Doanh nghiệp vay Euro sẽ chịu rủi ro lỗ tỷ giá vì Brexit?

Sau sự kiện Brexit vào cuối tuần qua, trên thị trường chứng khoán, các mã bluechip và cổ phiếu của doanh nghiệp xuất khẩu sang EU sẽ chịu tác động ngắn hạn. Những doanh nghiệp có khoản vay bằng Euro hay JPY có thể sẽ phải chịu rủi ro về lỗ tỷ giá.

Theo ông Fiachra Mac Cana, Giám đốc điều hành, Phụ trách Nghiên cứu Công ty chứng khoán HCM, cho rằng, quá trình Anh rời khỏi EU có thể mất khoảng 2 năm và sẽ khó có thể đánh giá tác động trong trung và dài hạn.

Với việc mất khoảng 2 năm để “dứt tình” với EU, nước Anh có lẽ sẽ phải đàm phán với  phần còn lại của thị trường chung châu Âu nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực về mặt kinh tế. Tuy nhiên, việc Anh rời EU có thể khiến các quốc gia khác như Đan Mạch và Cộng hòa Séc sẽ yêu cầu tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý tương tự. Và có thể phe chống lại việc ở lại EU trên khắp châu Âu cũng sẽ lên tiếng về việc rởi khỏi EU. Ông Fiachra Mac Cana lo ngại điều này sẽ dẫn đến một thời gian dài bất ổn trong nội bộ EU và sẽ ảnh hưởng đến đồng Euro, gây rủi ro đối với nền kinh tế thế giới trong trung hạn.

“Chúng tôi lo ngại trong trung hạn nhà đầu tư sẽ có xu hướng tìm đến những đồng tiền an toàn như USD và JPY. Đồng thời tâm lý tránh rủi ro tại các thị trường chứng khoán sơ khai và mới nổi cũng sẽ tăng lên”.

Doanh nghiệp vay Euro sẽ chịu rủi ro lỗ tỷ giá vì Brexit? - 1

hững doanh nghiệp có khoản vay bằng Euro hay JPY có thể sẽ phải chịu rủi ro về lỗ tỷ giá. Ảnh minh họa

Cũng theo ông Fiachra Mac Cana, ảnh hưởng trực tiếp của Brexit đến kinh tế vĩ mô của Việt Nam là rất nhỏ. Thị trường Anh chỉ chiếm 2,9% tổng kim ngạch xuất khẩu và 0,44% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. Tác động thực sự ở đây là bất ổn về tương lai của EU khi thị trường này chiếm 19,1% kim ngạch xuất khẩu và 6,3% kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam.

Rủi ro chính ở đây là rủi ro tỷ giá, thay vì sự giảm đi của nhu cầu nhập khẩu từ Việt Nam mặc dù nền kinh tế Anh có thể yếu đi trong một khoảng thời gian nhất định. Chẳng hạn, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Anh đã đắt hơn do đồng Bảng giảm giá.

Trên thị trường chứng khoán, các mã bluechip và cổ phiếu của doanh nghiệp có xuất khẩu sang EU sẽ chịu tác động ngắn hạn nhiều hơn. Về từng cổ phiếu cụ thể, ông Fiachra Mac Cana nhận định giá những cổ phiếu sẽ tiếp tục giảm là HVG của Thủy sản Hùng Vương, FMC của Thủy sản Minh Phú, và STK của Sợi Thế Kỷ. Những công ty có khoản vay bằng euro hay JPY như NT2 của Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 và PPC của Nhiệt điện Phả Lại có thể phải chịu rủi ro lỗ tỷ giá vào cuối năm.

Trong phiên giao dịch đầu tuần, 27/06/2016, VN-Index quay đầu tăng nhẹ 0,50 điểm (0,08%) lên 621,27 điểm. Các cổ phiếu: HVG giảm 300 đồng/cp, đóng cửa ở mức 9.500 đồng/cp; FMC giảm 700 đồng, còn 23.400 đồng/cp; NT2 giảm 400 đồng, còn 34.400 đồng/cp; và PPC giảm 300 đồng, còn 14.100 đồng/cp.

Brexit thể hiện cho tâm lý bất mãn nói chung của cử tri tại nhiều nước châu Âu và cả ở Mỹ. Tâm lý này có lẽ cũng sẽ ảnh hưởng đến các cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội tại Mỹ. Các quốc gia đang có xu hướng gần hơn với chủ nghĩa dân tộc và xa hơn với chủ nghĩa quốc tế. “Chúng tôi cho rằng TPP có lẽ sẽ gặp khó khăn nhiều hơn khi thông qua tại Quốc hội do không được cư tri Mỹ nói chung ủng hộ vì đây là một biểu tượng của chủ nghĩa quốc tế, nhiều người cho rằng chủ nghĩa quốc tế làm giảm mức sống và mang đi nhiều việc làm sang các quốc gia phát triển,” ông Fiachra Mac Cana phân tích.

Hiện nói về mối liên hệ giữa Brexit và quá trình thông qua TPP tại Quốc hội các nước là hơi sớm và chưa có gì chắc chắn, nhưng có lẽ Brexit đang cho thấy tâm lý nói chung của cử tri tại các nền kinh tế phát triển.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Tuân (Infonet)
Nước Anh rời Liên minh châu Âu EU Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN