Ngân hàng nào có nợ xấu cao nhất?

Trong khi nhiều ngân hàng tích cực đưa nợ xấu về dưới 3%, một số trường hợp có nợ xấu cao do đi vào các lĩnh vực “mạo hiểm”.

Ngân hàng nào có nợ xấu cao nhất? - 1

VPBank hiện có nợ xấu cao nhất, do chiến lược của ngân hàng này là chọn những lĩnh vực kinh doanh có rủi ro cao - Ảnh: Tạ Tôn.

VPBank, Sacombank đầu bảng

Tính đến hết nửa đầu năm nay, nợ xấu tại VPBank tăng từ gần 6.200 tỷ đồng cuối năm 2017 lên 8.090,7 tỷ đồng. Đáng chú ý, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) tăng nhanh từ 1.067 tỷ đồng lên 1.606,6 tỷ đồng, tăng hơn 50% trong vòng 6 tháng. Tính chung, đến 30/6, nợ xấu tại VPBank đạt xấp xỉ 4,07%, tăng khá so với mức 3,39% cuối năm 2017. Được biết, tới giữa năm nay, cả tăng trưởng huy động và tăng trưởng tín dụng tại ngân hàng này đều ở mức trung bình là gần 8% và 6,8% so với cuối năm 2017. Tuy nhiên, nếu so với cùng kỳ năm 2017 thì huy động vốn tăng 10,3% nhưng tín dụng tăng tới 18,9%.

Thông tin với PV Báo Giao thông, đại diện VPBank cho biết: "Nợ xấu của ngân hàng cao là do hợp nhất với nợ xấu của đơn vị con là FE Credit. Còn nếu chỉ tính riêng ngân hàng mẹ, nợ xấu ở ngưỡng an toàn (dưới 3%) là 2,33% cuối năm 2017 và 2,71% tính đến giữa năm 2018. Dù nợ xấu (hợp nhất) 6 tháng qua tăng 0,68% nhưng theo đại diện VPBank cũng không đột biến. Bởi “lĩnh vực VPBank lựa chọn là lĩnh vực có rủi ro cao. Việc này đã được lãnh đạo cấp cao của VPBank khẳng định nhiều lần tại các cuộc đại hội cổ đông và gặp gỡ nhà đầu tư trước đó”, đại diện ngân hàng thông tin. Còn riêng FE Credit với lĩnh vực kinh doanh chính là cho vay tín chấp, nên tỷ lệ nợ xấu luôn quanh mức 5%".

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 6, tỷ lệ nợ xấu xử lý qua VAMC đạt 310.517 tỷ đồng tính theo dư nợ gốc nội bảng, đạt trên 40% tổng nợ xấu được xử lý; thu hồi được gần 100.000 tỷ đồng. Riêng năm 2017, nhờ có sự ra đời của Nghị quyết số 42, VAMC đã thu được 30.852 tỷ đồng (gần bằng 2/3 tổng giá trị thu hồi nợ của cả 4 năm trước đó). Trong năm 2018, VAMC lên kế hoạch mua khoảng từ 30.500 - 35.500 tỷ đồng nợ xấu. Đồng thời, xử lý được ít nhất 140 nghìn tỷ đồng nợ xấu.

Đứng ngay sau VPBank là Sacombank với tỷ lệ nợ xấu 3,74% tính đến hết 6 tháng, dù mức này đã giảm mạnh so với con số 4,67% tại thời điểm cuối năm 2017. Theo Sacombank, ngân hàng đã thu hồi được hơn 3.600 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng trong 6 tháng đầu năm và dự kiến sẽ giảm tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 3% vào cuối năm nay.

VPBank và Sacombank là hai trong số gần 20 ngân hàng đã công bố báo cáo 6 tháng có nợ xấu vượt ngưỡng 3%. Các ngân hàng có nợ xấu từ 2% đến dưới 3% là: Eximbank, VIB, SHB... Còn lại các ngân hàng khác đều có tỷ lệ nợ xấu khá thấp, dưới 2% như: Vietcombank, TPBank, BIDV, MB... Đáng chú ý, có một số ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp dưới 1% như: ACB, KienlongBank...

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính chung tỷ lệ nợ xấu của cả hệ thống đến tháng 3/2018 là 2,18%. Nhưng đến thời điểm này, chỉ có một số ít ngân hàng giảm được tỷ lệ nợ xấu như: BIDV, KienlongBank, VIB, Sacombank, Eximbank... còn lại đều ít nhiều tăng thêm nợ xấu sau khi tăng trưởng mạnh tín dụng trong nửa đầu năm.

Tích cực thu giữ, bán tài sản đảm bảo

Với dư nợ tín dụng đạt 91.700 tỷ đồng, tăng 8,9% trong nửa đầu năm nhưng VIB kiểm soát nợ xấu ở mức 2,3% tính đến cuối tháng 6/2018. Thông tin với Báo Giao thông, đại diện VIB cho biết: "Tính đến 31/7, đã tất toán toàn bộ trái phiếu VAMC (của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam - VAMC) và trở thành 1 trong 5 ngân hàng tất toán trước hạn toàn bộ trái phiếu này (trong đó gồm cả Vietcombank, Techcombank)".

Hiện, danh mục hơn 1.200 tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu VAMC quản lý tính đến đầu tháng 8/2018 phần lớn được phân loại và chủ yếu bất động sản. VAMC đang tích cực xử lý tận gốc nợ xấu bằng cách đấu giá các tài sản đảm bảo để thu tiền về. Sau “phát súng” đầu tiên thu giữ khối tài sản đảm bảo khổng lồ của dự án Saigon One Tower với mức giá khởi điểm 6.110 tỷ đồng, VAMC đã tiếp tục đấu giá các tài sản đảm bảo khác. Như mới đây (27/7), VAMC thông báo bán đấu giá toàn bộ máy móc thiết bị thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình Nhà máy sản xuất xi măng Puzơlan Gia Lai tại SHB gắn liền với 44.814m2 đất tại tỉnh Gia Lai. Tiếp đến, ngày 9/8, VAMC thông báo bán đấu giá tài sản đảm bảo cho khoản nợ xấu của Công ty Thành phố Vàng (Agribank) đã bán nợ sang VAMC là quyền sử dụng 7.851m2 đất tại phường Phú Hữu, quận 9, TPHCM. Mới nhất, trong ngày 15/8, VAMC cùng lúc phát đi 3 thông báo đấu giá tài sản đảm bảo tại: BIDV, Agribank và GPBank…

Hàng loạt chi nhánh các ngân hàng cũng thông báo tăng cường thu hồi tài sản đảm bảo, bán đấu giá nợ xấu để thu hồi nợ. Trước đó, có nợ xấu cao nhưng Sacombank được coi là ngân hàng đầu tiên xử lý tài sản đảm bảo khi chuyển nhượng thành công 3 tài sản bất động sản lớn tại Khu công nghiệp Đức Hòa III, tỉnh Long An, với tổng trị giá hợp đồng 9.200 tỷ đồng.

Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, việc xử lý nợ xấu thông qua thu hồi và xử lý tài sản đảm bảo đang được triển khai mạnh nhờ Nghị quyết 42. Mặc dù vậy, sau một năm thí điểm thực hiện theo Nghị quyết 42, đến nay, vẫn còn một số khó khăn như trường hợp khách hàng cố tình chống đối, không bàn giao tài sản đảm bảo buộc các tổ chức tín dụng phải khởi kiện ra tòa. Hay trường hợp khách hàng thế chấp tài sản đảm bảo là tài sản hình thành trong tương lai... Dự kiến, trong tuần này, NHNN sẽ tổng kết một năm thực hiện thí điểm Nghị quyết 42. Theo đó, việc xử lý nợ xấu sẽ được điều chỉnh để phù hợp hơn với thực tế, hiệu quả hơn nữa.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Cao Sơn ([Tên nguồn])
Bản tin tài chính kinh doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN