Lùi bước trước những chủ đầu tư sai phép
“Tại sao không triệt tiêu cả phần sai phạm mà chỉ yêu cầu nộp phạt 40-50% giá trị phần xây dựng sai phép, không phép rồi cho tồn tại? Như thế càng khuyến khích chứ không ngăn chặn được vi phạm…”
Đó là ý kiến của TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng trước việc ban hành Thông tư số 02/2014/TT-BXD về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng. cho phép nộp tiền để tồn tại công trình xây dựng sai phép, không phép.
Theo đó, nếu chủ đầu tư công trình xây dựng sai phép, không phép, sai thiết kế hoặc sai thiết kế đô thị được duyệt mà không vi phạm chỉ giới xây dựng thì được đóng tiền phạt để tồn tại.
Cụ thể: Chủ đầu tư phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được bằng 40% giá trị phần xây dựng sai phép, không phép đối với công trình nhà ở riêng lẻ. Đối với công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng nộp bằng 50% giá trị phần sai phép, không phép, sai thiết kế.
Sau khi nộp phạt, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng hoặc điều chỉnh giấy phép xây dựng "hợp thức hóa" phần sai phép.
Trước vấn đề này trao đổi với PV Infonet, TS. Phạm Sỹ Liêm bày tỏ quan điểm không đồng tình với quan điểm cho phép được nộp phạt để các công trình xây dựng trái phép được tồn tại.
“Tại sao không triệt tiêu cả phần sai phạm mà chỉ yêu cầu nộp phạt ở mức 40-50% giá trị phần sai phép, không phép…?”, ông Liêm đặt câu hỏi.
Chung cư 83 Ngọc Hồi (Hoàng Mai, Hà Nội) "nổi tiếng" vì việc xây dựng trái phép từ năm 2010. Ảnh: Minh Thư
Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng thì cách phạt cho tồn tại này chỉ càng khuyến khích vi phạm, chứ không ngăn chặn được vi phạm.
“Sai phạm phổ biến nhất trong xây dựng thường là vượt tầng trái phép, tôi nghĩ với loại sai phạm này thì phải “cắt ngọn”, dỡ bỏ hết những tầng xây trái phép. Còn nếu cứ hễ vi phạm là lại được nộp phạt để tồn tại thì luật chẳng có giá trị gì, cũng chẳng răn đe được ai cả” – ông Liêm nói.
Cũng không tán đồng với quy định cho nộp tiền để tồn tại những công trình sai phép, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội cho hay: Từ nhiều năm nay Nhà nước đã đưa ra đủ các chế tài nhằm đảm bảo việc xây dựng thực hiện theo đúng quy hoạch. Trước tình trạng xây dựng sai phép, không phép xảy ra, riêng Hà Nội ít nhất đã có 4 lần có những chỉ đạo kiên quyết xử lý vi phạm, thậm chí là phá dỡ, cắt ngọn công trình xây dựng sai phép. Vì thế, nay đưa ra quy định mới cho phép nộp tiền để tồn tại công trình xây dựng sai phép, không phép thì cần xem xét nguyên nhân là gì?
“Theo tôi, cho tồn tại công trình xây dựng sai phép, không phép là thể hiện năng lực quản lý của chúng ta kém. Cho phép tồn tại thế chẳng khác nào chúng ta đang lùi bước thì không nên, cần có cách xử lý chặt chẽ hơn”, ông Nghiêm nhấn mạnh.
Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, có nhiều cách khắc phục vấn đề xông trình xây dựng sai phép, chẳng hạn như cần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được cấp phép bằng cách công bố, công khai quy hoạch, sớm hoàn thiện quy hoạch chi tiết, công khai thủ tục… chứ không nên cho tồn tại công trình xây dựng sai phép.
Theo TS Phạm Gia Yên, Chánh thanh tra Bộ Xây dựng: Không phải tất cả công trình xậy dựng sai phép, không phép đều bị phạt tiền cho tồn tại, mà là với các công trình xây dựng không phép, sai phép, sai quy hoạch được duyệt đã đưa vào sử dụng mới bị phát hiện, công trình đó không vi phạm chỉ giới xây dựng, có chủ quyền về đất xây dựng hợp pháp, không tranh chấp, không có khiếu kiện.
Trong quá trình nghiên cứu, tiếp xúc các trường hợp người dân sai phạm, nghe nguyện vọng của họ nên mới đưa ra phương án thu 40 % và 50% giá trị phần xây dựng sai phạm. Trong quá trình thực hiện nếu đúng như việc xử lý này là thấp thì sẽ kiến nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định và tiếp tục sửa đổi thông tư.