Phòng chống rửa tiền trong chứng khoán: Luật chưa với tới

Hành lang pháp lý về phòng chống rửa tiền trong lĩnh vực chứng khoán đã được bổ sung nhiều quy định mới để đáp ứng nhu cầu thực tế. Song vẫn cần có những quy định có tính thực tiễn, khả thi hơn.

Dấu hiệu đáng ngờ "chưa tới"

Luật Phòng, chống rửa tiền hiện hành quy định các công ty chứng khoán phải có nghĩa vụ báo cáo giao dịch đáng ngờ cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (Cục Phòng, chống rửa tiền thuộc Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) bằng văn bản, thời hạn báo cáo tối đa là 48 giờ, kể từ thời điểm phát sinh giao dịch. Báo cáo phải gửi kèm hồ sơ mở tài khoản đối với các giao dịch thực hiện thông qua tài khoản, thông tin nhận biết khách hàng, các chứng từ và tài liệu khác liên quan đến giao dịch đáng ngờ.

Các dấu hiệu về giao dịch đáng ngờ cụ thể gồm: 

Giao dịch mua bán, chứng khoán có dấu hiệu bất thường trong một ngày hoặc một số ngày do một tổ chức hoặc một cá nhân thực hiện; Khách hàng thực hiện chuyển nhượng chứng khoán ngoài hệ thống mà không có lý do hợp lý; 

Công ty chứng khoán chuyển tiền không phù hợp với các hoạt động kinh doanh chứng khoán; Người không cư trú chuyển số tiền lớn từ tài khoản giao dịch chứng khoán ra khỏi Việt Nam; Khách hàng thường xuyên bán danh mục đầu tư và đề nghị công ty chứng khoán thanh toán bằng tiền mặt hoặc séc; 

Khách hàng đầu tư bất thường vào nhiều loại chứng khoán bằng tiền mặt hoặc séc trong khoảng thời gian ngắn hoặc sẵn sàng đầu tư vào các danh mục chứng khoán không có lợi; Tài khoản chứng khoán của khách hàng không hoạt động trong một thời gian dài nhưng đột nhiên được đầu tư lớn không phù hợp với khả năng tài chính của khách hàng; Giao dịch mua, bán chứng khoán có nguồn tiền từ các quỹ đầu tư được mở ở các vùng lãnh thổ được các tổ chức quốc tế xếp loại là có nguy cơ rửa tiền cao.

Phòng chống rửa tiền trong chứng khoán: Luật chưa với tới - 1

Các công ty chứng khoán phải có nghĩa vụ báo cáo giao dịch đáng ngờ cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền . Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Song trên thực tế, để phát hiện hành vi rửa tiền trong lĩnh vực chứng khoán không hề đơn giản. 

Ông Vũ Chí Dũng, Vụ trưởng Hợp tác quốc tế Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã từng phân tích: Tội phạm rửa tiền thường sử dụng chứng khoán vô danh, loại chứng khoán không được đăng ký trên sổ sách của tổ chức phát hành, bất cứ ai nắm giữ chứng khoán vô danh cũng đều có thể trở thành chủ sở hữu hưởng lợi của nó. 

Tội phạm rửa tiền thường lập các công ty bình phong, mục đích không phải để kinh doanh mà để tìm cách hợp pháp hóa các thủ tục hành chính, thuế, lợi dụng các kẽ hở về pháp luật đối với việc sở hữu tài sản và đăng ký các tài sản có nguồn gốc bất hợp pháp. 

Tội phạm cũng có thể sử dụng các quỹ tín thác, các tài khoản mượn danh mục đích hoặc sử dụng các công ty vỏ bọc được thành lập một cách hợp pháp làm lá chắn cho các hoạt động thâu tóm, sáp nhập, chuyển giao tài sản phức tạp, thông qua đó đưa tiền có nguồn gốc bất hợp pháp vào hệ thống tài chính. Các sản phẩm chứng khoán phát sinh, hoặc các giao dịch tài chính phức tạp cũng có thể được sử dụng vào hoạt động rửa tiền… 

Việc thực hiện hành vi rửa tiền trong lĩnh vực chứng khoán chỉ có thể thực hiện được bằng việc quan sát quá trình mà tội phạm rửa tiền có thể can thiệp để tạo ra công cụ rửa tiền.

Tiếp tục bổ sung những quy định mới

Hành lang pháp lý về phòng chống rửa tiền trong lĩnh vực chứng khoán đã được đầu tư xây dựng nhiều năm qua với một loạt văn bản có tác dụng hỗ trợ hiệu quả cho hoạt động phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực chứng khoán. 

Điển hình như Luật Phòng, chống rửa tiền ngày 18/6/2012; Nghị định số 116/2013/NĐ-CP ngày 4/10/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền; và các thông tư hướng dẫn như Thông tư số 35/2013/TT-NHNN ngày 31/12/2013 của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn thực hiện một số quy định về phòng, chống rửa tiền và Thông tư số 148/2010/TT-BTC ngày 24/9/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống rửa tiền đối với lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán và trò chơi có thưởng…

Tuy nhiên, tại Hội nghị Phổ biến pháp luật về phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực chứng khoán mới đây, nhiều đại diện của công ty chứng khoán vẫn nhận xét rằng các quy định tại văn bản hướng dẫn Luật Phòng chống rửa tiền còn thiếu thực tế và khó khả thi trong thực tiễn cuộc sống.

Một minh chứng về tính thiếu thực tiễn là quy định về báo cáo giao dịch giá trị lớn trong lĩnh vực chứng khoán. 

Theo quy định tại Luật Phòng, chống rửa tiền, đối tượng báo cáo phải có trách nhiệm báo cáo Ngân hàng Nhà nước khi thực hiện các giao dịch có giá trị lớn (giao dịch bằng tiền mặt, bằng vàng hoặc ngoại tệ tiền mặt có tổng giá trị trên 300 triệu). 

Trong khi đó, căn cứ theo pháp luật về chứng khoán thì công ty chứng khoán lại phải quản lý tách bạch tiền gửi giao dịch chứng khoán của từng khách hàng, tách bạch tiền của khách hàng với tiền của công ty chứng khoán. 

Và theo Thông tư 148/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định, giao dịch lớn phải báo cáo là giao dịch tiền mặt trong ngày, nghĩa là sử dụng tiền mặt khi thanh toán tiền mua cổ phiếu giống như mua bán trao tay cổ phiếu OTC. 

Trong khi thực tế, công ty chứng khoán không được phép thực hiện giao dịch tiền mặt trực tiếp với khách hàng, nói cách khác là hầu như không phát sinh các giao dịch giá trị lớn.

Để bổ sung thêm các quy định có tính thực tiễn, tăng cường hiệu quả của hành lang pháp lý về phòng chống rửa tiền trong lĩnh vực chứng khoán, Bộ Tài chính đã tính tới việc xây dựng Thông tư mới thay thế Thông tư số 148/2010/TT-BTC ngày 24/9/2010 hướng dẫn các biện pháp phòng, chống rửa tiền đối với lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán và trò chơi có thưởng. 

Thông tư mới sẽ là cơ sở pháp lý để các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ triển khai hiệu quả công tác phòng, chống rửa tiền.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bình Minh (Infonet.vn)
Tin chứng khoán Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN