Gần 300 nghìn người được trả trợ cấp thất nghiệp

BHXH Việt Nam cho biết, đã chi trả trợ cấp thất nghiệp (TCTN) cho 298.200 người và hỗ trợ học nghề cho 1.406 người. Trong khi đó, nợ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) lại phổ biến nhất là ở khối hành chính sự nghiệp.

Số người tham gia tăng cao

BHXH Việt Nam cho biết, việc chi trả trợ cấp thất nghiệp bắt đầu thực hiện từ tháng 1-2010 trở đi.

Số người hưởng TCTN hàng năm tăng nhanh (năm 2011 tăng 160% so với năm 2010; quý I năm 2012 tăng 50% so với cùng kỳ). Đối tượng hưởng chủ yếu là những người có thời gian đóng BHTN từ đủ 12 đến 36 tháng, trong đó lao động nữ chiếm 60%.

Số người tham gia BHTN tăng nhanh qua các năm. Nếu như năm 2009 là hơn 5,4 triệu người thì đến các năm 2010, 2011, 8 tháng đầu năm 2012 lần lượt là 7,2 triệu người - 7,9 triệu người và 8 triệu người.

Tổng số thu BHTN cũng tăng theo các năm; riêng 8 tháng đầu năm đã thu được hơn 4.000 tỷ BHTN.

Theo kết quả chi trả BHTN của BHXH Việt Nam, 8 tháng đầu năm 2012 đã chi trả TCTN cho 298.200 người với số tiền 1.411.233 nghìn đồng; hỗ trợ học nghề cho 1.406 người với số tiền 1.472 nghìn đồng.

Điều đáng nói là, kinh phí chi trả BHTN mới chủ yếu là chi TCTN, số người học nghề chiếm tỷ lệ rất thấp và chưa hiệu quả (năm 2010: chi có 0,04% số người và 0,05% số tiền chi cho học nghề; năm 2011 tỷ lệ này là 0,11% và 0,04%). Chính vì thế, số lượng người học nghề rất ít, chỉ bằng 0,2% so với tổng số người hưởng TCTN.

Trong khi đó, về chi hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm lại do Trung tâm giới thiệu việc làm thuộc Sở LĐ-TB&XH các tỉnh thực hiện.

Lãnh đạo BHXH Việt Nam cho rằng, chính sách BHTN mới áp dụng thực hiện từ ngày 1-1-2009 nhưng đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, có tác động trực tiếp đến người lao động, người sử dụng lao động và vấn đề an sinh xã hội.

Chính sách này nhằm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật, đồng thời góp phần ổn định đời sống và hỗ trợ cho người lao động được học nghề, tìm kiếm việc làm mới phù hợp, sớm đưa họ trở lại làm việc.

Đề xuất cơ quan bảo hiểm đứng ra chi trả TCTN

Theo ông Điều Bá Được - Trưởng ban thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam) cho biết, nợ BHTN phổ biến nhất là ở khối hành chính sự nghiệp.

Nguyên nhân là vì cơ quan tài chính chưa bố trí hoặc chưa cấp, cấp chưa đủ, chậm cấp kinh phí phần 1% trách nhiệm đóng BHTN của người sử dụng lao động để đơn vị đóng theo quy định, phần hỗ trợ quỹ BHTN 1% của ngân sách địa phương cũng còn vướng mắc.

Cũng theo ông Được, quy trình chi trả TCTN hiện chưa thực sự thuận lợi cho người lao động, do phải đi lại nhiều lần giữa hai cơ quan: làm thủ tục đăng ký thất nghiệp ban đầu, hàng tháng thông báo tình trạng việc làm với Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh, thành phố và nhận TCTN tại cơ quan BHXH (nhất là nơi chưa có cây rút tiền tự động ATM).

Ngoài ra, thời hạn đăng ký thất nghiệp và nộp hồ sơ hưởng BHTN quá ngắn nên trong nhiều trường hợp người lao động không kịp thực hiện thủ tục, không đủ thời gian tìm việc làm mới, gây sức ép về thời gian cho cả người lao động và cơ quan tổ chức thực hiện.

Một lãnh đạo BHXH Việt Nam cho biết, ở một số địa phương, việc phối hợp giữa cơ quan lao động và cơ quan BHXH trong thực hiện chính sách BHTN còn chưa chặt chẽ, dễ dẫn đến việc giải quyết hưởng còn chậm trễ hoặc sai sót trong tính toán mức trợ cấp, thông tin về người lao động, dẫn đến người lao động còn đi lại nhiều lần.

“Để việc thực hiện BHTN hiệu quả, BHXH Việt Nam đang đề nghị với Chính phủ quy định chặt chẽ hơn về điều kiện hưởng BHTN cho phù hợp thực tế để ngăn chặn tình trạng lạm dụng quỹ BHTN. Hướng dẫn rõ trường hợp được coi là bị mất việc làm, chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc”- vị lãnh đạo này nói.

Cũng theo vị lãnh đạo này, tới đây cần sửa đổi quy trình giải quyết chế độ BHTN theo hướng cơ quan BHXH tiếp nhận hồ sơ, giải quyết và chi trả TCTN, cấp thẻ BHYT cho người lao động.

Trung tâm giới thiệu việc làm thực hiện tư vấn, giới thiệu việc làm và học nghề cho người lao động. Sở LĐ-TB&XH xác nhận tình trạng mất việc, thất nghiệp đối với người lao động. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phong Cầm (Báo Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN