Hàng loạt sàn BĐS bỗng dưng biến mất

Sau thời gian dài hoạt động lay lắt, nhiều sàn bất động sản đã buộc phải đóng cửa, không ít sàn đã biến mất một cách lặng lẽ.

Đã thành thông lệ tháng ngâu luôn là ám ảnh của dân kinh doanh bất động sản, với tình hình thị trường như hiện nay dân nhà đất tỏ ra e ngại sẽ kéo dài tình trạng này đến cuối năm. Thị trường ảm đạm cùng những sức ép về kinh tế đã khiến cho hàng loạt sàn bất động sản đóng cửa. Trong khi đó những sàn còn trụ lại đến thời điểm này chỉ còn lác đác vài nhân sự và hoạt động cầm chừng.

Điển hình như sàn bất động sản Đ.C tại Yên Hòa, sau buổi khai trương hoành tráng cách đây chưa đầy một năm, sàn đã đóng cửa hoạt động. Giám đốc sàn này đã từng tự tin khi đại diện bán hàng cho nhiều dự án từ trong nam đến ngoài bắc. Cái tên sàn Đ.C, dân bất động sản vừa nghe tới, nay đã đi vào dĩ vãng.

Hàng loạt sàn BĐS bỗng dưng biến mất - 1

Thị trường ảm đạm cùng những sức ép về kinh tế đã khiến cho hàng loạt sàn bất động sản đóng cửa.

Ông chủ sàn này trong ngày thanh lý hợp đồng thuê nhà để chuyển về bán văn phòng phẩm với vợ tâm sự: “Thị trường bất động sản gặp khó khăn trong thời gian dài, không ít văn phòng nhà đất, sàn bất động sản, nợ đọng đối tác đã lên tới hàng tỷ đồng. Không thể duy trì hoạt động, nhiều trung tâm, văn phòng nhà đất tìm đến cánh đóng cửa như một giải pháp tốt nhất nếu không muốn thua lỗ thêm. Sàn của tôi đóng cửa, sau khi đã cầm cự hơn 1 năm qua, 12 nhân viên cứ rơi rụng dần”.

Trở lại nhiều khu vực sôi động các sàn bất động sản như Nguyễn Thị Định, Trung Hòa Nhân Chính hay Lê Văn Lương, Hà Đông,… số lượng các sàn bất động sản còn hoạt động chỉ lác đác, không còn cảnh ô tô của khách, xe máy của nhân viên nhộn nhịp đỗ cửa.

Dọc tuyến đường Lê Văn Lương kéo dài có hơn 40 văn phòng nhà đất thì có đến hơn 2/3 đóng cửa, không hoạt động. Nhiều sàn giao dịch và trung tâm nhà đất trên đường Lê Văn Lương chuyển thành cửa hàng kinh doanh cà phê, karaoke, cửa hàng buôn bán ô tô…, cá biệt có một số sàn giao dịch treo biển cho thuê cửa hàng.

Hiện tại, các sàn bất động sản còn hoạt động chủ yếu “dựa” hơi từ chủ đầu tư hay một phần chuyển sang kinh doanh lĩnh vực khác để chờ thời.

Hàng loạt sàn BĐS bỗng dưng biến mất - 2


Ông Lê Ngọc Quỳnh, Giám đốc Sàn giao dịch BĐS nhadat24h.net, chia sẻ, sàn của ông cũng chỉ còn 15% số nhân sự. Sàn Nhadat24h từng là một sàn khá quy mô, nhưng thời gian qua hoạt động cũng không mấy hiệu quả, thu không đủ bù chi. Hay, sàn giao dịch bất động sản DTJ, ngoài việc môi giới mua bán BĐS, còn tham gia kinh doanh lĩnh vực nội thất, vật liệu xây dựng và sản xuất.

Sàn Sohovietnam còn triển khai dịch vụ tư vấn và môi giới mua bán, chuyển đổi hay góp vốn đầu tư các dự án với chủng loại rất đa dạng như dự án căn hộ, dự án khách sạn, dự án resot, dự án nhà xưởng công nghiệp…

Theo báo cáo của cơ quan quản lý, giao dịch địa ốc tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh trong 6 tháng đầu năm 2012 đều trầm lắng. Tình hình giao dịch kể cả thông qua hệ thống các sàn giao dịch bất động sản và giao dịch không thông qua sàn rất mờ nhạt. Giao dịch thành công không nhiều, phần lớn những nhà đầu tư nhỏ lẻ chưa có niềm tin vào thị trường và vẫn còn tâm lý chờ giá hạ thêm.

Báo cáo mới đây của Sở Xây dựng Hà Nội, có 122 trên tổng số 500 sàn giao dịch bất động sản không hoạt động tại Hà Nội, và hơn 200 sàn ghi nhận không có bất kỳ giao dịch thành công. Phần còn lại chỉ thực hiện một vài giao dịch thành công.

Theo ông Trần Hợp Dũng, Sở Xây dựng Hà Nội, hầu hết các sàn giao dịch được thành lập bởi các chủ dự án để bán sản phẩm của mình. Vì vậy, khả năng cạnh tranh còn thấp, nhu cầu chia sẻ thông tin là không cao, cộng với các sàn giao dịch thiếu chiến lược dài hạn.

Ông Nguyễn Hoàng Nam, sàn Info - Ocean Group cho biết, sàn cũng gặp những khó khăn trong thời gian vừa qua. Trong những thời điểm khó khăn nhất để vẫn trụ vững cần phải đưa ra các sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường.

Theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, trong lúc này, các doanh nghiệp cần bình tĩnh, nhìn toàn diện, tổng thể thị trường, phân tích các nguyên nhân, tồn tại của thị trường và phải can đảm, phải vững vàng để vượt qua khó khăn, chứ không ngã lòng, chán nản, và phải khôn ngoan lựa chọn các giải pháp như cấu trúc lại doanh nghiệp, cơ cấu lại sản phẩm cho phù hợp với nhu cầu của thị trường hoặc liên doanh liên kết để trụ vững, cùng nhau vượt qua khó khăn này...
 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Duy Anh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN