Kinh tế Trung Quốc: Điểm sáng hiếm hoi

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới được coi là đã quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng khi cả sản lượng công nghiệp và doanh số bán lẻ tháng 11 đều đạt mức cao nhất 8 tháng trong khi thị trường bất động sản cũng phục hồi mạnh mẽ.

Sau 7 quý liên tục tăng trưởng chậm chạp, con rồng châu Á được cho là sẽ kết thúc năm 2012 bằng việc quay trở lại mức tăng trưởng trung bình nhờ chính sách tiền tệ nới lỏng và việc chính phủ tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng.
Tháng 11, sản lượng công nghiệp của Trung Quốc tăng 10,1% trong khi doanh số bán lẻ tăng 14,9% so với cùng kì năm trước. Cả 2 số liệu này đều cao hơn so với kì vọng của các nhà kinh tế và là mức cao nhất kể từ tháng 3.2012.

Kinh tế Trung Quốc: Điểm sáng hiếm hoi - 1

Trung Quốc quay lại quỹ đạo tăng trưởng

Trong tháng 10 trước đó, 2 chỉ số này của nền kinh tế Trung Quốc lần lượt là 9,6% và 14,5%.

Đáng lưu ý hơn cả là sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường bất động sản, lĩnh vực được cho là quan trọng nhất của nền kinh tế Trung Quốc. Báo cáo chính thức cho biết doanh số bán nhà mới trong tháng 11 tăng mạnh 3,5% so với tháng trước đó và tăng 9,1% trong 11 tháng đầu năm. Điều này cũng giúp cho dòng tiền đầu tư vào lĩnh vực bất động sản tăng 16,7% trong 11 tháng đầu năm, tăng mạnh so với mức 15,4% của tháng 10.

“Chúng tôi tin rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ duy trì xu hướng tăng trưởng với vận tốc trung bình trong năm tới”, ông Liu Ligang, chuyên gia kinh tế của ANZ nhận định. Ông Ligang cũng nhấn mạnh rằng: “Chính sách tài chính đã tác động mạnh tới nền kinh tế thực”.

Kể từ hồi giữa năm nay, Bắc Kinh đã đồng ý đẩy mạnh các dự án đầu tư, đặc biệt là xây dựng các tuyến đường sắt và đường cao tốc mới. Ngân hàng trung ương nước này cũng bơm một lượng tiền lớn vào hệ thống tài chính thông qua các hoạt động của thị trường mở.

Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư cho rằng xu hướng tăng trưởng hiện nay của quốc gia châu Á này là dễ đổ vỡ bởi sự tăng trưởng đến chủ yếu nhờ chính sách đầu tư của chính phủ chứ không phải từ sự đầu tư của khu vực tư nhân. Bằng chứng cho thấy là 11 tháng đầu năm nay, khu vực kinh tế tư nhân của Trung Quốc chỉ tăng 25%, thụt lùi so với mức tăng 25,2% của 10 tháng đầu năm.

Cùng với sự phục hồi trở lại của doanh số bán lẻ, sản lượng công nghiệp và doanh số bán nhà thì chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 của Trung Quốc cũng tăng 2%, sau khi đạt mức thấp nhất trong vòng 33 tháng ở 1,7% hồi tháng 10 trước đó.

Việc lạm phát có nguy cơ quay trở lại có thể tạo áp lực đối với chính phủ nước này trong việc hạn chế đầu tư nhằm kích thích nền kinh tế. Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Zhang Zhiwei của Nomura cho rằng lạm phát vẫn sẽ nằm dưới mức mục tiêu 4% của Bắc Kinh trong ít nhất là 3 tháng tới.

Với lập luận trên, ông này cho rằng Ngân hàng Trung ương Trung Quốc “sẽ duy trì các chính sách nới lỏng tiền tệ và cho vay hiện tại nhằm hỗ trợ nền kinh tế hồi phục cho đến giữa năm 2013”.

Như vậy, trong bối cảnh các nền kinh tế châu Âu và Mỹ tăng trưởng chậm chạp hoặc thậm chí là giảm phát thì Trung Quốc vẫn là một điểm sáng hiếm hoi trong nền kinh tế toàn cầu. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đỗ Hà (Dân Việt/Financial Times)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN