Phá vỡ cam kết tỷ giá: Vàng, ngoại tệ loạn nhịp

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng tỷ giá VND/USD thêm 1% (lên 3%) khiến cả thị trường vàng, ngoại tệ, chứng khoán sáng 19/8 bất ngờ, loạn nhịp. Điều này cũng đồng nghĩa cam kết phá giá VND không quá 2% đã bị phá vỡ, nhà điều hành đã quyết không duy ý chí bỏ qua các biến động của thị trường.

Tỷ giá trần tăng xấp xỉ 5%

Sáng 19/8, NHNN quyết định nâng tỷ giá bình quân liên ngân hàng thêm 1%, từ 21.167 đồng lên 21.890 đồng/USD. So với đầu năm, tỷ giá trần áp dụng cho các ngân hàng thương mại như vậy đã tăng xấp xỉ 5%, từ 21.458 đồng lên 22.547 đồng.

Ngay lập tức, tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại (NHTM) đều được tăng cao biên độ từ 200 đến gần 400 đồng/USD. Tỷ giá bình quân liên ngân hàng cũng được điều chỉnh lên mức 21.890 VND/USD. Tại Vietcombank, tỷ giá VND/USD bật tăng lên mức 22.245 đồng/USD chiều mua vào; bán ra 22.275 đồng/USD (tăng tới 245 đồng chiều mua và 275 đồng chiều bán ra so với hôm trước). Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu rớt đỏ sàn.

Bình luận về việc phá giá VND thêm 1%, chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu tỏ ý hoan nghênh. Tuy nhiên, ông thẳng thắn: “NHNN đang phải đối phó và bị đặt trong trạng thái buộc phải phá giá. Nếu không phải can thiệp bán ra, ảnh hưởng đến dự trữ ngoại hối. Nhiều áp lực và sức ép đang đè lên tỷ giá”.

Ngược lại, PGS.TS Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng Tư vấn tiền tệ, lại nhận xét: “Đây là một hành động dũng cảm của Thống đốc khi sẵn sàng đặt lợi ích quốc gia lên trên lợi ích của ngành. Việc phá giá lần này phù hợp với thị trường quốc tế và nội tại kinh tế Việt Nam”. Theo ông Ngân, hiện tác động trên thế giới là đồng đô la Mỹ mạnh trên thị trường khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ tăng lãi suất; nhân dân tệ phá giá mạnh và đồng tiền các quốc gia khác (khu vực châu Á từ đầu năm tới nay mất giá trên 7%); nội tại kinh tế Việt Nam tăng lên.

Phá vỡ cam kết tỷ giá: Vàng, ngoại tệ loạn nhịp - 1

Tỷ giá VND/USD đã tăng thêm 1%. Ảnh: Như Ý.

Kinh tế vĩ mô chịu tác động gì?

Chiều 19/8, lãnh đạo Cty Chứng khoán Bảo Việt (BVS) phân tích về động thái trên của NHNN: Ngoài mục tiêu đảm bảo cho Việt Nam không ở vào thế bất lợi thêm trong quan hệ thương mại với Trung Quốc, còn bảo toàn sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam sang các thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản. Theo BVS, tác động phá giá VND không quá tác động đến lạm phát hay mặt bằng lãi suất, do lãi suất tháng 6 hiện đã chạm đáy và người dân vẫn giữ niềm tin gửi VND.

Đồng quan điểm, TS Trần Hoàng Ngân nhìn nhận nền kinh tế cơ bản sẽ giữ được sự ổn định trong năm 2015. “Việc mở biên độ 3% tạo độ co giãn của tỷ giá càng linh hoạt. Điều chỉnh tỷ giá sẽ cải thiện cán cân thanh toán, giải quyết nhập siêu. Trước lo ngại tác động ngược trở lại (như với lạm phát), hiện lạm phát thấp hơn 1% so với mục tiêu đưa ra. Cho nên kể cả cú hích tỷ giá, nhưng trong bối cảnh nhiều mặt hàng giảm (giá xăng dầu giảm) cơ bản vẫn tạo được sự ổn định niềm tin trong giai đoạn mới”, ông Ngân nói.

Dẫu vậy, ông Nguyễn Trí Hiếu lại bày tỏ, tăng tỷ giá sẽ làm tăng giá cả hàng hoá nhập khẩu khiến giá đầu vào sản xuất trong nước tăng, từ đó gia tăng áp lực lên lạm phát. Một e ngại nữa theo ông Hiếu là lãi suất tiền đồng sẽ khó có cơ hội giảm, nếu không muốn nói sẽ bị đẩy lên.

Cùng với việc điều chỉnh tỷ giá, NHNN phát đi thông điệp cho rằng, động thái này sẽ giúp tỷ giá VND/USD có dư địa đủ lớn để linh hoạt trước các diễn biến bất lợi trên thị trường quốc tế và trong nước (không chỉ từ nay đến cuối năm mà cả những tháng đầu năm 2016). Bên cạnh đó, NHNN sẽ thực hiện đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ, sẵn sàng bán ngoại tệ khi cần thiết để ổn định thị trường trong biên độ cho phép. Như vậy, dù không chính thức như các lần cam kết trước đây, nhưng NHNN đã “ngầm” tuyên bố không điều chỉnh tỷ giá từ nay đến các tháng đầu năm 2016.

Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, chỉ riêng việc phá vỡ cam kết cứng 2% phá giá VND của NHNN cho thấy nhà điều hành đã quá tự tin vào khả năng can thiệp thị trường. “Theo tôi từ nay trở đi, NHNN nên rút kinh nghiệm đừng cam kết cứng như trong quá khứ”, ông Hiếu nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Khánh Huyền (Báo Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN