Hòa Bình: Một xã có gần 10 dự án 'treo'

Nhiều dự án bất động sản kết hợp du lịch sinh thái tại tỉnh Hòa Bình sau gần chục năm triển khai vẫn chỉ là khu đất hoang. Riêng xã Tân Vinh huyện Lương Sơn đã có gần chục dự án đắp chiếu, bỏ hoang đất...

“Thung lũng Nữ hoàng” cỏ mọc hoang

Nằm ngay trên mặt đường quốc lộ 6 có vị trí vào hàng đẹp nhất huyện Lương Sơn và mặc dù mang cái tên hết sức thơ mộng và kiêu sa “Thung lũng Nữ hoàng” nhưng gần chục năm qua khu du lịch sinh thái này gần như đắp chiếu, không có hoạt động gì đáng kể.

Để cận cảnh dự án du lịch sinh thái thuộc hàng lớn nhất tỉnh Hòa Bình này, chúng tôi được cán bộ địa chính xã Lâm Sơn đưa vào thực địa. Hiện ra trước mắt, là cả một vùng đồi rừng rộng bát ngát vẫn hết sức hoang vắng, không có hình bóng của bất cứ du khách nào.

Đi sâu vào bên trong nằm dọc theo con đường dốc lên đồi phía trái là 4-5 căn nhà thấp tầng mà phải vạch lá trèo tường chúng tôi mới nhìn rõ vì cây cối rậm rạp và dây leo bám kín cả đường vào.

Anh cán bộ địa chính xã Lâm Sơn cho biết, khu nhà nghỉ trước đây cho thuê một thời gian rất ngắn rồi lại đóng cửa bỏ hoang cho đến nay. Đây cũng là hoạt động duy nhất của dự án diện tích chiếm đất lên tới 141,7 ha này.

Ông Hoàng Ngọc Kiều, Chủ tịch UBND xã Lâm Sơn cho biết, tháng 6/2004, UBND tỉnh Hòa Bình đã ra quyết định thu hồi 141,7 ha đất tại xã Lâm Sơn do Nông trường Cửu Long, Lâm trường Lương Sơn và của cả các hộ gia đình đang sản xuất để giao cho Công ty CP Đầu tư và Du lịch Bạch Đằng thuê 50 năm thực hiện dự án khu du lịch Làng văn hoá các dân tộc Hòa Bình.

Sau nhiều năm triển khai ì ạch, cách đây mấy năm dự án này được chuyển giao cho Công ty CP Du lịch Thung lũng Nữ hoàng để xây dựng dự án khu nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí Thung lũng Nữ hoàng. Tuy nhiên từ đó đến nay, gần như toàn bộ 141,7 ha đất sau khi thu hồi vẫn để hoang cỏ mọc.

Cách dự án thung lũng Nữ hoàng không xa cũng nằm trên mặt đường quốc lộ 6 phải kể đến là khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp Lâm Sơn có chủ đầu tư là Công ty CP Archi Reenco Hòa Bình.

Mặc dù được UBND tỉnh Hoà Bình phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 từ tháng 7/2009 và cấp giấy chứng nhận đầu tư tháng 6/2010 nhưng đến nay ngoài một đoạn đường nội bộ đã san lấp còn lại tất cả các hạng mục khác đều “án binh bất động”.

UBND xã Lâm Sơn cho biết dự án này có diện tích 66ha và hầu hết là đất rừng do Lâm trường Lương Sơn trước đây quản lý sử dụng. Ngoài ra, mật độ dự án bất động sản kết hợp du lịch sinh thái thuộc hàng cao nhất tỉnh Hoà Bình phải kể đến xã Tân Vinh huyện Lương Sơn với 9 dự án lớn nhỏ. UBND xã Tân Vinh cho biết, khoảng hơn 1.000 ha đất lâm nghiệp và đất vườn sản xuất đã nằm trong khu vực quy hoạch làm dự án.

Du lịch sinh thái chỉ là bánh vẽ?

Hòa Bình: Một xã có gần 10 dự án 'treo' - 1
Bà Bùi Thị Thảo, xã Tân Vinh cho biết dự án thì nhiều nhưng người dân không được hưởng lợi.

Trong tất cả các thuyết minh, quy hoạch chi tiết của hàng chục dự án khu du lịch sinh thái nêu trên đều nói rất hay rằng xây dựng dự án nhằm đánh thức tiềm năng thế mạnh về du lịch sinh thái của tỉnh miền núi Hòa Bình với đầy đủ các hạng mục như biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp, resort hạng sang, nơi vui chơi giải trí, nhà vườn, ngân hàng... thậm chí có dự án còn kết hợp với trồng rừng!

Tuy nhiên hầu hết các dự án này mới chỉ lo “ôm đất” lập dự án chứ chưa biết đến bao giờ mới mang lại những sản phẩm du lịch thực sự, xây dựng được những khu đô thị du lịch sinh thái đúng nghĩa.

Bà Bùi Thị Thảo, trú tại thôn Đồng Tiến, xã Tân Vinh (Lương Sơn) cho biết, nguồn gốc đất của dự án Sunset Villas & Resort và khu đô thị sinh thái Việt Âu là từ đất rừng sản xuất trồng keo, trồng luồng.

Dự án đưa về địa phương thì nhiều nhưng cuộc sống của người dân thì không được cải thiện gì vì mức đền bù quá rẻ và lại rơi vào bỏ hoang nên cũng không thu hút được lao động địa phương.

UBND xã Lâm Sơn cho hay đang từng ngày phải đối mặt với hậu quả từ tình trạng dự án treo tràn lan, điển hình là số lượng đơn thư khiếu nại của người dân về thu hồi đất rất phức tạp, khó giải quyết.

“Người dân thì cần đất sản xuất trong khi dự án treo, bỏ hoang đất tràn lan đang gây ra sự lãng phí rất lớn”-đại diện UBND xã Lâm Sơn nói.

Dự án Sunset Villas & Resort tại xã Tân Vinh huyện Lương Sơn có chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư du lịch Kim Bôi. Tại đây ngoài hai đoạn đường nhỏ mới san lấp, chưa hề có một hạng mục nào được đầu tư nhưng thông tin giới thiệu và rao bán sản phẩm thì đã tràn ngập trên mạng. Tiếp đến là dự án khu đô thị sinh thái Việt Âu tại xã Tân Vinh do Công ty CP Việt Âu Hòa Bình làm chủ đầu tư trong tình trạng tương tự...

Ông Hoàng Ngọc Kiều, Chủ tịch UBND xã Lâm Sơn cho hay, khi mới liên hệ với địa phương để xin đất lập dự án, làm thủ tục, chủ đầu tư nào cũng rất hoành tráng nhưng đến khi triển khai thì chẳng thấy đâu. Cả 3 dự án bất động sản kết hợp du lịch sinh thái trên địa bàn xã đều trong tình trạng đắp chiếu.

Nhận định về tình trạng dự án treo tràn lan, ông Nguyễn Trung Thành, Chánh Văn phòng UBND huyện Kỳ Sơn cho rằng đang tạo nên sự lãng phí và bất bình đẳng cho các nhà đầu tư.

Trao đổi với PV, Chủ tịch UBND huyện Lương Sơn Nguyễn Quốc Thảo khẳng định, mặc dù địa bàn huyện có khá nhiều dự án bất động sản - du lịch sinh thái nhưng đến nay hầu hết mới ở giai đoạn đầu triển khai, chưa biết đến bao giờ mới cho ra được những sản phẩm phục vụ du lịch thực sự.

Cũng theo ông Thảo, vấn đề cốt yếu là các chủ đầu tư đều không có tiền, năng lực tài chính quá yếu nên dự án đành bỏ dở. “Với những dự án đã cấp phép gần chục năm mà vẫn không triển khai mà tại sao địa phương không thu hồi, xử lý?”-phóng viên đặt câu hỏi.

Ông Thảo cho rằng, thẩm định năng lực nhà đầu tư không thuộc trách nhiệm của huyện mà thuộc trách nhiệm của các sở ngành tham mưu cho UBND tỉnh. “Khi nhà đầu tư mới vào thì họ nói rất hay.

Thực tế có trường hợp xin đất để làm nhưng cũng có trường hợp xin đất để mà chuyển nhượng lại. Tôi cho rằng cần thẩm định dự án đúng trình tự thủ tục và đặc biệt là phải đánh giá đúng năng lực nhà đầu tư”-ông Thảo kiến nghị.

Hoà Bình hiện có 69 dự án đô thị, khu dân cư, đô thị sinh thái với diện tích lên tới 7.439 ha. Trong đó, riêng tại xã Tân Vinh, huyện Lương Sơn có 4 dự án từ lâu đã được UBND tỉnh Hoà Bình phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 như: dự án khu đô thị sinh thái Việt Âu 25 ha, dự án xây dựng khu biệt thự sinh thái Tân Vinh 30 ha của Công ty CP Đầu tư Quốc tế Mỹ Đình, dự án khu đô thị sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp Đông Trường Sơn 98 ha của Công ty CP Đầu tư Renco Sông Hồng, dự án làng sinh thái Việt Xanh 49,9ha của Công ty CP Đầu tư Bất động sản Việt Nam.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Minh Tuấn (Báo Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN