Ngân hàng TQ "phù phép" báo cáo tài chính

Các ngân hàng của Trung Quốc đang chơi trò mèo vờn chuột với chính quyền Bắc Kinh bằng những con số tài chính "được phù phép" vào cuối mỗi quý, nhằm đáp ứng các quy định về vốn huy động của chính phủ. Kiểu thao túng báo cáo tài chính trên đang phá huỷ giới hạn cho vay trên vốn huy động ở Trung Quốc.

Hành vi này, bắt đầu từ năm 2011, đang phóng đại kích thước và tính ổn định thanh khoản của các ngân hàng, đồng thời cũng là mặt nạ lấp đi những áp lực đè nặng lên hệ thống ngân hàng Trung Quốc, ngay tại thời điểm nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang mở rộng với tốc độ yếu ớt nhất kể từ năm 2009.

"Nếu có một danh sách những nguyên nhân gây bất ổn hệ thống tài chính Trung Quốc, thì đó chính là tính thanh khoản ngân hàng", nhà nghiên cứu kinh tế Trung Quốc Diana Choyleva tại Lombard Street Research nhận định.

Chính phủ Bắc Kinh giới hạn tỉ lệ cho vay trên vốn huy động không quá 75%. Với tình hình tăng trưởng tiền gửi chậm, các ngân hàng phải hoặc phải tìm kiếm nguồn tiền mới hoặc giảm cho vay, điều này đi ngược với chính sách hiện tại của chính phủ trong việc nới lỏng tín dụng để kích thích kinh tế.

Để tuân theo các quy tắc cho vay, ngân hàng hiện đang bán các sản phẩm quản lý tài sản ngắn hạn (WMP) có kỳ hạn thanh toán vào những ngày cuối quý, một hai ngày sau đó, đầu tư tự động chuyển sang tiền mặt và gửi vào tài khoản thường xuyên của giới đầu tư.

Ngân hàng cũng phải viện đến các nhà "môi giới tiền gửi", là các cá nhân hay doanh nghiệp với lượng tiền gửi lớn có thể tuỳ hứng luân chuyển dòng tiền của họ giữa các ngân hàng và thường dừng chân tại nơi có lợi suất cao nhất.

Các quan chức của "Big Four" ở Trung Quốc từ chối bình luận vấn đề trên. Với mạng lưới chi nhánh bao phủ toàn quốc, Ngân hàng Công thương Trung Quốc, Ngân hàng Trung Quốc, Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc và Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc vẫn tự hào về vốn huy động hùng mạnh của mình. Nhưng khi biết các đối thủ nhỏ hơn sử dụng các chiến thuật "đi đêm" để thu hút tiền gửi ngắn hạn, các ngân hàng lớn phải cắt giảm phí cho vay liên ngân hàng để tự bảo vệ mình trước các cuộc khủng hoảng thanh khoản.

Các ngân hàng đã bắt đầu bán WMP ngắn hạn và các công cụ đầu tư nhiều rủi ro với llãi suất đề nghị lên đến 10%, so với 3,5% dành cho tiền gửi, nhằm duy trì và thu hút khách hàng. WMP đã tăng vọt từ vài trăm trong năm 2009 lên gần 20.000 ở thời điểm hiện tại, tương đương khoảng 3.000 tỉ USD tiền gửi. Barclays cho biết Trung Quốc đang tạo ra khoảng 3,4 nghìn tỉ USD các sản phẩm như trên trong năm nay.

WMP được sử dụng như một phương tiện thúc đẩy vốn huy động để đáp ứng yêu cầu quy định. Vấn đề đặt ra là WMP có xu hướng “dễ chịu" hơn so với tiền gửi thông thường nên khách hàng nhiều khả năng sẽ di chuyển dòng tiền giữa các ngân hàng để tìm lợi suất cao hơn.

Tình trạng trên sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng thanh khoản trong một ngân hàng gây ra bởi WMP, khi thua lỗ xuất hiện. "Bất kỳ sự sụp đổ của một cá thể đều sẽ đóng băng thanh khoản và cuối cùng huỷ hoại niềm tin kinh doanh, nhà phân tích Lucy Feng tại Nomura nhận định.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Tuyết Hạnh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN