SHB-HBB và "chúa chổm" nghìn tỷ Vinashin

Trong phần phụ lục danh sách các công ty con, đơn vị liên doanh, liên kết đi kèm báo cáo tài chính có kiểm toán của tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy (Vinashin) xuất hiện cái tên ở vị trí cuối cùng: Công ty Vinashin - Habubank.

Công ty này vẫn thuộc Vinashin, không nằm trong diện các đơn vị được chuyển về Vinalines (Tổng công ty Hàng hải) hay PetroVietnam (tập đoàn Dầu khí). Chỉ không biết hiện giờ số phận nó ra sao, còn tồn tại hay đã giải thể? Dù còn, dù mất, nó là một bằng chứng cho thấy mối quan hệ cao hơn “khách hàng thân thiết” của tập đoàn Vinashin với Ngân hàng Phát triển nhà Hà Nội.

Khoản nợ mòn mỏi

Có nhiều nguyên nhân khiến Habubank với tuổi đời 20 năm buộc phải sáp nhập vào Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) và từ bỏ vĩnh viễn thương hiệu một thời của mình. Nhưng nguyên nhân chủ yếu là khoản nợ cho đến giờ không thể trả được của Vinashin. Habubank đã cho Vinashin vay 2.745 tỉ đồng, thêm 600 tỉ đồng trái phiếu do tập đoàn phát hành mà ngân hàng mua, tổng cộng 3.345 tỉ đồng, bằng 83% vốn điều lệ (Nguồn: Đề án sáp nhập Habubank - SHB, tr. 10). Theo quy định của ngành ngân hàng, một tổ chức tín dụng không được cho vay một khách hàng quá 15% vốn tự có. Tuy nhiên, ở thời điểm 5-6 năm trước, khi Vinashin là một doanh nghiệp có bề ngoài đang lên, không ít ngân hàng đã cho tập đoàn vay những khoản tiền lớn, vượt 15% vốn tự có, không riêng gì Habubank.

Với những ngân hàng mạnh, khoản nợ Vinashin không phải dễ đòi, nhưng họ có khả năng trích dự phòng rủi ro dần từng năm để bù đắp. Họ cũng tích cực bán tài sản thế chấp nhằm thu hồi nợ. Habubank không có được ưu thế ấy. Ngân hàng cũng không nằm trong diện những tổ chức tín dụng có tốc độ tăng trưởng vốn huy động ở tốp đầu. Hậu quả là mỗi năm, chỉ nguyên bù đắp khoản chi phí huy động vốn cho khoản vay của Vinashin, Habubank mất đứt 500 tỉ đồng. Liên tục ở trong tình trạng phải có bằng được vốn huy động sau trả cho vốn huy động trước đã dùng cho Vinashin vay, Habubank năm 2011 đã không tránh khỏi trở thành ngân hàng đầu tiên báo lỗ. Đề án nhấn mạnh rằng “Habubank luôn thường trực nguy cơ mất khả năng chi trả, và thực tế đã mất khả năng thanh toán” (tr. 11).

SHB-HBB và "chúa chổm" nghìn tỷ Vinashin - 1

Mỗi năm, chỉ nguyên bù đắp khoản chi phí huy động vốn cho khoản vay của Vinashin, Habubank mất đứt 500 tỉ đồng. Ảnh: Thanh Tao.

Mở màn xử lý nợ Vinashin

Trước khi SHB vào cuộc, đã có ít nhất bốn tổ chức tín dụng “nghiên cứu” Habubank theo gợi ý của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và cả bốn lắc đầu. Có lẽ những ưu đãi mà NHNN đưa ra không đủ sức thuyết phục họ. Chủ tịch hội đồng quản trị một ngân hàng đã từng “ngắm nghía” Habubank, nhận xét Habubank có bề dày thâm niên, có mạng lưới, khách hàng và đội ngũ nhân viên tương đối tốt, chỉ hiềm nỗi giải quyết khoản nợ Vinashin sẽ tốn kém thời gian. Trong thời buổi cạnh tranh hiện nay, dành thời gian và công sức tháo gỡ nợ Vinashin đồng nghĩa để vuột đi cơ hội tiến về phía trước.

Trong thời buổi cạnh tranh hiện nay, dành thời gian và công sức tháo gỡ nợ Vinashin đồng nghĩa để vuột đi cơ hội tiến về phía trước.

Cuộc “hôn nhân” Habubank - SHB được NHNN bật đèn xanh với trọng tâm xử lý nợ Vinashin. Theo đó ngân hàng sau sáp nhập sẽ phân bổ trích lập dự phòng rủi ro cho khoản vay và trái phiếu Vinashin trong năm năm, mỗi năm 447,2 tỉ đồng. Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông SHB ngày 5-5-2012, Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng, ông Đỗ Quang Hiển, cho biết NHNN đã đồng ý cho trích lập năm năm.

Kế đó SHB sẽ được NHNN hỗ trợ các khoản vay ưu đãi lãi suất thấp. Với sự bảo lãnh của Chính phủ, Vinashin sẽ phát hành trái phiếu có trị giá bằng 30% nợ, 30% trái phiếu mà Habubank đã mua. Số trái phiếu này được giao dịch trên thị trường mở (OMO) tạo thành nguồn vốn vay giá rẻ cho SHB. Dư nợ còn lại và dư nợ trái phiếu còn lại được cầm cố để vay tái cấp vốn của NHNN. Lãi suất vay tái cấp vốn của SHB thấp hơn 3% lãi suất tái cấp vốn thông thường.

Giải pháp này giúp lợi nhuận của SHB gia tăng đáng kể. Thử tính toán: 30% dư nợ Vinashin tại Habubank tương đương 823,5 tỉ đồng; 30% trái phiếu là 180 tỉ đồng. Bằng trái phiếu mới của Vinashin, SHB coi như “đòi” được 1.003,5 tỉ đồng. Tất nhiên thời điểm “đòi” được dứt điểm còn phụ thuộc vào kỳ hạn trái phiếu dài, ngắn. Phần còn lại 2.341,5 tỉ đồng được thu hồi dần từ kinh doanh nguồn tiền vay tái cấp vốn, tốc độ thu hồi nhanh chậm tùy vào “tài” xoay xở của SHB.

Nặng ký nhất là SHB xin Nhà nước cho áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp bằng 0 (không) trong ba năm 2012-2014.

Với Habubank - SHB, khúc dạo đầu xử lý nợ Vinashin đã khởi động. Câu chuyện tiếp theo là với những chủ nợ khác cách thức gỡ nợ sẽ ra sao.

xử lý nợ Vinashin dự kiến dựa trên ba phương thức: 1. Nhà nước có cơ chế hỗ trợ các chủ nợ giải quyết một phần nợ trong thời gian 1-3 năm; 2. Cho chủ nợ được khoanh giãn nợ; 3. Chủ nợ có thể được nhận một phần dư nợ bằng trái phiếu Chính phủ. Cả ba phương thức nói trên đều được áp dụng cho trường hợp cụ thể tại SHB sau sáp nhập.

Như vậy xét về mặt số học, 3.345 tỉ đồng nợ của Vinashin ở Habubank trên tổng số 26.000 tỉ đồng nợ (báo cáo của NHNN cuối năm 2010) đã tìm thấy đường ra. Xử lý nợ Vinashin chính là một phần không thể thiếu của tiến trình tái cơ cấu ngân hàng. Xét cho cùng Vinashin là doanh nghiệp nhà nước, nợ chỉ có thể được xử lý bằng tiền ngân sách trực tiếp hoặc gián tiếp. Trả một phần nợ bằng trái phiếu là thêm gánh nặng cho ngân sách. Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ làm nguồn thu hao hụt. Về phần mình, các chủ nợ cũng không hẳn hài lòng bởi thay vì thu hồi nợ đúng hạn, họ phải kéo dài trong 3-5 năm. Tất cả các bên đều mệt mỏi.

Liệu có phương thức xử lý nợ nào khả thi hơn không? Cho đến hiện tại có lẽ là không. Gánh thiệt hại cuối cùng của Vinashin vẫn là những người nộp thuế.

Riêng SHB, với cuộc “hôn nhân” với Habubank, thách thức cũng nhiều như cơ hội. Trước mắt năm 2012 toàn bộ lợi nhuận làm ra của SHB sẽ dùng để xử lý lỗ lũy kế của Habubank, đồng nghĩa với việc cổ đông sẽ không có được đồng cổ tức nào. Hiệu quả kinh doanh những năm sau phụ thuộc nhiều vào quản trị doanh nghiệp, vào sự hòa hợp văn hóa của hai ngân hàng khác nhau. Bên cạnh đó, giá chuyển đổi 1 cổ phiếu Habubank bằng 0,62 cổ phiếu SHB rẻ hay đắt cũng còn nhiều ý kiến tranh luận. Nếu nhìn vào vốn chủ sở hữu của Habubank chỉ còn 195 tỉ đồng trên 4050 tỉ đồng vốn điều lệ, tương đương 405 triệu cổ phiếu, tính ra giá trị mỗi cổ phiếu hiện tại chừng 481 đồng. So với giá cổ phiếu Habubank trên sàn ngày 4-5-2012 6.300 đồng, khoảng cách là khá lớn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Lưu Hảo ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN