Giảm lãi suất vay: "Bán tín, bán nghi"

Hôm qua, 11-7, nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) công bố thực hiện giảm lãi suất về mức 15%/năm với các khoản cho vay cũ theo chỉ đạo của Thống đốc Nguyễn Văn Bình. Việc giảm lãi suất này khiến NHTM giảm lãi hàng ngàn tỷ, nhưng cũng giúp chính họ giảm được nợ xấu đang tăng nhanh. Còn DN vẫn "bán tín, bán nghi”.

Chủ động giảm lãi suất

Chủ tịch HĐQT Vietinbank Phạm Huy Hùng cho biết, ngân hàng này đã có văn bản chỉ đạo toàn hệ thống thực hiện rà soát dư nợ các khoản vay cũ, điều chỉnh giảm lãi suất về mức 15%/năm (từ 15-7) để chia sẻ khó khăn đối với doanh nghiệp và hộ dân.

Đồng thời yêu cầu các chi nhánh chủ động phối hợp với khách hàng vay để rà soát, đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng, thực hiện các giải pháp cơ cấu lại thời hạn nợ nhằm hỗ trợ khách hàng...

Trước thực tế lãi suất hạ nhưng nhiều DN đã quá yếu không còn "sức" , ông Hùng nói: "Với một số trường hợp cụ thể, Vietinbank chủ động áp dụng chính sách tạm hoãn trả lãi (tính sau), tuy nhiên số này không nhiều".

“Việc NHNN yêu cầu các NHTM hạ lãi suất nợ cũ xuống 15%/năm chưa phải là quyết định hành chính có tính chất bắt buộc, do đó các NHTM có thể viện lý do này, lý do nọ để không hạ lãi suất như yêu cầu của NHNN, giống như họ đã từng và đang viện nhiều lý do để không hạ lãi suất cho vay mới, dù NHNN đã nhiều lần công bố hạ lãi suất cho vay. Vì thế NHNN phải thể hiện được tính nghiêm minh đối với những chính sách, quyết định đã ban bố".

Ông Trần Minh Loan, TGĐ Cty dầu khí An Pha

Cùng ngày Agribank, Vietcombank, SHB cũng công bố sẵn sàng thực hiện chương trình giảm lãi suất các khoản vay cũ xuống 15%/năm. Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, bước đầu đã có 4 NHTM Nhà nước và 7 NHTM tư nhân bắt tay vào thực hiện giảm lãi suất khoản vay cũ về 15%/năm.

Tại Agribank, lãi suất tối đa khoản vay cũ và mới của ngân hàng này là 15%/năm.

với khách hàng vay gặp khó khăn về tài chính và khả năng trả nợ, các chi nhánh thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, tiếp tục cho vay mới (nếu có phương án, dự án sản xuất - kinh doanh khả thi, có hiệu quả)...

Trao đổi với PV, một lãnh đạo Vụ chính sách tiền tệ NHNN cho biết: NHNN đã có thông báo về kết luận chỉ đạo của Thống đốc về một số nội dung trong hội nghị ngành ngân hàng 6 tháng đầu năm, trong đó có chỉ đạo các NHTM hạ lãi suất các khoản vay cũ về dưới 15%/năm.

Kéo giảm nợ xấu ngân hàng

Giảm lãi suất vay: "Bán tín, bán nghi" - 1

Động thái giảm lãi suất cho vay cũ liệu có vực dậy các doanh nghiệp đang chết lâm sàng?

Mặc dù rất phấn khởi khi nghe tin lãi suất cho vay với các khoản nợ cũ sẽ được kéo xuống tối đa 15%/năm và được thực hiện ngay từ 15-7, nhưng không ít DN bày tỏ sự lo lắng xen lẫn hoài nghi.

"Tinh thần là NHNN vẫn đang đôn đốc để các ngân NHTM chủ động tự điều chỉnh lãi suất. Để thực hiện các NHTM phải ngồi rà soát lại toàn hệ thống, cân đối các khoản vay. Sắp tới, NHNN sẽ có cuộc làm việc với các NHTM tại hai địa bàn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh để lắng nghe và cùng các ngân hàng tháo gỡ những khó khăn, làm sao thực hiện được nghiêm túc chủ trương này của NHNN"-
Vị quan chức này nói.

Ông Phạm Văn Minh-Giám đốc Cty TNHH TM&CN thực phẩm Phú An Sinh (TP.HCM) đã gấp rút liên hệ với Ngân hàng TMCP Nam Việt (Navibank) để tìm hiểu thì nhận được câu trả lời: Sẽ giảm sau ngày 15-7, nhưng cụ thể lúc nào giảm và mức giảm thế nào thì chưa biết.

Ông Minh cho hay, năm 2010, để đầu tư xây dựng một nhà máy chế biến thực phẩm, ông đã vay của Navibank 13 tỷ đồng vốn trung và dài hạn, với lãi suất 18,5%/năm. Vì lãi suất thả nổi nên có những thời điểm được điều chỉnh lên đến 20-21%/năm. Điều đáng nói là nhiều khi mặt bằng lãi suất thị trường giảm nhiều lần nhưng ngân hàng không giảm theo.

"Tôi đã hai lần kiến nghị giảm lãi suất nhưng không được trả lời thỏa đáng. Vì lãi suất quá cao nên 3 tháng quá công ty chưa trả được lãi và bị ngân hàng đưa vào nhóm nợ xấu đồng thời đòi thanh lý tài sản thế chấp. Trong tháng 6 vừa qua, ông Minh cũng ký hợp đồng vay đáo hạn của NH Quốc tế (VIB) 3,6 tỷ đồng, trong đó khoảng 300 triệu đồng là lãi suất 16,5%, phần còn lại phải chịu lãi suất 18,5%.

"Nghe hạ lãi suất cũ thì rất mừng, nhưng không chắc được. Ngân hàng nắm đằng chuôi, ban ân huệ tới đâu thì biết tới đó. Còn để được hạ lãi suất xuống 12 hay 13%, thú thực tôi không dám nghĩ tới"- ông Minh nói.

Ông Nguyễn Văn Đực-Phó giám đốc Cty địa ốc Đất Lành cũng bày tỏ: Việc NHNN yêu cầu giảm lãi suất nợ vay cũ xuống 15% là một tin vui nhưng chưa hẳn đã mừng, bởi đây không phải là một chính sách có tính pháp quy, bắt buộc phải thực hiện, mà chỉ là một thỏa thuận để các ngân hàng tự nguyện thực hiện.

"Đến chính sách bằng giấy trắng mực đen còn có độ trễ từ vài tháng trở lên, nhưng có khi không bao giờ diễn ra, huống chi đây chỉ là một khuyến nghị.

DN đã quá thất vọng với các NHTM suốt 3 năm nay, mỗi lần hạ lãi suất, họ xuống rất đủng đỉnh, nhưng mặt bằng lãi suất lên là ngay lập tức họ điều chỉnh lên, do đó chờ đợi lãi suất các khoản vay cũ xuống 12 hay 14% là hy vọng rất mong manh"- ông Đực bày tỏ.

Ông Đực cho rằng, quan hệ ngân hàng và DN không bình đẳng mà là quan hệ mang tính chủ tớ. DN coi ngân hàng như ông vua, xin gặp mặt đã khó, thương lượng càng khó khăn hơn. Từ đó ngân hàng áp đặt mọi thứ, từ lãi suất đến tiến độ giải ngân…

Theo ông Đực, phần lớn các DN đều phụ thuộc vào nguồn vốn vay ngân hàng, riêng lĩnh vực bất động sản, vốn tự có của DN chỉ 10-20%, vốn vay chiếm 30-40%, số còn lại là vốn ứng trước từ khách hàng.

Tuy nhiên, thời gian qua không bán được hàng nên hầu hết DN phải phụ thuộc vào vốn ngân hàng để tồn tại.

Theo TS.Phạm Kinh Luân, chuyên gia phân tích kinh tế độc lập: Việc giảm lãi suất nợ cũ sẽ có tác động tốt đối với DN, nhưng chỉ với doanh nghiệp có doanh thu, trả được nợ.

với 70% DN còn lại, chính sách này thực sự không phát huy tác dụng. Khi NHNN hạ lãi suất nợ cũ xuống 15%, vô tình các DN thua lỗ giúp NHTM "vẽ" lại bản đồ nợ xấu.

Hiện tại, tỷ lệ nợ xấu của các NH rất cao, khi lãi suất nợ cũ hạ xuống 15%, tốc độ tăng tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng chậm lại.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đại Dương - Khánh Huyền (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN