"Lấy ngân sách xử lý nợ xấu là lấy của người nghèo chia cho người giàu"

Trong Dự thảo Đề án Tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra phương án dùng tiền ngân sách để xử lý một phần nợ xấu. Đề xuất này hiện đang gây phản ứng trái chiều trong giới chuyên gia.

"Lấy ngân sách xử lý nợ xấu là lấy của người nghèo chia cho người giàu" - 1

TS Bùi Trinh

Nợ xấu được mua quá ít!

Thực chất việc Công ty Quản lý tài sản (VAMC) mua nợ về cơ bản là mua trên sổ sách. Tổ chức này có công bắt được “nợ” nhốt vào một chỗ, nhưng dường như chưa có một giải pháp căn cơ để xử lý số nợ này. Theo Kiểm toán Nhà nước, nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã bán cho VAMC hơn 79.600 tỉ đồng trong tổng số 143.500 tỉ đồng xử lý nợ xấu năm 2014. Tuy nhiên, việc xử lý nợ xấu của VAMC chưa hiệu quả. Năm 2014, VAMC chỉ xử lý được 28 khoản nợ tương ứng 627 tỉ đồng trong tổng số 96.455 tỉ đồng nợ xấu đã mua.

Theo báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2016, VAMC đã mua 241.000 tỉ đồng nợ xấu. Con số này thay đổi không đáng kể so với quy mô đã mua lũy kế đến cuối 2015. 

Như vậy, có nghĩa trong nửa đầu năm 2016, lượng nợ xấu được bán cho VAMC và lượng nợ xấu VAMC bán đi rất hạn chế. Đây cũng là lần đầu tiên Chính phủ đã thẳng thắn đề cập đến vấn đề nợ xấu. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng nợ xấu tiếp tục là vấn đề đáng lo ngại khi việc xử lý chưa đi vào thực chất và gặp nhiều khó khăn. 

Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cho rằng, một trong những nguyên nhân của việc mua nợ xấu của VAMC trong thời gian qua diễn ra chậm chạp, nguyên nhân do việc định giá tài sản không được minh bạch. 

Ông Trinh dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, tỷ lệ giữa nợ phải trả và nguồn vốn chủ sở hữu giai đoạn 2006-2011 của khối doanh nghiệp Nhà nước là 3,3, của khối doanh nghiệp ngoài Nhà nước là 3. Thông thường khi ngân hàng cho doanh nghiệp vay thì nếu doanh nghiệp có 1 đồng vốn chủ sở hữu thì chỉ vay được khoảng 0,6 – 0,7 đồng. Trường hợp có 1 đồng mà lại vay đến hơn 3 đồng thường xảy ra đối với doanh nghiệp Nhà nước hoặc do việc định giá tài sản khi cho vay. Khi tài sản thực sự không như vậy thì cái ai dám mua cái nợ xấu đã được thổi phồng qua giá trị tài sản. 

“Như vậy tiền vay là tiền thật nhưng tài sản sổ sách lại không phải như vậy thì ai dám mua” – ông Trinh nói.

Không thể bắt người dân trả nợ!

Về đề xuất dùng ngân sách để xử lý một phần nợ xấu trong Dự thảo Đề án Tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra, ông Dương Quốc Anh - Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng Chính phủ đang đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, khả năng cạnh tranh, giảm nợ xấu theo kinh nghiệm của các nước.

Ví dụ như ở Thái Lan, Hàn Quốc, khi các ngân hàng xử lý không nổi các khoản nợ xấu thì họ sẽ bán lại cho các cơ quan quản lý của trung ương, thường là Bộ Tài chính hoặc Ngân hàng Nhà nước, bán lại theo giá thị trường. 

Theo ông Dương Quốc Anh, trên cơ sở tập hợp toàn bộ nợ xấu của nền kinh tế, Thái Lan và Hàn Quốc sẽ đánh giá trên cơ sở tài sản đặc biệt, phát hành trái phiếu, trái phiếu này là từ ngân sách. Ở Thái Lan, để phát hành tỷ lệ trái phiếu trên ngân sách, người Thái phải trả phần thuế tổng 30 năm để xử lý nợ xấu của các ngân hàng. Còn ở Hàn Quốc, Công ty quản lý tài sản Hàn Quốc (KAMCO) ban đầu cũng phát hành cho định chế nước ngoài, sau đó các nhà đầu tư trong nước và tổ chức kinh tế trong nước cùng tham gia. 

"Theo kinh nghiệm của các nước thì hầu hết là dùng ngân sách để xử lý nợ xấu", ông Dương Quốc Anh nói.

Tại hội thảo Hoàn thiện thể chế cho sự phát triển bền vững hệ thống ngân hàng Việt Nam giai đoạn 2016-2020 mới đây, TS Cấn Văn Lực - Giám đốc trường Đào tạo Ngân hàng BIDV nhận định rằng, hiện nay cần phải giải quyết được những nút thắt như có dùng thêm ngân sách để xử lý nợ xấu hay không? Ai sẽ bù lỗ và chia lãi với VAMC khi mua nợ xấu về? Thị trường mua bán nợ thế nào?

Theo ông Lực, nếu dùng ngân sách để xử lý nợ xấu thì con số có thể rơi vào khoảng 5.000 đến 10.000 tỉ đồng.

Tuy nhiên, ông Bùi Trinh lại cho rằng đề xuất dùng ngân sách để xử lý nợ xấu là điều vô lý. Bởi vì nợ ngân hàng thì đã rõ nhưng ai nợ? Những đại gia sử dụng tiền nợ đi xe sang, ở nhà sang, ăn chơi chỗ sang tại sao lại bắt người dân trả nợ cho những ông này? 

“Tiền ngân sách là tiền của dân dù là tiền thuế hay tiền đi vay, không thể bắt người dân trả nợ cho cái mà họ không nợ. Như vậy là lấy tiền của người nghèo chia cho người giàu” – ông Trinh nhấn mạnh.

Theo vị chuyên gia này, nhiều nước cũng lấy tiền ngân sách xử lý nợ xấu thì đấy là việc của các nước đó rất khác Việt Nam. Ở Việt Nam không thể áp dụng điều này.

Tuy nhiên, ông Trinh cho rằng nếu áp dụng đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì cần phải minh bạch để bán được bao nhiêu thì bán, vấn đề cần xem xét kỹ những phân khúc, rồi vấn đề ai nợ. Sự việc nợ xấu đã xảy ra từ nhiều năm, sự thiếu minh bạch cũng là một quá trình dài rồi. 

“Vấn đề này là vấn đề con người và lựa chon con người, con người không minh bạch thì mọi chuyện về minh bạch như mớ bòng bong” – Ông Trinh nói.

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cũng cho hay, việc mua bán nợ xấu cần phải thực hiện theo giá thị trường và trả bằng tiền thật. Chính phủ sẽ bảo lãnh để VAMC đứng ra vay tiền của các tổ chức quốc tế hoặc trên thị trường tài chính. Khi nợ xấu được bán, VAMC lấy tiền đó trả nợ, mức chênh lệch giữa giá trị thị trường và giá trị nợ sổ sách có thể được hỗ trợ bằng một khoản vay dài hạn cho ngân hàng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Long (Một thế giới)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN