Đề xuất xây cao ốc 70 tầng khu vực ga Hà Nội: Ngược quy hoạch, hạ tầng có đủ sức gánh?

Đề xuất xây cao ốc cao 40-70 tầng ở khu vực ga Hà Nội và phụ cận được một số chuyên gia quy hoạch phân tích là đi ngược lại với Quy chế quản lý quy hoạch công trình cao tầng tại khu vực nội đô lịch sử mà Hà Nội mới duyệt. Đồng thời, việc xây các công trình cao ốc ở đây đang “bắt” hạ tầng phải gánh nhiều thứ thay vì tăng cường sức mạnh của hệ thống hạ tầng, hệ thống giao thông ở đây.

Đi ngược với quy chế, quy hoạch vừa ký

Tháng 4/2016, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ký Quyết định số 11 ban hành “Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô Hà Nội”, áp dụng trên khu vực có quy mô diện tích khoảng 3.881ha, thuộc địa giới hành chính của 5 quận: Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm, một phần phía Bắc quận Hai Bà Trưng và một phần phía Nam của quận Tây Hồ.

Theo đó, việc quản lý, kiểm soát về quy hoạch kiến trúc đối với các công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử được thực hiện trên cơ sở đảm bảo đúng định hướng quy hoạch chung xây dựng Thủ đô với chiều cao tối đa tùy từng tuyến phố từ 9 -13- 21- 24 -27 đến 39 tầng. Đối với khu vực xung quanh ga Hà Nội là khu vực điểm nhấn đô thị nên khi nghiên cứu xây dựng công trình cao tầng phải thông qua Hội đồng Kiến trúc Quy hoạch thành phố Hà Nội, đảm bảo các điều kiện phù hợp với quy hoạch phân khu ga Hà Nội, quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc khu phố cũ.

Theo quy chế này, các tuyến phố chính như phố Lê Duẩn (đoạn từ đường Hai Bà Trưng đến Khâm Thiên) được xây dựng tối đa 9 tầng (tương đương 32m) với điều kiện phía Tây tuyến đường đảm bảo phù hợp cảnh quan khu vực, nghiên cứu bảo tồn công trình ga Hà Nội. Thậm chí, phố Lê Duẩn (đoạn từ nút giao thông với phố Khâm Thiên đến nút giao thông với đường Xã Đàn) không xây dựng nhà cao tầng. Đặc biệt, Quy chế quy định về khu vực điểm nhấn đô thị xung quanh khu vực ga Hà Nội với chiều cao công trình tối đa là 18 tầng (tương đương 65m) và kèm theo là những điều kiện như: Đảm bảo giảm mật độ xây dựng; phù hợp với quy hoạch phân khu, quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc khu phố cổ…

Đề xuất xây cao ốc 70 tầng khu vực ga Hà Nội: Ngược quy hoạch, hạ tầng có đủ sức gánh? - 1

Hà Nội đề xuất xây công trình cao 40-70 tầng tại khu vực Ga Hà Nội. Ảnh: Mạnh Thắng.

Tuy nhiên, Đồ án quy hoạch khu vực ga Hà Nội và phụ cận cũng được lãnh đạo TP Hà Nội vừa ký lấy ý kiến các bộ, ngành lại đi ngược lại với những quy định của quy chế trên. Đơn cử, khu vực đất liền ga Hà Nội (nhà máy nước Ngô Sỹ Liên-PV), được đề xuất thành khu nghỉ dưỡng đô thị ký hiệu UTPT1 từ chiều cao tối đa là 54m (18 tầng) lên 100-120m; Khu Văn Chương (khu nhà ở); Khu ga Hà Nội từ quy định chiều cao tối đa là 65m thành khu lối sống mới, khu ga đường sắt cao 100m. Đặc biệt, khu hồ Linh Quang từ quy định chiều cao tối đa là 54m nay đề xuất thành những công trình điểm nhấn chọc trời cao 200m (tương đương 70 tầng).

“Bắt” hạ tầng phải gánh nhiều thứ

Đưa ra quan điểm về Đồ án mà Hà Nội đề xuất, PGS.TS Phạm Thúy Loan - Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc quốc gia cho biết, mục tiêu chính của việc đưa ra một quy chế quản lý chiều cao đối với các công trình cao tầng ở nội đô là hạn chế tập trung quá đông dân cư ở khu vực nội đô, bảo vệ cấu trúc không gian lịch sử của thành phố. Theo bà Loan, Đồ án đang trong giai đoạn lấy ý kiến nên chưa thể vội vàng đưa ra kết luận nhưng bản thân bà cũng cảm thấy rất ngạc nhiên khi đề xuất này vượt quá quy chế mà chính lãnh đạo thành phố Hà Nội đã ký ban hành tháng 4/2016. “Sở dĩ việc xây dựng khu đô thị khu ga Hà Nội và phụ cận có nhiều tranh luận vì đây là khu nằm ở vùng lõi Thủ đô với mật độ đô thị khá cao. Kết cấu không gian khu vực này gắn liền với những ngôi nhà Pháp cổ rất đẹp nên nếu thay thế bằng những tòa nhà cao tầng sẽ ảnh hưởng đến việc bảo tồn kết cấu không gian lịch sử”, bà Loan cho hay.

KTS Phạm Thanh Tùng – Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, đồ án này đã thể hiện kỳ vọng quá lớn, bắt ga Hà Nội và hạ tầng khu vực nơi đây phải gánh quá nhiều vấn đề như: trung tâm tài chính, trung tâm thương mại, khu nghỉ dưỡng đô thị, khu lối sống mới… với chiều cao từ 40-70 tầng (tương đương 100-200m).

KTS Tùng tỏ ra lo ngại hàng loạt công trình cao tầng sẽ được xây dựng khi mà hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội, hệ thống đường sắt chưa được đầu tư trước. “Đã là điểm nhấn trong đô thị thì đó phải là công trình có kiến trúc đặc sắc, có giá trị về văn hóa đóng góp cho diện mạo đô thị, thu hút được sự quan tâm của cộng đồng chứ không phải là những tòa nhà chung cư chọc trời nào đó”, ông Tùng nói.

Ông Tùng phân tích, Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử Hà Nội quy định rõ, việc xây chung cư cao tầng nhưng không làm chất tải thêm đô thị, không làm chất tải thêm cho hạ tầng: “Cứ cho Đồ án sẽ điều chỉnh những quy định về quy hoạch, quy chế quản lý trước đây, nhưng nó phải lấy mục tiêu cốt lõi là tăng cường sức mạnh của hệ thống giao thông, hệ thống hạ tầng xã hội chứ không phải ưu tiên phát triển bất động sản thương mại để bù đắp nguồn vốn cần để phát triển hạ tầng”, ông Tùng phân tích.

Theo tìm hiểu của PV, trong bản thuyết trình bản đồ án trên, đơn vị thực hiện Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội và tư vấn đã đưa ra con số đánh giá về chỉ tiêu giao thông ở khu vực ga Hà Nội và phụ cận. Cụ thể, diện tích đường giao thông trong khu vực này là trên 14,8 ha với tỷ lệ mật độ diện tích giao thông chỉ đạt 20,1% (tương đương với diện tích đất giao thông trong khu vực hiện chỉ đạt 70% so với nhu cầu).

Vì vậy, ngoài các tuyến đường giao thông tuân thủ theo đồ án quy hoạch chung, quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô như phố Lê Duẩn, Nguyễn Thái Học, Tôn Đức Thắng, Khâm Thiên, Trần Quý Cáp, Ngô Sỹ Liên... để đảm bảo kết nối giao thông, tăng các chỉ tiêu về mật độ mạng lưới đường, tỷ trọng đất giao thông tương ứng với quy mô dân số, hỗ trợ giao thông toàn khu vực xung quanh, Đồ án đã đề xuất xây dựng mới 5 đoạn tuyến quy hoạch gồm: Đoạn nối phố Ngô Sỹ Liên với đường Hoàng Diệu, đoạn nắn chỉnh hướng tuyến ngõ Văn Chương, đoạn kéo dài phố Trần Quý Cáp đến Nguyễn Thái Học, đoạn kết nối phố Quốc Tử Giám với Lý Thường Kiệt, đoạn kéo dài phố Nguyễn Du đến ngõ Văn Chương.

Đồ án cũng đưa ra con số dân số quy hoạch là 44.000 người tăng lên 18% so với dân số hiện tại là hơn 37.000 người nên gia tăng khoảng 18% số chuyến đi tới phân khu ga Hà Nội đối với lưu lượng giao thông đối ngoại.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hải Đăng (Tiền phong)
Thị trường bất động sản Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN