Vay vốn: Nhiều DN vẫn bị "chém đẹp"

Theo điều tra của Cục Thống kê TPHCM, trong số các doanh nghiệp có vay vốn thì có đến hơn 44% doanh nghiệp phải vay với lãi suất bình quân trên 19%. Doanh nghiệp cũng cho rằng mức lãi suất bình quân năm chấp nhận được là không quá 14%.

Từ ngày 10-4 đến 10-5 vừa qua Cục Thống kê TPHCM đã tiến hành tổng điều tra với 1.904 doanh nghiệp để tìm hiểu thực trạng và tình hình khó khăn của họ, mẫu chọn nằm trong các ngành như nông lâm nghiệp, thủy sản, khai khoáng, xây dựng, vận tải kho bãi, dịch vụ lưu trú và ăn uống.

Trong mẫu chọn bao gồm cả doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp lớn.

Theo phân tích từ báo cáo trên của Cục Thống kê TPHCM, 41,5% doanh nghiệp cho rằng vốn vay chỉ mới đáp ứng được 25-50% nhu cầu, 32,5% doanh nghiệp cho rằng chỉ đạt dưới 25% nhu cầu. Lãi suất cho vay trên 17% là phổ biến, có đến 68,8% doanh nghiêp tiếp cận vốn với lãi suất trên mức này. Trong đó, 24,5% doanh nghiệp đang vay với lãi suất trên 20%, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Đáng chú ý là tỷ lệ doanh nghiệp nhà nước vay của ngân hàng thương mại nhà nước cao nhất (88,9%), còn khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước vay vốn của ngân hàng thương mại cổ phần là chủ yếu (40,1%), doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thường vay vốn của ngân hàng có vốn nước ngoài (26,2%).

Vay vốn: Nhiều DN vẫn bị "chém đẹp" - 1

Tiêu dùng giảm là một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp dự kiến thu hẹp sản xuất. Ảnh: TL.

Trong số các doanh nghiệp nhỏ và vừa được hỏi thì chỉ có 43,9% doanh nghiệp có biết từ năm 2009 đến nay nhà nước có chính sách cho vay với lãi suất ưu đãi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, và trong 521 doanh nghiệp có biết thì chỉ có 49 doanh nghiệp (9,4%) được hỗ trợ vốn vay.

Còn đối với chính sách hỗ trợ vốn với lãi suất ưu đãi dành cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu, chỉ 28,6% doanh nghiệp được điều tra có biết, và chỉ có 6,5% doanh nghịệp trong nhóm này được vay.

Trong cuộc khảo sát trên cũng có 41,1% số doanh nghiệp được hỏi dự kiến thu hẹp sản xuất kinh doanh do nhu cầu thị trường trong nước giảm, do khó khăn trong việc tiếp cận vốn, khó mua nguyên liệu đầu vào.

Trong 11 yếu tố ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh của doanh nghiệp, 30,5% doanh nghiệp cho rằng ảnh hưởng lớn nhất chính là yếu tố lạm phát cao và biến động thất thường, sau đó là lãi suất cho vay cao (24,3% doanh nghiệp), 10,6% doanh nghiệp cho rằng yếu tố tác động lớn chính là việc tiếp cận vốn khó khăn, và 10,5% doanh gnhiệp than về việc chính sách điều hành kinh tế không ổn định.

Doanh nghiệp mong muốn nhà nước tập trung cải thiện các yếu tố như ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định lãi suất vay ở mức hợp lý, ổn định giá điện, cải thiện cơ sở hạ tầng, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm trong nước.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thanh Thương ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN