Những quan ngại về đấu thầu vàng

Ngày 6/6, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức phiên đấu thầu vàng thứ 27 với 26.000 lượng vàng được chào bán. Trước đó một ngày, trong báo cáo của nhóm nghiên cứu toàn cầu Ngân hàng Standard Chartered, chênh lệch giá vàng trong và ngoài nước tăng cao kể từ khi NHNN tổ chức phiên đấu giá vàng đầu tiên.

Gây áp lực giảm giá lên VND

Theo báo cáo về thị trường vàng của Ngân hàng Standard Chartered, kể từ phiên đấu thầu đầu tiên tổ chức ngày 28/3/2013, mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế đạt trung bình 250USD/ounce, cao hơn tới 30% so với thời điểm trước đó (trong khi mức chênh lệch nói trên ở các nước chỉ nằm trong khoảng 1-10USD/ounce).

Nguyên nhân của việc chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới tăng cao, theo Standard Chartered, do lượng cung vàng nội địa vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu, trong khi tâm lý người Việt vẫn ưa chuộng tích trữ vàng, bởi bất động sản đóng băng, lãi suất tiền gửi xuống thấp, niềm tin vào đồng nội tệ bị suy giảm, lạm phát tiếp tục tăng... Sự chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế đã gây ra tình trạng đầu cơ, buôn lậu vàng và hình thành nên một thị trường “chợ đen”… khiến giá vàng nội địa tăng cao và gây bất ổn kinh tế.

Standard Chartered cảnh báo, hiện NHNN đang dùng vàng dự trữ ngoại hối để đấu thầu, đồng thời nhập khẩu một lượng vàng tương đương để duy trì dự trữ ngoại hối. Theo Standard Chartered, các biện pháp hiện hành sẽ chỉ có tác động đến thị trường trong ngắn hạn. Muốn bình ổn thị trường vàng nội địa, cần thúc đẩy sự ổn định của nền kinh tế, cải thiện niềm tin vào tiền đồng và làm giảm nhu cầu về vàng...

Những quan ngại về đấu thầu vàng - 1

Dù là phiên đấu thầu thứ 27 nhưng giá vàng trong nước vẫn chênh lệch cao so với giá vàng thế giới.

" Tiền chênh giá vàng phục vụ quốc kế dân sinh"

Trong báo cáo gửi Quốc hội, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình khẳng định, sau một năm thực hiện khuôn khổ pháp lý mới về quản lý thị trường vàng, quyền sở hữu, tích trữ, mua bán vàng miếng hợp pháp của người dân được bảo vệ, thị trường vàng đã được sắp xếp lại một cách cơ bản. Hầu hết yêu cầu của Quốc hội về thị trường vàng đã được Chính phủ thực hiện và bước đầu có kết quả rất tích cực, ngoại trừ nội dung “phấn đấu không để giá vàng trong nước chênh lệch quá lớn so với giá vàng thế giới…”.

Trước thời điểm NHNN tổ chức phiên đấu thầu vàng đầu tiên, Phó Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết: “NHNN thực hiện việc mua bán vàng miếng nhằm mục tiêu đảm bảo đưa giá vàng trong nước bám sát giá vàng thế giới theo đúng tinh thần nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ. Mức chênh lệch này sẽ đủ để khuyến khích người dân bán vàng ra và hạn chế tâm lý đầu tư quá mức vào vàng”.

Mặc dù chênh lệch giữa giá vàng thế giới và trong nước giai đoạn 2012 - 2013 ở mức cao hơn nhiều so với giai đoạn trước, nhưng Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định: “Chính chênh lệch giá vàng cao ở những thời điểm nhất định và hoạt động can thiệp theo hình thức đấu giá của NHNN đã giữ cho giá vàng trong nước và thị trường vàng trong nước ổn định trước những biến động bất thường của giá vàng thế giới, đã làm mất đi động lực đầu cơ, làm giá, tạo sóng kiếm lời của giới đầu cơ, do vậy góp phần kiềm chế “vàng hóa” nền kinh tế. Trước đây toàn bộ chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới đều thuộc về giới đầu cơ và kinh doanh vàng, còn nay đã thuộc về ngân sách Nhà nước để phục vụ quốc kế dân sinh”.

9h sáng 6/6, NHNN đã bắt đầu phiên đấu thầu vàng thứ 27. Đến 11h30’, phiên đấu thầu đã kết thúc, 26.000 lượng vàng chào bán đều được mua hết, giá mua thấp nhất 40,82 triệu đồng/lượng, cao nhất 40,90 triệu đồng/lượng. Tổng cộng sau 27 lần đấu thầu, NHNN đã bơm ra thị trường 684.100 lượng vàng.

Sáng 6/6, vàng thế giới xoay quanh mốc 1.399 USD/oz, tương đương mức giá 35,2 triệu đồng/lượng quy đổi theo tỷ giá USD tại ngân hàng, thấp hơn giá vàng SJC gần 6 triệu đồng/lượng. Khi đấu thầu vàng phiên đầu tiên, chênh lệch giá vàng trong nước - thế giới là khoảng 3 triệu đồng/lượng.

 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quỳnh Anh - Thu Trang (Giao thông vận tải)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN