Năm “bi ai” của hơn 2.600 DN xây dựng

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, năm 2012, tổng số các doanh nghiệp ngành Xây dựng ngừng hoạt động là 2.637 doanh nghiệp, trong đó có 2.110 doanh nghiệp xây dựng, 527 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.

Tại hội nghị tổng kết Bộ Xây dựng ngày 16/1, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho hay, tổng giá trị sản xuất kinh doanh của ngành đạt thấp so với năm 2011 và khó khăn là tình trạng chung của các doanh nghiệp (có rất ít doanh nghiệp hoàn thành được các chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu năm 2012).

Trong đó, khối sản xuất công nghiệp vật liệu xây dựng bị ảnh hưởng nặng nhất, hàng tồn kho cao, không phát huy được công suất sản xuất của dây chuyền thiết bị.

Năm “bi ai” của hơn 2.600 DN xây dựng - 1

Nhiều DN ngành xây dựng đã "ra đi" trong năm 2012 (Ảnh minh họa)

Hiện tổng sản phẩm quy ra tiền của sản phẩm tồn vật liệu xây dựng năm 2012 ước 3.862 tỷ đồng, trong đó xi măng tồn 415.000 tấn, gạch ốp lát: 4,6 triệu m2, gạch xây: 177 triệu viên, kính xây dựng: 14,3 triệu m2, thép: 20.179 tấn.

Cụ thể, ngành xi măng hiện có 67 dây chuyền xi măng lò quay, tổng sản lượng xi măng ước tiêu thụ năm 2012 khoảng 53,6 triệu tấn, trong đó tiêu thụ nội địa đạt khoảng 45,5 triệu tấn, giảm 7,1% so với sản lượng xi măng tiêu thụ nội địa năm 2011.

Với gạch ốp lát, nhiều nhà máy đã phải dừng sản xuất từ 2-3 tháng vì tiêu thụ chậm; công suất hiện có được khai thác thấp, chỉ vào khoảng dưới 50%; lượng tồn kho lớn, mặc dù từ đầu năm nhiều dây chuyền phải dừng do không tiêu thụ được.

Mặt hàng kính xây dựng cũng không khá hơn khi sản phẩm kính nổi tồn kho trung bình của cả nước tương đương với 5 tháng sản xuất, cá biệt có doanh nghiệp tồn 6 tháng sản xuất; kính cán có 4 dây chuyền, đã phải dừng sản xuất 3 dây chuyền; kính gia công bị cạnh tranh mạnh hơn, giảm sản lượng 40- 50% so với năm 2011.

Còn với kinh doanh nhà ở, bất động sản bị đình đốn do thị trường trầm lắng, nhiều dự án phát triển nhà ở và đô thị hoặc triển khai chậm hoặc tạm dừng do thiếu vốn hoặc tiếp cận nguồn vốn khó khăn (kể cả các dự án đầu tư nhà ở xã hội). Tỷ lệ sản phẩm nhà ở xã hội/nhà ở thương mại ở hầu hết các dự án đều rất thấp và chậm triển khai trong khi nhu cầu loại hình nhà ở này lại cần thiết cho một bộ phận đông trong xã hội.

Bộ trưởng Dũng nhận định, chỉ còn cách tháo gỡ được thị trường bất động sản, mới hy vọng không làm "chết' thêm những doanh nghiệp xây dựng khác.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tiến Sơn ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN