Đề xuất Nhà nước độc quyền huy động vàng từ cá nhân

Sự kiện: Kinh Doanh

Ngân hàng Nhà nước đề xuất Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng, huy động vàng từ tổ chức, cá nhân, kinh doanh vàng trên tài khoản.

Ngân hàng Nhà nước vừa công bố dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định số 24/2012/NĐ của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.

Theo NHNN, Luật Đầu tư sửa đổi, bổ sung quy định “Kinh doanh vàng” là ngành nghề kinh doanh có điều kiện bao gồm hoạt động kinh doanh vàng khác.

Như vậy, hoạt động kinh doanh vàng khác bao gồm huy động vàng từ tổ chức, cá nhân, kinh doanh vàng tài khoản chưa được quy định cụ thể tại Nghị định 24.

Huy động vàng từ tổ chức, cá nhân và kinh doanh vàng trên tài khoản là các  hoạt động tiềm ẩn rủi ro đối với các chủ thể tham gia, gây lãng phí nguồn lực kinh tế, tác động tiêu cực đến mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô.

Đối với hoạt động vay vàng, trước đây, cùng với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008, thị trường vàng biến động mạnh, hoạt động huy động-cho vay vốn bằng vàng đã gây ra nhiều hệ lụy ảnh hưởng đến thanh khoản của hệ thống ngân hàng, làm gia tăng tình trạng ”vàng hóa”, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, gây bất ổn kinh tế.

Trước tình hình đó, từ năm 2011, NHNN đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ để chấm dứt hoạt động huy động-cho vay vốn bằng vàng của các TCTD.

Ngoài ra, việc vay vàng của dân để bán vàng lấy tiền mua vàng nguyên liệu sản xuất sẽ gây rủi ro biến động giá vàng cho doanh nghiệp. Còn nếu dùng vàng của dân để làm nguyên liệu sản xuất vàng trang sức, doanh nghiệp phải đối mặt với rủi ro thanh khoản vàng khi dân đến rút vàng mà chưa bán được vàng trang sức để mua vàng trả lại dân.

Đối với hoạt động kinh doanh vàng tài khoản, trong giai đoạn 2007-2009, một số Sàn giao dịch vàng trong nước xuất hiện và hoạt động dưới hình thức tự phát. Các giao dịch quy mô lớn trên Sàn vàng ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô, làm giảm hiệu quả của các chính sách kinh tế, đặc biệt là chính sách tiền tệ, tiềm ẩn rủi ro thị trường vàng bị lũng đoạn bởi các nhà đầu tư có tiềm lực lớn với các cơn sóng vàng ảo...

Do đó, dự thảo Nghị định 24 quy định: hoạt động huy động vàng từ tổ chức, cá nhân và hoạt động kinh doanh vàng tài khoản là hoạt động do Nhà nước độc quyền thực hiện.

Đề xuất Nhà nước độc quyền huy động vàng từ cá nhân - 1

Ngân hàng Nhà nước muốn Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng  miếng, huy động vàng từ tổ chức, cá nhân, kinh doanh vàng trên tài khoản. 

Vàng đã giảm 'lấp lánh'

Theo đánh gía của NHNN, sức hấp dẫn của vàng miếng ngày càng suy giảm, tình trạng “vàng hóa” trong nền kinh tế từng bước được đẩy lùi.

Từ năm 2014 đến nay, sức hấp dẫn của vàng miếng đã suy giảm; cung, cầu vàng miếng trên thị trường tương đối cân bằng. Doanh số mua, bán vàng miếng trong hệ thống có xu hướng giảm, nhiều thời điểm giảm hơn 50% so với năm 2013.

Toàn bộ quan hệ huy động - cho vay vốn bằng vàng đã được chuyển sang quan hệ mua, bán vàng, rủi ro “vàng hóa” trong hệ thống tín dụng đã được loại bỏ, tình trạng “vàng hóa” trong nền kinh tế từng bước được ngăn chặn.

Đối với hoạt động mua, bán vàng miếng, trước đây có khoảng 12.000 doanh nghiệp và cửa hàng kinh doanh vàng kinh doanh mua, bán vàng miếng. Sau khi Nghị định 24 được ban hành, một mạng lưới mua bán vàng miếng mới được thiết lập, có quản lý, đáp ứng được nhu cầu mua, bán của người dân (hiện có khoảng 2.242 điểm kinh doanh mua, bán vàng miếng trên toàn quốc).

Từ năm 2012 đến nay, NHNN chưa cấp phép cho đơn vị nào nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Các đơn vị tự cân đối nguồn vàng nguyên liệu trên thị trường.

Đồng thời, từ năm 2014 đến nay, NHNN không phải nhập khẩu vàng để can thiệp bình ổn thị trường.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo PV (Pháp luật TPHCM)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN