Đến lượt Putin lập "cú hích" chứng khoán Việt

Những phát biểu của Tổng thống Nga Putin đã làm thành "cú hích" giúp chứng khoán toàn thế giới, trong đó có chứng khoán Việt Nam phục hồi.

Sàn Thành phố Hồ Chí Minh

Bất ổn chính trị tại Ukraine khiến thị trường chứng khoán toàn cầu giảm sâu. Thế nhưng, sau phát biểu của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong buổi họp báo diễn ra ngày 4/3 đã khiến tình hình đảo chiều nhanh chóng. 

Cụ thể, những phát biểu của Tổng thống Nga cho thấy cuộc khủng hoảng ở Ukraine sẽ không thể leo thang ngay lập tức. Phát biểu từ phía Mỹ cũng khẳng định điều tương tự. Kết quả là giá vàng suy giảm, chứng khoán phục hồi. Chỉ số Standard & Poor’s 500 trên thị trường Mỹ hồi phục và quay trở lại mốc kỷ lục sau phiên giảm điểm mạnh nhất trong 1 tháng. 

Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng được hưởng lợi. VN-Index đi lên sau 2 phiên giảm mạnh liên tiếp. Ngay từ giờ mở cửa, tâm lý nhà đầu tư được giải tỏa, lực cầu ồ ạt đổ vào thị trường khiến VN-Index tăng gần 10 điểm. Đà tăng được duy trì khá ổn định nhưng sự hưng phấn của nhà đầu tư giảm dần nên thanh khoản chưa được cải thiện.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 5/3, VN-Index tăng 4,97 điểm, tương ứng 0,87% và dừng ở mức 574,94 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 105.933.313 cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch 1.780,2 tỷ đồng, giảm khoảng 20% so với hôm qua. Tổng khối lượng giao dịch thỏa thuận là 2.956.533 cổ phiếu, tương ứng 236,62 tỷ đồng.

Toàn sàn ghi nhận có 188 mã tăng giá, 55 mã đứng giá và 50 mã giảm giá. Số mã tăng giá tăng vọt, số mã giảm giá khá khiêm tốn.

VN30-Index có tốc độ tăng mạnh hơn VN-Index. Chốt phiên giao dịch ngày 5/3, VN30-Index tăng 6,97 điểm, tương ứng 1,09% và chốt phiên ở mức 645,76 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 34.959.360 cổ phiếu, tương ứng 953,48 tỷ đồng. Trong nhóm có 23 mã tăng giá, 4 mã đứng giá và 3 mã giảm giá. 

Đa số các blue-chip đều tăng giá mạnh, góp phần giúp tâm lý nhà đầu tư vững vàng. Một số đóng vai trò dẫn dắt thị trường có thể kể đến như FPT tăng 1.000 đồng/CP lên 62.000 đồng/CP, MSN tăng 1.000 đồng/CP lên 97.500 đồng/CP, KDC tăng 2.000 đồng/CP lên 58.000 đồng/CP, PGS tăng 1.000 đồng/CP lên 47.000 đồng/CP, PVD tăng 1.500 đồng/CP lên 78.500 đồng/CP, VIC tăng 1.000 đồng/CP lên 74.500 đồng/CP,…

Ở chiều ngược lại, chỉ có 3 cổ phiếu vốn hóa lớn giảm giá. CII giảm 200 đồng/CP xuống 25.600 đồng/CP, DRC giảm 300 đồng/CP xuống 44.500 đồng/CP và OGC giảm 100 đồng/CP xuống 12.000 đồng/CP. Cả 3 mã này đều không có tác động lớn tới thị trường.

Hôm nay, cổ phiếu KBC của đại gia Đặng Thành Tâm được nhà đầu tư chú ý khi tăng trần. KBC tăng 800 đồng/CP lên 12.800 đồng/CP. Khối ngoại rục rịch mua vào cổ phiếu này. Trước đây, khi vẫn giao dịch trên sàn Hà Nội, có thời KBC được đánh giá là một trong các cổ phiếu có tác động mạnh tới HNX-Index. 

Ngành vận tải biển vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn nhưng cổ phiếu MHC gây ấn tượng khi có chuỗi ngày tăng trần liên tiếp. Hôm nay, MHC lại tăng trần, tăng 400 đồng/CP lên 7.200 đồng/CP. Đây được đánh giá là cổ phiếu nóng. MHC tăng mạnh dù không có thông tin hỗ trợ.

Sàn Hà Nội

Diễn biến trên sàn Hà Nội cũng tích cực như trên sàn Thành phố Hồ Chí Minh. Kết thúc phiên giao dịch 5/3, HNX-Index tăng 0,85 điểm, tương ứng 1,06% và đóng cửa ở mức 81,2 điểm. Tổng khối lượng giao dịch trên sàn Hà Nội đạt 60.799.657 cổ phiếu, tương ứng 571,24 tỷ đồng, giảm nhẹ so với hôm qua. Khối lượng giao dịch thỏa thuận đạt 1.665.492 cổ phiếu, tương ứng 15,74 tỷ đồng. Toàn sàn ghi nhận 194 mã tăng giá, 50 mã đứng giá và 62 mã giảm giá.

Chốt phiên ngày 5/3, HNX30-Index tăng 1,93 điểm, tương ứng 1,21% và đóng cửa ở mức 160,72 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 28.651.800 cổ phiếu, tương ứng  330,68 tỷ đồng, giảm mạnh so với hôm qua. Trong nhóm có 23 mã tăng giá, 5 mã đứng giá và 1 mã giảm giá.

Blue-chip trên sàn Hà Nội lạc quan hơn trên sàn Thành phố Hồ Chí Minh. Chỉ duy nhất 1/30 cổ phiếu vốn hóa lớn suy giảm. Đó là PGS giảm 400 đồng/CP xuống 36.400 đồng/CP. Trong phiên, có lúc PGS tăng khá mạnh, tăng lên 37.700 đồng/CP. Khối ngoại mạnh tay bán ra PGS.

Ở chiều ngược lại, PVL là blue-chip duy nhất tăng trần. PVL tăng 300 đồng/CP lên 3.300 đồng/CP. Hôm nay, PVL giao dịch khá vững vàng. Mức giá khớp lệnh thấp nhất trong ngày cũng lên tới 3.100 đồng/CP, cách không xa mức giá trần.

Vẫn như thường lệ, khối ngoại mạnh tay giao dịch SHB, trong đó xu hướng chính vẫn là mua vào nhiều hơn bán ra. Nhận được sự hỗ trợ từ khối ngoại, SHB tăng 100 đồng/CP lên 9.000 đồng/CP. Khối lượng giao dịch khớp lệnh của SHB vẫn rất lớn nhưng giảm mạnh so với các phiên gần đây, đạt hơn 5 triệu đơn vị. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngân Hà ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN