Sẽ siết chặt việc mở chi nhánh ngân hàng?
Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo quy định về điều kiện, hồ sơ, thủ tục thành lập, thay đổi tên, địa điểm, chấm dứt, giải thể chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp và ngân hàng 100% vốn ở nước ngoài của ngân hàng thương mại.
So với quy định hiện hành (Quyết định số 13/2008/QĐ-NHNN ngày 29/4/2008 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành quy định về mạng lưới hoạt động của ngân hàng thương mại), hàng rào kỹ thuật đã dựng cao hơn nhiều trong dự thảo trên.
Hiện nay, các ngân hàng thương mại chỉ cần có 100 tỷ đồng vốn điều lệ đối ứng là có thể mở một chi nhánh tại Hà Nội hoặc Tp.HCM; các địa bàn khác tương ứng là 50 tỷ đồng vốn điều lệ.
Tuy nhiên, theo dự thảo trên, số vốn điều lệ đối ứng để lập một chi nhánh đã thành lập và đề nghị thành lập tại địa bàn các quận, huyện nội thành của thành phố Hà Nội và Tp.HCM tăng lên gấp ba lần, tức 300 tỷ đồng; trong khi ở các địa bàn khác vẫn giữ nguyên là 50 tỷ đồng.
Kể cả khi đáp ứng được điều kiện dự kiến trên, dự thảo thông tư còn đưa ra quy định chốt hẳn mỗi ngân hàng ở mỗi địa bàn Hà Nội và Tp.HCM chỉ được tối đa là 10 chi nhánh.
Lễ khai trương chi nhánh của một ngân hàng thương mại.
Ở con số chung, ngân hàng nào đã hoạt động trên 12 tháng dự kiến mỗi năm cũng không được thành lập quá 5 chi nhánh trong một năm; mới hoạt động dưới 12 tháng thì không mở quá 3 chi nhánh trong một năm…
Một điểm đáng chú ý khác là về quy định số lượng phòng giao dịch được thành lập đưa ra trong dự thảo. Theo đó, dự kiến một chi nhánh sẽ chỉ được thành lập tối đa 5 phòng giao dịch; một chi nhánh được thành lập tối đa 2 phòng giao dịch trong một năm; đặc biệt là quy định ngân hàng thương mại không được thành lập phòng giao dịch tại Hà Nội và Tp.HCM.
Không thay đổi, dự thảo thông tư tiếp tục quy định điều kiện lập chi nhánh mới ở trong nước là ngân hàng phải khống chế được tỷ lệ nợ xấu tại thời điểm cuối năm trước năm đề nghị không vượt quá 3% tổng dư nợ, hoặc một tỷ lệ khác thấp hơn theo quyết định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Điều này giải thích vì sao thời gian qua và sắp tới nhiều thành viên khó lập được chi nhánh mới khi tỷ lệ nợ xấu đã tăng cao và vượt mốc 3%.
Ở hướng “xuất ngoại”, dự thảo thông tư cũng áp các điều kiện kỹ thuật khá cao so với phần lớn các ngân hàng thương mại Việt Nam hiện nay.
Cụ thể, để lập chi nhánh hoặc ngân hàng 100% vốn ở nước ngoài phải là ngân hàng đã có thâm niên ít nhất 3 năm; có vốn điều lệ đạt 10.000 tỷ đồng trở lên và tổng tài sản có đạt 100.000 tỷ đồng trở lên theo báo cáo tài chính hợp nhất có kiểm toán tại thời điểm cuối năm trước liền kề năm đề nghị; hoạt động kinh doanh có lãi trên cơ sở báo cáo tài chính có kiểm toán hợp nhất và báo cáo tài chính có kiểm toán riêng lẻ trong 3 năm trước liền kề năm đề nghị thành lập chi nhánh…
Đầu tuần tới, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) sẽ tổ chức họp lấy ý kiến các ngân hàng hội viên cho dự thảo thông tư trên.
Theo thời gian đề trong dự thảo thì có thể văn bản này sẽ được ban hành trước khi kết thúc năm 2012. Đây cũng là văn bản mà các thành viên chờ đợi trong hơn một năm qua, do Ngân hàng Nhà nước có chủ trương siết lại việc mở mới chi nhánh, phòng giao dịch trước đó.