Rao bán BĐS bằng… tin nhắn rác

Thị trường BĐS lâm vào cảnh chợ chiều, các giao dịch mua bán gần như im ắng. DN đứng ngồi không yên tìm bài toán giả nợ ngân hàng, tăng tính thanh khoản. Trong cơn bĩ cực, nhiều DN đã tìm tới những chiêu thức quảng cáo từ băng rôn, rao vặt trên các diễn đàn, website online và tin nhắn, thư điện tử để tiếp cận gần hơn với người mua. Lợi đâu chưa thấy mà chỉ thấy sự khó chịu cho những người nhận “bất đắc dĩ”.

Vừa hỏi đến câu chuyện tin nhắc rác, chị Loan (phố Bạch Mai) trút cả bầu tâm sự: “Tôi chả hiểu sao họ lại có số điện thoại của tôi để gửi tin nhắn quảng cáo bán nhà, bán đất. Dạo này hết đau đầu với tin nhắn quảng cáo tải nhạc, tải game giờ lại thêm quảng cáo nhà cửa. Lắm hôm đang ngủ mà giật cả mình vì có tin nhắn đến. Mình mà có nhu cầu mua nhà thực sự thì phải đến tận nơi chứ qua tin nhắn kiểu thế này thì nói thật tôi nghi là cò mồi và trung gian thôi. Bực mình lắm mà không biết làm thế nào để ngăn chặn chúng”. Các tin nhắn chào mời mua bán nhà tới tấp đến với các thuê bao di động bất kể thời gian với đủ các chiêu thức khuyến mại hấp dẫn như cơ hội trúng thưởng lớn, giảm giá khi đặt cọc mua nhà…đã quấy rầy nhiều người trong thời gian qua, đặc biệt khi thị trường BĐS trở nên ế ẩm. Theo một DN cho hay, quảng cáo bằng tin nhắn vừa rẻ vừa tiện lợi hơn rất nhiều so với quảng cáo trên báo giấy. Đơn cử như đăng trên báo mạng rẻ cũng mấy triệu một bài mà giờ người mua thì ít, chủ yếu là thăm dò và chờ đợi. Thế nên chúng tôi chọn cách quảng cáo qua tin nhắn, qua thư điện tử trong thời buổi khó khăn như thế này. Tuy nhiên những quảng cáo như trên chủ yếu tập trung vào loại căn hộ có giá trên dưới 1 tỷ đồng, còn những dự án, căn hộ cao cấp thì các DN vẫn lựa chọn các đơn vị trung gian uy tín hoặc tổ chức ra mắt dự án, căn hộ mẫu với các chương trình khuyến mại để thu hút người mua.

Người có nhu cầu thực nhận được tin nhắn bực một thì những người khác không liên quan bực đến mười. Hàng loạt các dự án chậm tiến độ, tranh chấp giữa chủ đầu tư và nhà đầu tư cho đến lừa đảo khách hàng nhà…đã đánh mất sự tin tưởng của người mua. Vì vậy hiện nay, người mua nhà rất cẩn trọng trong việc tìm hiểu những thông tin xoay quanh dự án như năng lực nhà đầu tư, năng lực thi công, vị trí, thời gian dự kiến hoàn thành…bên cạnh giá cả chào mời. Do vậy, những tin nhắn chào mời mua bán BĐS không thể trở thành cứu cánh cho các DN cải thiện tình hình mua bán BĐS bởi tạo cảm giác hoài nghi, lo lắng cho khách hàng.

Việc tiếp thị, quảng cáo là cần thiết trong giao dịch BĐS tuy nhiên điều quan trọng để giải quyết tình trạng ứ đọng căn hộ kéo dài trong suốt thời gian qua chính là giải quyết khâu giá bán. Đồng ý với quan điểm trên, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho hay: “Vấn đề BĐS của Việt Nam ở chỗ hiện nay phân phúc nhà cao cấp quá nhiều, trong khi đó không phải là nhu cầu thực sự của người dân. Phân khúc bán từ mấy chục triệu đến cả trăm triệu triệu 1m2 là rất ít người mua. Phân khúc mà người dân có thể mua được thì cung lại không thể đáp ứng cầu. DN buộc phải chuyển đổi giá cả hợp lý thì mới có cơ hội để bán sản phẩm và người tiêu dùng thật sự mới mua được nhà”.

BĐS là một loại hàng hóa đặc biệt chứ không phải mớ rau, con cá ngoài chợ để tiếp cận khách hàng thông qua các tin nhắn rác xuất hiện ngày càng nhiều như hiện nay. Nhiều DN cho rằng, quảng cáo dự án với chi phí thấp nhất vừa giúp DN tiết kiệm kinh phí vừa tiếp cận nhanh nhất với khách hàng. Thế nhưng con số khách hàng phản hồi lại tin nhắn rao mua bán BĐS chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Những người tiêu dùng thông minh sẽ lựa chọn cho mình một phương thức mua bán an toàn, tin cậy và minh bạch hơn việc nhận một tin nhắn như bao tin nhắn rác tải nhạc, tải hình gây phiền hà, bực bội cho họ bao lâu nay.

Một vài điểm mới trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 90/2008/NĐ-CP về chống thư rác của Bộ Thông tin và Truyền thông trình:

Các tổ chức, cá nhân, nhà cung cấp dịch vụ chỉ được gửi thư điện tử, tin nhắn quảng cáo khi có sự đồng ý trước đó của người nhận. Trong vòng 24 giờ kể từ khi nhận được tin nhắn từ chối, người gửi phải chấm dứt ngay việc gửi tin nhắn quảng cáo, trừ trường hợp việc gửi này là bất khả kháng.

Cá nhân, tổ chức, hãng cung cấp dịch vụ chỉ được gửi tối đa một thư, hoặc tin nhắn quảng cáo có cùng nội dung tới một địa chỉ hoặc số điện thoại trong 24 giờ (giảm từ 5 tin xuống còn 1 tin).

Các tin nhắn quảng cáo, thư điện tử chỉ được thực hiện trong khoảng thời gian từ 7 giờ đến 22 giờ mỗi ngày, trừ trường hợp đã có thỏa thuận khác với người nhận.

Cá nhân, tổ chức sẽ phải chuyển một bản sao tới hệ thống kỹ thuật của Bộ Thông tin và Truyền thông. Nếu không tuân thủ quy định này sẽ bị phạt tiền từ 10- 20 triệu đồng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tường Vy ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN