“Ninja Việt” đi gọi vốn khiến các shark đồng loạt “ức chế”

Sự kiện: Khởi nghiệp

Anh chàng Ninja thậm chí còn không giấu diếm tham vọng sẽ xây dựng nên một đế chế tỷ đô.

Mặc trang phục mô phỏng theo các Ninja Nhật Bản, anh chàng Phạm Mỹ Mãn có màn mở đầu cuộc gọi vốn khá ấn tượng. Sau một hồi nhảy nhót, “thoắt ẩn thoắt hiện”, anh chàng thẳng thắn đề nghị được đầu tư 5 tỷ đồng, đổi lấy 10% cổ phần công ty.

Giữ nguyên bịt mặt ninja, Mỹ Mãn giới thiệu tới các shark sản phẩm game gây ức chế, “muốn đập điện thoại” Sprint Hero do chính anh lập trình. Anh chàng không ngại so sánh Sprint Hero với Flappy Bird – một trong những game Việt đình đám gây sốt cả thế giới. Theo Mỹ Mãn, trò chơi do anh lập trình còn gây ức chế gấp nhiều lần so với trò “Chú chim giận dữ”. Khi ra mắt, Sprint Hero đã được loạt báo Việt, Nga, Hungary và cả Google News đưa tin.

“Ninja Việt” đi gọi vốn khiến các shark đồng loạt “ức chế” - 1

Start - up Phạm Mỹ Mãn

Tốt nghiệp trường Đại học Bách Khoa TP.HCM, Mỹ Mãn khẳng định có thể thiết kế được hết các phần mềm về viễn thông, công nghệ thông tin có giá trị triệu đô. Anh cũng không giấu diếm tham vọng xây dựng công ty tỷ đô.

Sau khi đạt mục tiêu, Mỹ Mãn sẽ đủ sức mạnh về trí tuệ, tài chính, công nghệ để can thiệp vào nền công nghiệp Việt Nam. Thậm chí, anh còn tự tin tuyên bố: “Hiện nay trên thế giới không có ai thiết kế được với số lượng không giới hạn ngoài em. Các Shark nếu tin tưởng vào những người trẻ "dám nghĩ dám làm" thì hãy đầu tư cho em!”

Để tăng tính thuyết phục, Mỹ Mãn không ngại so sánh Sprint Hero với trò chơi đang gây sốt trên thị trường hiện nay là LightEaters. Anh cho rằng với độ ức chế và gây nghiện nhẹ mà LightEaters còn có 50 triệu lượt tải, thu về 3 triệu USD/tháng thì trò chơi do anh lập trình với khả năng gây ức chế, gây nghiện mạnh hơn nhiều lần hoàn toàn có thể tạo ra doanh thu 5 triệu USD/tháng.

“Ninja Việt” đi gọi vốn khiến các shark đồng loạt “ức chế” - 2

"Các Shark nếu tin tưởng vào những người trẻ "dám nghĩ dám làm" thì hãy đầu tư cho em!”

Khi được hỏi về kết quả kinh doanh từ khi ra mắt, Mỹ Mãn cho biết, sau 6 tháng, Sprint Hero mới được khoảng 10.000 lượt tải. Tuy nhiên, anh vẫn kì vọng tựa game của mình tạo ra đột phá và anh sẽ nhanh chóng trở thành triệu phú.

Với 5 tỷ vốn kêu gọi đầu tư, Mỹ Mãn dự định sẽ sử dụng trong vòng 4 năm, trong đó, năm đầu tiên, anh sẽ tập trung thiết kế các game gây ức chế mạnh, có tính gây nghiện cao. Sau đó, anh sẽ “đổ tiền” cho marketing, sale… Chàng ninja cũng không quên “thao thao bất tuyệt” về những dự định và các kiến thức mà mình đã nghiên cứu được với các shark.

“Ninja Việt” đi gọi vốn khiến các shark đồng loạt “ức chế” - 3

Các shark tỏ ra khá ngán ngẩm với viễn cảnh mà start-up vẽ ra

Sau một hồi nghe anh chàng trình bày, các shark tỏ ra khá ngán ngẩm với viễn cảnh mà start-up vẽ ra. Shark Phú tuyên bố không đầu tư trước phần thương thuyết gây “ức chế” của Mỹ Mãn vì bản thân không bao giờ chơi game và không khuyến khích các loại game gây nghiện.

Tiếp đến, với bề dày kinh nghiệm đầu tư cho công nghệ, shark Dzung cho rằng: “Thể loại này trong tiếng anh gọi là Arcade game, anh đã đầu tư cách đây 8 năm rồi… Sau khoảng 1 tháng đã có 2 triệu lượt tải, đúng ngay thể loại gây ức chế đấy nhưng chẳng tạo ra cái gì hết mặc dù năng lực sản xuất ra rất nhiều, cũng chẳng đi đến đâu…” Shark Dzung nói thêm, mỗi ngày, có khoảng 5.000 game được đẩy lên App Store và game của Mỹ Mãn chỉ chiếm 0,02% trong số đó.

Mỹ Mãn vẫn vô cùng tự tin sau chia sẻ của shark Dzung, anh khẳng định: “Cái game đẩy lên Store 1 ngày bao nhiêu em không quan trọng, em là em nhỏ mà em sợ số đông sao? Quan trọng là cái đầu.”

“Ninja Việt” đi gọi vốn khiến các shark đồng loạt “ức chế” - 4

Mỹ Mãn tự tin: "Quan trọng là cái đầu."

Là “người phụ nữ quyền lực” duy nhất trong hội đồng đầu tư, shark Linh nhận xét: “Tất cả những gì em nói ra đều là lý thuyết hết. Em nói ở đây là dạy lại chị về tiếp thị, thu hút khách hàng trên AppWork. Chị thấy hơi buồn cười! Tất cả những cái em nói quá cơ bản và cách em nói như là em vừa mới khám phá ra. Tất cả những Shark ở đây đã biết hết những cái em nói rồi, em không chia sẻ điều gì mới mẻ, dựa trên những cái cụ thể mà em đã thực hiện ra rồi. Nói chung, chị có cảm giác em chưa đủ kinh nghiệm về thực tế, vì vậy, chị quyết định không đầu tư.”

Tiếp tục là một “cá mập” từ chối đầu tư, shark Thủy đưa ra lời khuyên: “Có vẻ em sống trong môi trường ảo nhiều quá nên phần trình bày kinh doanh của em không thực tiễn. Em nên suy nghĩ thực tế hơn.”

Ngay sau đó, shark Dzung cũng từ chối thương vụ với lí do: “Cái lĩnh vực này, những gì em nói là quá cũ rồi, không có gì mới hết. Anh đầu tư game không phải bây giờ anh mới đầu tư đâu mà từ 8-9 năm trước rồi. Và anh đã từ bỏ về đầu tư vào game rồi bởi vì bây giờ mảng đấy là mảng cực kỳ cạnh tranh.”

Đồng quan điểm với các shark, shark Hưng cho hay: “Nếu em thực sự muốn làm gì đó mà không ai làm được cũng như chưa ai từng làm cả thì em cứ làm thôi, đừng nghe theo bất kỳ lời khuyên của ai. Các Shark ở đây đều chưa ai làm được doanh nghiệp tỷ đô nên muốn làm doanh nghiệp tỷ đô thì tốt nhất em đừng nghe các Shark ở đây. Về việc đầu tư thì thực sự từ nãy đến giờ ngồi nghe em nói, anh thấy ức chế quá nên anh không đầu tư.”

Đây không phải lần đầu tiên cả 5 “cá mập” đều lắc đầu trước một thương vụ trong chương trình Shark Tank Việt Nam – Thương vụ bạc tỷ, nhưng có lẽ nó chính là thương vụ “gây ức chế” nhiều nhất cho các shark kể từ mùa 2.

Cô bé Tuyên Quang 7 tuổi khởi nghiệp, 11 tuổi gọi vốn thành công gây bão truyền hình

Đây có lẽ chính là “con nhà người ta“ hay “tuổi nhỏ tài cao“ mà mọi người hay nhắc tới.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bình Nguyễn ([Tên nguồn])
Khởi nghiệp Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN