Đô thị sinh thái dùng để... chăn bò!

Mặc dù đã được cấp phép từ nhiều năm nhưng cho đến hiện tại Hà Nội đang có cả trăm dự án lớn vẫn đang nằm án binh bất động.

Đô thị sinh thái... chăn bò!

Trên khắp các quận, huyện ven nội thành Hà Nội như Đông Anh, Mê Linh, Hoài Đức, Đan Phượng, Hà Đông, Quốc Oai ... đang tràn làn các dự án “chết”.

Đơn cử tại huyện Mê Linh, hiện đang có tổng số hơn 40 dự án nhà ở, khu đô thị mới được xây dựng chủ yếu tại các xã Tiền Phong, Tráng Việt, Đại Thịnh, Thanh Lâm với các dự án quy mô lớn từ vài chục đến vài trăm ha như: Khu đô thị Minh Giang Đầm Và, Khu đô thị Tiền Phong, Phúc Việt, Hà Phong, Cienco 5, Chi Đông, Diamond Park New, River land, AIC ... Các dự án được khởi công từ năm 2008 - 2009, nhưng đến nay hạ tầng vẫn dang dở.

Được quảng cáo rầm rộ khu đô thị kiểu mẫu đẹp nhất miền Bắc, nhưng sau 4-5 được giao chủ đầu tư, dự án khu đô thị mới AIC (Mê Linh) rộng gần 100ha đất mới chỉ giải phóng mặt bằng được 50% diện tích. Ngoài ra, chủ đầu tư mới san lấp được một phần diện tích, chưa triển khai làm hạ tầng. Phần lớn diện tích còn lại trong tình trạng hoang hóa, cỏ dại ngập đầu.

Đô thị sinh thái dùng để... chăn bò! - 1

Khu đô thị Cienco5 Mê Linh hoang tàn không một bóng người

Hay như khu đô thị mới Cienco 5 (Mê Linh) rộng gần 50ha, được khởi công từ năm 2005 tuy nhiên đến thời điểm hiện tại vẫn chưa hoàn thành xong hết được hạ tầng. Trong khi đó, các dãy nhà liền kề, biệt thự chưa được các hộ dân mua đất xây nhà vì vậy vẫn ngổn ngang những bãi đất trống hoang tàn.

Còn tại huyện Hoài Đức, một trong những khu vực giáp danh Hà Nội, nơi từng được xem là điểm nóng nhất về nhà đất đang có vài chục dự án bất động sản trong đó có rất nhiều những dự án cũng hoang tàn như Mê Linh.

Đô thị sinh thái dùng để... chăn bò! - 2

Dự án khu đô thị Dầu khí Đức Giang (Hoài Đức) vẫn chỉ trơ trơ một tấm biển

Theo ban giải phóng mặt bằng huyện Hoài Đức, số lượng dự án nhà ở, khu đô thị nằm trên địa bàn huyện 14 dự án. Tuy nhiên, số dự án đã hoàn thành xong nhà chỉ lác đác vài dự án như Lideco, Bắc An Khánh...Số còn lại đã giải phóng xong mặt bằng từ lâu nhưng các chủ đầu tư không xây dựng.

Rộng gần 80 ha, khu đô thị mới Dầu khí Đức Giang của công ty CP Bất động sản Tài chính dầu khí Việt Nam là một ví dụ điển hình. Dự án đã được chính quyền UBND tỉnh Hà Tây (cũ) phê duyệt từ năm 2008 với định hướng phát triển là khu đô thị hiện đại, có không gian sống lý tưởng, thân thiện với môi trường, các dịch vụ công cộng, trường học, mặt hồ, cây xanh, khu vui chơi giải trí...Tuy nhiên, thời điểm hiện tại dự án vẫn bất động, toàn bộ diện tích đất vẫn đang được người dân canh tác trồng lúa.

Cũng nằm trên địa bàn huyện Hoài Đức, dự án Nam An Khánh vốn được xếp vào diện siêu đô thị và đã được UBND tỉnh Hà Tây cũ phê duyệt từ năm 2005. Trải qua 7 năm với bao sóng gió hiện tiến độ thực hiện dự án vẫn rất chậm chạp.

Theo báo cáo của chủ đầu tư, dự án đã giải phóng mặt bằng được 184,2 ha trên 189,7 ha đất được giao, đã san nền toàn bộ 184,2 ha, thi công hệ thống đường chính, đường nội bộ, hệ thống cấp thoát nước, điện chiếu sáng trên diện tích 59 ha (giai đoạn I). Tuy nhiên, trên các phần đất chưa triển khai, người dân đang tranh thủ chăn trâu, bò.

Tại huyện Phúc Thọ, có dự án Vườn sinh thái Cẩm Đình - Hiệp Thuận do Công ty TNHH Kim Thanh làm chủ đầu tư, dự án được phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng (tỷ lệ 1/500) từ tháng 8/2007, là một trong những Khu đô thị sinh thái đầu tiên trên cả nước.

Thế nhưng 5 năm đã trôi qua, dự án đô thị sinh thái rộng hàng trăm ha này vẫn là khu đất khá hoang vu. Toàn bộ dự án rộng 236 ha mới chỉ có 2 ngôi biệt thự đang được xây thô (nhà mẫu do chủ đầu tư thực hiện), còn lại toàn bộ các lô đất để cỏ mọc um tùm. Nhiều hạng mục hạ tầng như đường đi, cống thoát nước thi công dở dang đang xuống cấp nghiêm trọng.

Sẽ quyết liệt thu hồi

Thực trạng dự án hoang đã gây nhức nhối dư luận trong suốt một thời gian dài vừa qua, mặc dù có nhiều lý do khách quan, chủ quan đã gây ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án như quyết định dừng triển khai để rà soát các quy hoạch trong hơn 1 năm qua chẳng hạn. Tuy nhiên, điều đáng nói, ngay cả khi quy hoạch chung đã chính thức được thông qua thậm chí nhiều dự án được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 nhưng chủ đầu tư vẫn chây ỳ không triển khai do năng lực tài chính yếu kém.

Để giải quyết được vấn nạn này, mới đây Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh đã ra quyết định thu hồi hàng loạt các dự án trong đó dự án đáng chú ý nhất là dự án khu đô thị Thạch Thất lớn hàng đầu tại Hà Nội của Công ty TNHH Tập đoàn Nam Cường với quy mô trên 800 ha tại các xã Phú Kim, Hương Ngải, Thạch Xá, Chàng Sơn, Kim Quan, Canh Nậu, thị trấn Liên Quan, huyện Thạch Thất. Dự án bị đề nghị thu hồi do đến nay không còn phù hợp với quy hoạch định hướng phát triển đô thị của Thủ đô Hà Nội...

Đô thị sinh thái dùng để... chăn bò! - 3

Nhiều dự án để hoang không triển khai đang bị tái lấn chiếm


Phó chủ tịch Khanh cho biết, trong thời gian tới thành phố tiếp tục phân loại các dự án chậm triển khai thực hiện giải phóng mặt bằng để đề xuất phương án xử lý cụ thể đối với từng loại. Đối với các dự án vướng mắc về quy hoạch, về địa giới hành chính không triển khai được, sẽ đề xuất xử lý theo quy định của luật. Với các trường hợp không triển khai giải phóng mặt bằng, không có thông tin liên hệ, sẽ chuyển Sở TN-MT kiểm tra, kết luận và lập hồ sơ trình UBND TP bãi bỏ quyết định giao đất.

Ngoài ra, Phó Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh, phải áp dụng các biện pháp kiên quyết (kể cả biện pháp cưỡng chế theo quy định) để thu nghĩa vụ tài chính đối với các trường hợp được giao đất, cho thuê đất. Trường hợp cố tình không thực hiện hoặc không còn điều kiện để thực hiện thì lập hồ sơ xử lý, đề xuất thu hồi đất theo quy định. Cùng với đó, Sở KH-ĐT rà soát các dự án đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư nhưng không thực hiện theo tiến độ; chủ động thanh tra, kiểm tra và làm thủ tục thu hồi giấy chứng nhận.

(Còn tiếp)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Anh Đào ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN