Nhà đầu tư bất ngờ “xả lũ”

Giao dịch diễn ra không có nhiều chênh lệch so với hôm qua nhưng chỉ chưa đầy 10 phút cuối phiên, nhà đầu tư “xả” hơn 2.000 tỷ đồng.

Sàn thành phố Hồ Chí Minh

Phiên giảm sâu của VN-Index ngày hôm qua khiến nhà đầu tư bắt đầu phiên 19/9 với tâm lý e dè, lo ngại. Lực cung và cầu đều khá yếu khiến VN-Index loanh quanh ở mức tham chiếu. Tuy nhiên, sự lạc quan của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn cổ phiếu lớn như EIB, GAS, HAG, MSN,… nhanh chóng giúp thị trường thoát ra khỏi trạng thái ảm đạm.

Thoát khỏi tình trạng ảm đạm không có nghĩa là VN-Index đi lên mà VN-Index giằng co mạnh. Khi lực cầu vượt cung, VN-Index giữ được sắc xanh. Nhưng khi áp lực bán ra vượt trội, thị trường chìm trong sắc đỏ.  Tình trạng giằng co diễn ra tới kết phiên. Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần, VN-Index giảm 2,34 điểm, tương ứng 0,38% và đóng cửa ở mức 613,29 điểm.

Tâm điểm của thị trường không phải là cổ phiếu mà là giao dịch của nhà đầu tư. Từ đầu phiên, giao dịch diễn ra không có nhiều chênh lệch so với hôm qua nhưng chỉ chưa đầy 10 phút cuối phiên, nhà đầu tư “xả” hơn 2.000 tỷ đồng.

Cụ thể, trước giờ đóng cửa khoảng 10 phút, giá trị giao dịch đạt khoảng 3.300 tỷ đồng, thấp hơn ngày hôm qua 200 tỷ đồng. Tuy nhiên, thị trường bất ngờ “sôi sục” khi nhà đầu tư “xả” hơn 2.000 tỷ đồng trong thời gian ngắn ngủi. Và lực cầu đủ hấp thụ lực cung khổng lồ này.

Thanh khoản trên sàn thành phố Hồ Chí Minh tăng vọt. Tổng khối lượng giao dịch đạt 218.231,910 cổ phiếu, tương ứng giá trị giao 5.015,62 tỷ đồng, tăng khoảng 60% so với hôm qua. Khối lượng thỏa thuận đạt 14.482.870 cổ phiếu, tương đương 749,97 tỷ đồng, giảm về khối lượng nhưng tăng về giá trị. Toàn sàn ghi nhận có 111 mã tăng giá, 64 mã đứng giá và 112 mã giảm giá.

VN30-Index giảm mạnh hơn VN-Index. Kết thúc phiên giao dịch ngày 19/9, VN30-Index giảm 5,09 điểm, tương ứng 0,77% dừng ở mức 654,54 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 146.925.190 cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch 3.856,41 tỷ đồng, tăng hơn 100% so với hôm qua và chiếm tỷ trọng rất lớn trên sàn thành phố Hồ Chí Minh.

Trong giá trị 2.100 tỷ đồng nhà đầu tư xả cuối phiên, đa số tập trung vào blue-chip. Điều đó cho thấy nhà đầu tư đang thoát hàng khỏi nhóm cổ phiếu này. Nhóm VN30-Index có 11 mã tăng giá, 4 mã đứng giá và 15 mã giảm giá.

PPC là blue-chip gây chú ý khi bất ngờ tăng trần. Đầu phiên, cổ phiếu này giảm nhẹ nhưng cuối phiên tăng vọt 1.700 đồng/CP lên 27.100 đồng. KDC suýt lấy lại được sắc tím khi tăng 3.500 đồng/CP lên 62.000 đồng/CP.

Các blue-chip còn lại tăng khá nhẹ. MSN tăng 1.000 đồng/CP lên 84.000 đồng/CP. GMD tăng 500 đồng/CP lên 35.100 đồng/CP. FLC tăng 300 đồng/CP lên 12.000 đồng/CP. SSI tăng 200 đồng/CP lên 29.800 đồng/CP. HAG tăng 100 đồng/CP lên 24.500 đồng/CP. HCM tăng 100 đồng/CP lên 39.500 đồng/CP.

Ở chiều ngược lại, blue-chip giảm tương đối mạnh. BVH giảm 2.700 đồng/CP xuống 40.000 đồng/CP, chỉ cao hơn giá sàn 200 đồng/CP. DPM giảm 3.000 đồng/CP xuống 30.400 đồng/CP. HPG giảm 2.000 đồng/CP xuống 56.000 đồng/CP. CSM giảm 1.600 đồng/CP xuống 44.500 đồng/CP. HSG giảm 1.200 đồng/CP xuống 42.000 đồng/CP.

Sàn Hà Nội

Sàn Hà Nội không biến động mạnh như sàn thành phố Hồ Chí Minh. Các chỉ số giao dịch lạc quan hơn khi đều giữ được sắc xanh đến cuối phiên. Chốt phiên giao dịch 19/9, HNX-Index tăng 0,81 điểm, tương ứng 0,92% và đóng cửa ở mức 88,89 điểm. Thanh khoản trên sàn Hà Nội biến động rất nhẹ.

Tổng khối lượng giao dịch trên sàn Hà Nội đạt 90.440.554 cổ phiếu, tương ứng 1.397,07 tỷ đồng, giảm khoảng 15% so với hôm qua. Khối lượng giao dịch thỏa thuận đạt 4.081.117 cổ phiếu, tương ứng 62,32 tỷ đồng, đứng ở mức khá thấp. Toàn sàn ghi nhận 120 mã tăng giá, 64 mã đứng giá và 82 mã giảm giá.

HNX30-Index có tốc độ tăng nhẹ hơn HNX-Index. Chốt phiên ngày 18/9, HNX30-Index tăng 1,33 điểm, tương ứng 0,73% và đóng cửa ở mức 183,11 điểm. Khối lượng giao dịch trong nhóm HNX30-Index đạt  62.160.000 cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch 1.059,17 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng rất lớn trên sàn Hà Nội. Trong nhóm ghi nhận 16 mã tăng giá, 8 mã đứng giá và 6 mã giảm giá.

BCC là blue-chip duy nhất tăng trần trên sàn Hà Nội. BCC tăng 1.300 đồng/CP lên 14.500 đồng/CP. Các blue-chip còn lại tăng không quá mạnh. PVC tăng 1.800 đồng/CP lên 38.600 đồng/CP. PVS tăng 1.000 đồng/CP lên 42.000 đồng/CP. PGS tăng 1.000 đồng/CP lên 39.000 đồng/CP. DBC tăng 800 đồng/CP lên 28.800 đồng/CP.

Ở chiều ngược lại, blue-chip giảm rất nhẹ. DXP giảm 300 đồng/CP xuống 46.200 đồng/CP. KLF giảm 300 đồng/CP xuống 13.000 đồng/CP. KLS giảm 100 đồng/CP xuống 12.800 đồng/CP. SHB giảm 200 đồng/CP xuống 9.100 đồng/CP. VCG giảm 100 đồng/CP xuống 13.900 đồng/CP.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngân Hà ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN