Doanh nhân Mỹ cầu cạnh vốn Trung Quốc

Những nhà đầu tư Trung Quốc đang được chào đón như những vị khách quan trọng trên đất Mỹ. Đơn giản, doanh nghiệp (DN) Mỹ đang cần nguồn vốn từ Trung Quốc.

Đón vốn từ Trung Quốc

Ông Sun Wenbin và 60 đồng nghiệp của mình là các doanh nhân từ Trung Quốc đã được chào đón nồng hậu trong chuyến thăm vừa qua tại Mỹ. Họ trở thành những vị khách quý, nhận được sự đón tiếp nhiệt tình của cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush cũng như sự săn đón, mời gọi của một loạt công ty Mỹ. Đây được xem là một phần trong nỗ lực của chính quyền địa phương Mỹ nhằm thu hút các nhà đầu tư từ Trung Quốc.

Ông Sun Wenbin - 50 tuổi, doanh nhân sở hữu 11 cửa hàng điện tử tại Handan, cách Bắc Kinh 3 giờ đi tàu cho biết, trong chuyến đi, ông thực sự ấn tượng với một số sản phẩm công nghệ tại Mỹ.

Tuy nhiên, ông Sun cũng lo ngại rằng, đối với nhiều doanh nhân Trung Quốc đã tạo ra khối tài sản lớn trong thời gian bùng nổ kinh tế ở Trung Quốc thì những cơ hội đầu tư hiện tại chưa thực sự hấp dẫn bởi họ sẽ phải mất nhiều thời gian để kiếm được mức lợi nhuận tương đối. Sau khi trở lại Trung Quốc, ông Sun nói chưa có dự án nào đáp ứng được những tiêu chuẩn đầu tư của ông vì triển vọng lợi nhuận quá thấp.

Khi mà cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu leo thang, người ta nghĩ các công ty giàu tiền mặt của Trung Quốc sẽ tăng cường thâu tóm hoặc mua đứt những doanh nghiệp khó khăn tại các nền kinh tế bị thương nặng tại phương Tây. Nhưng thay vì thế, họ lại tìm mua những nguồn tài nguyên thiên nhiên tại khu vực đang phát triển.

Giờ đây, người Mỹ đang tích cực vận động nhằm mời gọi các nhà đầu tư Trung Quốc bởi triển vọng vốn có thể khai thác là rất lớn. Theo các nhà tổ chức thì riêng nhóm của ông Sun đã có thể đầu tư hơn 1 tỷ USD. Đó chính là lý do tại sao các bang cạn tiền mặt của Mỹ lại ân cần săn đón họ đến vậy.

Trong chuyến thăm này, nhóm có cơ hội được gặp mặt các thống đốc của các bang lớn như Wisconsin, Texas và Florida. Các nhà lãnh đạo tại đây bày tỏ mong muốn được đón nhận nhiều hơn nữa sự quan tâm của các nhà đầu tư Trung Quốc.

Doanh nhân Mỹ cầu cạnh vốn Trung Quốc - 1
Nhà đầu tư Trung Quốc Shen Youqiang và lái chiếc xe máy sản xuất tại công ty Erik Buell Racing, bang Wisconsin

Đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ đã và đang trong xu hướng gia tăng. Theo Rhodium Group, tổ chức tư vấn New York theo sát hoạt động đầu tư của Trung Quốc thì các công ty Trung Quốc đã đầu tư 6,3 tỷ USD vào các dự án cũng như công ty Mỹ trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 9, nhiều hơn so với con số kỷ lục 5,8 tỷ USD trong cả năm 2010.

Nguy cơ ẩn sau dòng vốn

Tuy nhiên thử thách vẫn hiện hữu. Một trong số đó là việc nhiều người Trung Quốc chưa bao giờ đầu tư ra nước ngoài.

Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư Trung Quốc cảm thấy không được chào đón tại Mỹ. Vào cuối tháng 9 vừa qua, do lo sợ về vấn đề an ninh quốc gia, chính quyền của Tổng thống Obama đã ngăn chặn thương vụ mua 4 dự án trang trại gió tại Oregon với một công ty do hai công dân Trung Quốc làm chủ. Một tuần sau đó, một báo cáo của quốc hội đã cảnh báo rằng, thiết bị viễn thông được sản xuất bởi các công ty Trung Quốc là Huawei Technologies và ZTE có khả năng đe dọa tới an ninh nước này.

Tuy nhiên, mọi thứ đang thay đổi. “Các thỏa thuận được thực hiện dễ dàng hơn bởi phía Mỹ đang thể hiện tâm lý cởi mở hơn, một phần vì nhu cầu về nguồn vốn của họ”, Hanson Li, người đứng đầu văn phòng đại diện một ngân hàng đầu tư Trung Quốc cho biết.

Chuyến thăm của nhóm doanh nhân vừa qua do công ty tư nhân Trung Quốc Piyi Investment Co tổ chức. Piyi Investment Co vừa mở văn phòng nước ngoài đầu tiên tại Trump Building, phố Wall. Khi gần kết thúc chuyến thăm, nhóm này cũng đã được Bộ Ngoại giao Mỹ đón tiếp tại Washington, D.C.

Nhóm đã gặp gỡ hơn 100 công ty trong đó có một hãng hàng không bình dân ở Florida, một sân golf tại Texas, và một công ty sản xuất năng lượng từ chất thải công nghiệp tại Oregon.

Theo báo cáo của Piyi, các công ty có nguyện vọng được hỗ trợ tài chính từ vài triệu USD đến 275 triệu USD chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực y tế, nông nghiệp, công nghệ môi trường như xử lý nước thải, tất cả các lĩnh vực mà Trung Quốc đang cố gắng thúc đẩy. Ngoài ra cũng có những DN bất động sản.

Ông Scott Mosley, nhà điều hành hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài tại nhóm phát triển kinh tế Wisconsin cho biết, "Tôi nghĩ rằng, thử thách lớn nhất đối với việc hợp tác giữa các doanh nghiệp Mỹ và nhà đầu tư Trung Quốc là tạo ra được một môi trường tốt nơi mà mỗi bên có thể thích nghi và phát huy được khả năng cũng như tiềm lực của mình một cách tốt nhất”. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hung Ninh (VietNamNet)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN