kinh tế. Hạ lãi suất chưa hẳn đã phát huy hết hiệu quả mong muốn trong việc cứu DN

Lý giải vấn đề này, giám đốc một DN may mặc cho biết, lãi vay xuống thấp, giúp DN dễ thở hơn, nhưng điều quan trọng nhất là sức mua từ người tiêu dùng không tăng lên, mà còn có chiều hướng giảm, thì lãi suất có xuống 12 – 13%/năm cũng ít DN đi vay.

Từ đây có thể thấy, các nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế như hạ lãi suất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn, giãn thời hạn nộp thuế, giảm hoặc miễn một số loại phí… được thực hiện từ nhiều tháng qua dường như chưa đi đến đích cuối cùng vì DN vẫn khó khăn, không bán được hàng, sản xuất vẫn đình đốn... Rào cản cuối cùng ở đây chính là sức mua thấp.

Sức mua yếu, vốn rẻ cũng không dám vay - 2

Nhìn nhận điều này, giám đốc một chi nhánh ngân hàng cho biết, thực tế cho thấy, CPI đã âm hai tháng liên tục và tháng 8 có thể sẽ ở mức rất thấp. Những CPI âm bên cạnh việc giảm giá còn còn nguyên nhân lớn là do sức mua đang giảm rất mạnh. Trong điều kiện đó, giá cả nhiều mặt hàng quan trọng vẫn tăng, khiến cho mặt bằng giá cả, nhất là giá cả tiêu dùng trên thực tế vẫn cao… khiến cho người dân tiếp tục thắt chặt chi tiêu.Và một khi tiêu thụ kém, hàng tồn kho cao thì không DN nào nghĩ đến mở rộng sản xuất đẻ vay vốn.


Tổng giám đốc một ngân hàng chia sẻ, một thực tế hiện nay là rất nhiều NH đã cho vay phổ biến ở mức lãi suất 10% - 12%/năm, thậm chí có ngân hàng cho vay 9% nhưng tín dụng vẫn không tăng được. Những DN khó khăn đã đành nhưng những những DN làm ăn tốt, tình hình tài chính lành mạnh, đã thoát được hàng tồn và ngân hàng rất muốn cho họ vay tiếp, kể cả lãi suất 10%/năm nhưng vì họ đang nghe ngóng, thăm dò sự ổn định của thị trường nên không muốn vay để đầu tư.

Đây cũng là điều dễ hiểu, vừa qua một giai đoạn cực kỳ khó khăn, thì không ai dám mạo hiểm mở rộng đầu tư, vay vốn làm ăn khi chưa thẩy triển vọng đầu ra. DN thà nằm im, co cụm chờ thời còn hơn là lao vào ngõ cụt để chuốc lấy thua lỗ.

Trong khi đó, những cảnh báo và thực tế tăng giá đầu vào liên tiếp đang mang lại nỗi ám ảnh về lạm phát quay lại. Và điều đó càng khiến DN cảnh giác hơn. Có lẽ, việc hạ lãi suất đã sắp hết “đất” để điều chỉnh. Vấn đề còn lại là các yếu tố hỗ trợ khác cần được đẩy mạnh để lãi suất phát huy tác dụng. Hay nói cách khác, vốn rẻ đã có nhưng vấn đề là làm sao DN nhìn thấy cơ hội và tự tin hơn khi vay vốn để làm ăn. Có lẽ sau giảm lãi suất giảm, nền kinh tế cần thêm nhiều biện pháp thực tế hơn mà trước hết đó chính là giải phóng được đầu ra cho DN cũng chính là mở đường để vốn giá rẻ phát huy tác dụng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phước Hà ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN