Khó đoán hướng đi của giá vàng

Giá vàng chiều 7.9 tại Hà Nội tăng nhẹ, nhưng tại TP.HCM giá vàng lại có chiều hướng giảm…

Khó đoán hướng đi của giá vàng - 1

Các chuyên gia kinh tế nhận định, hướng đi của giá vàng trong nước vẫn khó đoán.

Vàng biến động nhẹ, USD “lắng”

Tại thị trường Hà Nội, giá vàng SJC hiện được Tập đoàn DOJI điều chỉnh lên mức 34,02 - 34,12 triệu đồng/lượng, tăng 20.000 đồng/lượng so với sáng 7.9. Cùng thời điểm, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn công bố giá mua vàng SJC tại TP.HCM là 33,90 - 34,18 triệu đồng/lượng, giảm 30.000 đồng/lượng so với mở cửa phiên sáng cùng ngày.

Mở cửa phiên đầu tuần này, giá vàng trong nước ổn định ở mức thấp, xoay quanh mốc 34 triệu đồng/lượng. So với phiên mở cửa sáng 6.9, giá vàng hôm nay đang có xu hướng chững lại.

Tại thị trường Hà Nội, giá vàng cũng tương tự ở TP.HCM, với giá mua vào và bán ra có mức chênh lệch không đáng kể.

Trên thị trường thế giới, các giao dịch vàng cũng không có biến động lớn. Theo Kitconews, giá vàng Comex giao tháng 12 hiện chốt ở mức 1.121,40USD/ounce, sau khi giảm gần 1% trong tuần vừa qua.

Các chuyên gia kinh tế đều nhận định: Hướng đi của giá vàng trong nước vẫn khó đoán.

Từ hai ngày cuối tuần đến nay, do giá vàng thấp đã xuất hiện lực mua lớn. Theo Công ty vàng DOJI, lượng mua vào tăng 85%, chủ yếu xuất phát từ các nhà đầu tư và tổ chức lớn. Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) cũng cho biết, lực mua tăng rõ rệt. "Hơn 70% lượng giao dịch xuất phát từ nhu cầu dự trữ của người dân", báo cáo đầu tuần của đơn vị này cho hay. Sáng 7.9, đại diện Công ty vàng Bảo Tín Minh Châu cũng cho biết, lực mua vào vẫn chiếm 60%, bán ra chỉ chiếm 40%.

Về tỉ giá ngoại tệ, so với cuối tuần trước, tỉ giá niêm yết tại các ngân hàng thương mại ngày 7.9 tiếp tục điều chỉnh giảm ở cả hai chiều mua vào và bán ra. Tuy nhiên, hai ngân hàng lớn là Vietcombank, Vietinbank vẫn giữ nguyên mức tỉ giá.Cụ thể, Vietcombank niêm yết tỉ giá USD/VND tại mức mua vào 22.445 đồng/USD và bán ra là 22.505 đồng/USD, không thay đổi cả chiều mua vào và chiều bán ra.

Tương tự, Vietinbank cũng giữ nguyên tỉ giá niêm yết ở mức 22.435 - 22.505 đồng/USD. Eximbank niêm yết tỉ giá USD/VND tại mức 22.420 - 22.500 đồng/USD, giảm 10 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra. Tại DongABank, giá USD đang được niêm yết ở mức 22.460 - 22.505 đồng/USD, giảm 10 đồng chiều mua vào và 5 đồng chiều bán ra.

Techcombank niêm yết tỷ giá USD/VND tại mức 22.410 - 22.525 đồng/USD, tăng 10 đồng chiều mua vào và giảm 15 đồng chiều bán. Ngân hàng BIDV, đồng USD được mua vào bán ra với giá 22.455 - 22.515 đồng, giảm 5 đồng chiều mua vào và và 15 đồng chiều bán ra. ACB niêm yết tỉ giá ở mức 22.430 - 22.500 đồng/USD, chiều mua vào không thay đổi, chiều bán ra giảm 10 đồng so với cuối tuần trước.

Tỉ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng tiếp tục được Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước áp dụng cho ngày 7.9 là 21.890VND/USD.

Tỉ giá USD tự do tại Hà Nội cùng ngày giao dịch tại mức mua vào 22.620 đồng/USD, bán ra vào khoảng 22.670 đồng/USD, giảm 30 đồng chiều mua vào và 10 đồng bán ra so với cuối tuần trước.

Lãi suất vẫn bị áp lực

Như vậy suốt từ tuần qua đến nay, tỉ giá trong nước có phần bớt “nóng” và có dấu  hiệu ổn định trở lại. Tuy nhiên, lãi suất vẫn đang bị áp lực khi một số ngân hàng thương mại bắt đầu tăng nhẹ lãi suất tiền gửi kỳ hạn ngắn.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho biết, việc tăng nhẹ lãi suất tiền gửi kỳ hạn ngắn của các ngân hàng thời điểm này là “bình thường” để đáp ứng nhu cầu vay vốn từ các ngân hàng đang có xu hướng tăng lên, đặc biệt là trong các tháng cuối năm.

"Các ngân hàng phải tăng nhẹ lãi suất để thu hút vốn cung cấp cho thị trường nên chúng ta không nên “đặt quá” vấn đề này. Tôi cho rằng, chênh lệch lãi suất USD/VND hiện ở mức 4-5% đã có thể bảo đảm hài hòa lợi ích của người gửi tiền và phù hợp với các điều hành chính sách tiền tệ hiện nay mà chưa có gì phải lo lắng", ông Phong nói.

Trao đổi với báo chí, PGS.TS Trần Hoàng Ngân - thành viên Hội đồng Chính sách tiền tệ Quốc gia - cũng cho rằng, với lãi suất tiền gửi VND phổ biến 4,5-7%/năm đã bảo đảm lãi suất thực dương cho người gửi tiền, lãi suất cho vay phổ biến 6-10%/năm là hợp lý. Vì thế, các ngân hàng nên giữ nguyên các mức lãi suất này để hỗ trợ chi phí sản xuất cho doanh nghiệp.

Ông Ngân cũng khuyến nghị các ngân hàng nên duy trì lãi suất tiền gửi VND 4-7%/năm, bảo đảm lãi suất cho vay phổ biến từ 6-10%/năm để không tăng thêm chi phí sản xuất của doanh nghiệp.

Để tránh việc người dân có thể ồ ạt rút tiền chuyển sang vàng và USD, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, Việt Nam cần kiểm soát tốt lạm phát theo đúng mục tiêu đã đặt ra. Đồng thời, phải đảm bảo một mức lãi suất tiền gửi sinh lời cho người dân.

Lạm phát 8 tháng đầu năm nay đang ở mức thấp, tạo điều kiện cho việc duy trì lãi suất ổn định của các ngân hàng với nền kinh tế. Với các chi phí đầu vào của nền kinh tế đang giảm như hiện nay, Nhà nước cần kiểm soát tốt giá cả để các doanh nghiệp tranh thủ phục hồi sản xuất, người dân có cơ hội được giảm giá thêm nhiều các sản phẩm để tạo niềm tin với nền kinh tế và đồng tiền trong nước…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mai Hương ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN