'Soi' năng lực đại gia xây tòa lâu đài tráng lệ trên đỉnh núi Tam Đảo

Gần đây, nhiều du khách đến Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc) tham quan không khỏi choáng ngợp trước tòa lâu đài cheo leo trên đỉnh núi, được thiết kế theo phong cách châu Âu, pha trộn giữa phong cách Neo-Gothic và Phục Hưng.

Ông chủ tòa lâu đài là ai?

Lâu đài diện tích gần 3.000m2 được xây dựng trên đỉnh núi Tam Đảo, được thiết kế theo phong cách châu Âu, gồm 9 phòng vip. Tổng mức đầu tư khoảng 320 tỉ đồng, nội thất mang phong cách Ý. Hiện nay, công trình đang trong quá trình hoàn thiện, dự kiến sẽ hoàn thành và khai thác vào năm 2019. 

'Soi' năng lực đại gia xây tòa lâu đài tráng lệ trên đỉnh núi Tam Đảo - 1

Nhiều du khách đến núi Tam Đảo tham quan không khỏi bất ngờ về tòa lâu đài xây dựng trên đỉnh núi. (ảnh T.T).

Theo tìm hiểu của PV, tòa lâu đài “khủng” này do Công ty CP Đầu tư Lạc Hồng (Công ty Lạc Hồng) có trụ sở số 85 Lê Văn Lương, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội) làm chủ đầu tư. Công ty Lạc Hồng được thành lập từ năm 2003 do ông Lê Xuân Trường làm Chủ tịch HĐQT.  

Công ty Lạc Hồng hoạt động chính trong lĩnh vực xây dựng dân dụng, công nghiệp và hạ tầng với nhiều công trình như: Trụ sở Văn phòng Quốc hội, Bộ Ngoại giao, trụ sở Bộ Công an, trụ sở Thông tấn xã Việt Nam, Trung tâm Hội nghị quốc gia, Chung cư cao cấp đô thị Nam Thăng Long (Ciputra), Chung cư Viglacera Tower, Nhà ở cán bộ chiến sỹ Tổng cục V, Trạm bơm Yên Sở …

Bên cạnh đó, doanh nghiệp của ông Lê Xuân Trường còn là chủ đầu tư rất nhiều dự án có mức đầu tư lớn rải rác khắp các tỉnh thành như: Dự án Belvedere Resort Tam Đảo 270 tỉ đồng; Dự án Khu du lịch Tam Đảo hơn 900 tỉ đồng; Khu đô thị chùa Hà Tiên 6ha, tổng mức đầu tư 280 tỉ đồng; Dự án chung cư Lạc Hồng Lotus NO1-T5 1.300 tỉ đồng; Bệnh viện An Sinh - Hà Nội; Dự án khu nhà ở Khai Quang 7,3ha với tổng mức đầu tư 585 tỉ đồng; Khu du lịch Bãi Dài – Nha Trang – Khánh Hòa, Khu đô thị Phố Nối – Hưng Yên rộng 15ha…

Có thực sự mạnh?

Theo Báo cáo tài chính sau kiểm toán đến năm 2015 của Công ty Lạc Hồng, doanh nghiệp này có tổng tài sản là 1.979 tỉ đồng, nợ phải trả là 1.867 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp là 11,491 tỉ đồng.

Năm 2014 cũng là năm Công ty Lạc Hồng tham gia sâu vào việc đầu tư vào những dự án nhà ở. Giai đoạn này, trong giới địa ốc rộ tin đại gia Trường mua lại dự án AZ Lâm Viên (Cầu Giấy, Hà Nội) dự án do Công ty AZ Land làm chủ đầu tư, lâm vào một thời gian dài đình trệ khi xây đến tầng 2. Sau đó, dự án được tái khởi động vào 2014 với sự xuất hiện của Lạc Hồng, và  chung cư này cũng đã xây dựng tới tầng 13, nhưng nay lại dừng triển khai. 

Tuy nhiên, thông tin trên báo chí ông Trường khẳng định Lạc Hồng không mua lại dự án này mà chỉ bỏ tiền ra cùng chủ đầu tư triển khai xây dựng, được biết số tiền mà Công ty Lạc Hồng đổ vào AZ Lâm Viên cũng hàng chục tỉ đồng. Bản công bố thông tin bán đấu giá cổ phần Lạc Hồng cho thấy giá trị hợp đồng xây dựng dự án này là hơn 225 tỉ đồng. Nay dự án dừng triển khai được biết do dự án còn thiếu thủ tục pháp lý.

Còn theo báo cáo tài chính của Công ty Lạc Hồng, doanh nghiệp này có một khoản chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang ở dự án AZ Lâm Viên lên tới gần 23 tỉ đồng. 

'Soi' năng lực đại gia xây tòa lâu đài tráng lệ trên đỉnh núi Tam Đảo - 2

Dự án Khu du lịch Tam Đảo cũng vướng nhiều lùm xùm được báo chí phản ánh. (ảnh T.K).

Đặc biệt, trong năm 2015, Công ty Lạc Hồng còn nợ tiền bảo hiểm xã hội 1,6 tỉ đồng. Đến cuối năm 2017, doanh nghiệp này lại bị Bảo hiểm xã hội Hà Nội "bêu tên" vì nợ tiền BHXH, BHYT của hàng trăm người lao động 2,74 tỉ đồng.

Một doanh nghiệp nhỏ, vốn điều lệ chưa nhiều nhưng lại có thể thâu tóm rất nhiều dự án lớn, đặc biệt là các dự án nằm trên những mảnh đất "hái ra tiền" ở Vĩnh Phúc khiến dư luận phải đặt dấu hỏi về năng lực của Lạc Hồng?

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trần Kháng ([Tên nguồn])
Thị trường bất động sản Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN