Ngồi nhà xin cấp phép xây dựng

Người dân làm thủ tục xin cấp giấy phép xây dựng qua mạng Internet.

Bộ Xây dựng vừa trình Chính phủ phương án ứng dụng công nghệ thông tin trong cấp giấy phép xây dựng (GPXD). Theo đó, việc cấp GPXD sẽ thực hiện qua mạng Internet, thay vì người dân phải mang hồ sơ tới nộp ở cơ quan nhà nước như hiện nay. Cách này cho phép tiếp nhận hồ sơ của người dân qua trực tuyến và công khai thông tin về cấp GPXD lên trang thông tin điện tử của Sở Xây dựng, UBND tỉnh và Bộ Xây dựng.

Không phải gặp nhau trực tiếp

Mục tiêu của phương án này là người dân được cấp phép xây dựng trực tuyến cấp độ 3. “Có nghĩa là người dân và cơ quan nhà nước không phải gặp nhau khi làm thủ tục này” - Vụ trưởng Vụ Quản lý hoạt động xây dựng Bùi Trung Dung giải thích. Mặt khác, cách làm này còn tăng cường công khai, minh bạch và tăng cường giám sát của cộng đồng trong việc cấp phép xây dựng. “Từ việc minh bạch thông tin, người dân có thể click chuột vào máy tính có nối mạng là sẽ biết được nhà ông A khi vừa đào móng để xây nhà có GPXD hay không hoặc có thể biết được nhà đó xây có đúng phép hay không” - ông Dung cho biết.

Ngồi nhà xin cấp phép xây dựng - 1

Cấp giấy phép xây dựng qua mạng sẽ tăng tính công khai, minh bạch và giám sát của cộng đồng trong việc cấp phép. Ảnh: HTD

Với phương án này, người dân, tổ chức cần xây dựng nhà cửa sẽ gửi hồ sơ xin cấp GPXD tại trang thông tin điện tử cấp GPXD. Hệ thống cấp GPXD qua mạng có tính năng kết nối với các cơ sở dữ liệu khác về dân cư, đất đai, quy hoạch… Theo ông Dung, người dân có thể quét giấy tờ cần nộp theo dạng file PDF rồi gửi qua mạng. “Tuy nhiên, khi cơ quan cấp phép cần bản gốc để đối chiếu thì vẫn còn vướng mắc. Người dân nộp hồ sơ, giấy tờ qua mạng bằng cách nào là vấn đề cần phải xem xét nghiên cứu tiếp” - ông Dung nói.    

Ông Dung cho biết hướng đề xuất ban đầu, việc cấp giấy phép qua mạng sẽ do Nhà nước đầu tư một phần, doanh nghiệp bỏ ra một phần, người dân đóng góp một phần. Đóng góp của người dân là khoản phí phải nộp, phí này thu để hoàn lại vốn cho doanh nghiệp, đồng thời để doanh nghiệp quản trị mạng...

Nếu hồ sơ bị ngâm lâu thì người dân làm thế nào? Trả lời câu hỏi này, ông Dung cho hay người dân nộp hồ sơ ngày nào, hệ thống sẽ thông báo ngày đó. Trong thời hạn cụ thể, nếu cơ quan cấp phép hụt bước nào, hệ thống sẽ tự nhắc việc.

Làm không dễ

Với hướng mới này, là người trực tiếp làm công tác cấp GPXD, ông Trần Đức Dũng, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Ba Đình (Hà Nội), băn khoăn: “Trong hồ sơ cấp phép xây dựng cần phải có giấy tờ về đất. Nếu hồ sơ người dân gửi tới chỉ là bản quét giấy đỏ thì làm sao có thể đối chiếu được với bản gốc?”.

Theo ông Dũng, một số nước đã làm theo cách này. Tuy nhiên, ở ta chỉ khi nào các dữ liệu về đất đai, quy hoạch, dân cư... được liên thông, có nghĩa là cơ quan cấp phép có thể dễ dàng tra cứu thông tin cần thiết cho việc cấp GPXD mà không cần người dân trực tiếp phải mang bản gốc đến để đối chiếu thì mới cấp được GPXD qua mạng. “Nếu ta chưa có những yếu tố trên mà làm việc này thì rất khó” - ông Dũng nói.

Phó Chủ tịch quận Thanh Xuân (Hà Nội) Đặng Hồng Thái cũng cho rằng: “Việc này làm không đơn giản. Bởi có người dân còn chưa nắm bắt được công nghệ thông tin và không phải người dân nào cũng có máy tính, có mạng và biết thao tác để gửi hồ sơ qua mạng để được cấp GPXD. Hơn nữa, có loại giấy tờ trong hồ sơ cấp phép cần phải đối chiếu với bản gốc nên thực hiện qua mạng sẽ không biết làm thế nào…”. Chính Vụ trưởng Vụ Quản lý hoạt động xây dựng Bùi Trung Dung cũng thừa nhận: “Cấp GPXD qua mạng sẽ khó về quy trình, dù đơn giản được thủ tục”.

Thí điểm từ năm 2015

Dự kiến lộ trình thực hiện của đề án cấp GPXD qua mạng: Từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2015, triển khai thí điểm tại bốn địa phương: Đà Nẵng, quận Hà Đông (Hà Nội), Hải Dương và Lào Cai. Từ đó, đánh giá và tổng kết kinh nghiệm, rồi thực hiện ở các quận, huyện trên toàn quốc (tháng 12-2015).

Trang thông tin điện tử về cấp GPXD có các chuyên mục: Đăng ký cấp GPXD, theo dõi kết quả; tra cứu thông tin về GPXD; phản ánh của người dân liên quan đến xây dựng; công khai thông tin về vi phạm trong xây dựng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Vân (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN