Đầu năm, ngân hàng “đỏ mắt” tìm khách

Tính đến ngày 24/2/2015, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng đã lên mức 1,7% (chứ không “đèn đỏ âm” như mọi năm). Tuy nhiên, đầu xuân năm mới, không ít cán bộ tín dụng ngân hàng than phải “ngồi chơi xơi nước” hay “đỏ mắt” tìm khách bởi nhiều doanh nghiệp, khách hàng còn “mê tín” chưa muốn vay hay bận đi lễ xin “lộc thánh”.

Cán bộ tín dụng “ngồi chơi xơi nước”

Từ trụ sở giao dịch, anh Quang Huy, một cán bộ tín dụng thuộc chi nhánh cấp 1 của Agribank cho biết,  từ khi đi làm trở lại đến giờ, bản thân anh và các nhân viên tín dụng cơ bản “ngồi chơi xơi nước” vì chưa có khách vay. “Ra Giêng, các sếp thì bận đi lễ, “đối ngoại” với khách hàng, còn nhân viên trực ở nhà lo đôn đốc thu nợ cũ.

Tôi đang quản lý nợ mấy doanh nghiệp (DN) vay khoảng 10 tỷ đồng nhưng đến giờ họ trả chỉ còn nợ 4  tỷ  đồng. Với những khách hàng tốt như thế, ngân hàng chỉ mong họ vay tiếp. Về hồ sơ tín dụng mới Tết ra đến giờ, tôi chưa làm được cái nào và vẫn đang “đỏ mắt” tìm khách”- anh Huy kể.

“Trong bối cảnh hiện nay, nguồn vốn sẽ tương đối dồi dào. Điều này tạo điều kiện các tổ chức tín dụng giảm thêm mặt bằng lãi suất cho vay, đặc biệt là lãi suất cho vay trung, dài hạn có thể xuống thêm từ 1 đến 1,5%/năm, tạo điều kiện cho các DN làm ăn”.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình   

Chị Bùi Trang, cán bộ tín dụng chi nhánh tại Long Biên của một ngân hàng TMCP có quy mô lớn không giấu giếm: Ra Tết, theo quy luật và vòng quay của đồng tiền, ngân hàng chủ yếu tập trung huy động còn cán bộ tín dụng thì… chơi dài. Năm nào cũng vậy ít nhất ngoài rằm hoặc hết tháng Giêng doanh nghiệp mới có nhu cầu, mới ký vay. Chị Trang kể: “Trước Tết, chi nhánh tôi cố giải ngân được một số khoản lớn để lấy chỉ tiêu đầu năm. Do Tết muộn nên nhu cầu vốn trong tháng 1 nhiều hơn năm trước nên tín dụng cũng nhích nhẹ. Còn hiện tại chưa ai vay mượn gì”.

Trái với tâm trạng ỉu xìu của hai cán bộ tín dụng trên, chị Thu Nga làm việc tại một ngân hàng nằm trên phố Trần Hưng Đạo (Hà Nội) phấn chấn: Ra Tết đến giờ em đã làm xong mấy hồ sơ tín dụng nhưng đều là khách hàng cá nhân vay tiêu dùng. “Ví dụ vay cầm cố sổ tiết kiệm thì lãi suất huy động + 1,8%/năm. Giả sử, sổ tiết kiệm gửi kỳ hạn 1-3 tháng lãi suất tương ứng là 5,3 - 5,35 - 5,4% /năm thì lãi suất cho vay cao nhất khoảng 7,2%. Với kỳ hạn dài hơn 6 tháng, lãi suất cho vay là 8,2%/năm. So với trước đây, lãi suất cho vay tiêu dùng như hiện tại là khá thấp. Không biết có phải vì thế mà khách hàng đều mạnh tay vay chị ạ”- Thu Nga khoe.

Đầu năm, ngân hàng “đỏ mắt” tìm khách - 1

Có khách tốt, ngân hàng giải ngân ngay. Ảnh: Như Ý.

Sau rằm, cho vay sẽ trở lại bình thường

Liên quan đến câu chuyện doanh nghiệp không mặn mà vay vốn đầu xuân, trao đổi với PV Tiền Phong, Phó tổng giám đốc một NHTM cổ phần nhỏ trên phố Bà Triệu cho rằng: Về khách hàng cá nhân, việc người ta kiêng đầu năm là chuyện bình thường. Thời điểm trước Tết, ai có tiền cũng đem trả ngân hàng. Còn đầu năm, họ “hơi kiêng” không muốn vay mượn ngay. Với khách hàng DN, thường là do dự án chưa bắt đầu, chưa kể DN còn cần tái khởi động công việc (công nhân khu công nghiệp phải ngoài mùng 10 mới đi làm trở lại). Cho nên, phải sau rằm tháng Giêng, tín dụng mới trở lại bình thường.“Tại ngân hàng, hai hôm nay,  tôi bắt đầu nhận hồ sơ trình xét vay”- vị này nói.

Ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Đại Chúng (PVcombank) nhận xét:  So với các năm trước, tăng tín dụng các ngân hàng tính trong tháng 1 và 2 năm nay đang khá ổn. Hiện, Ngân hàng Nhà nước kiểm soát rất chặt không để cho âm liên tiếp, vì nếu có lập tức  sẽ cảnh báo liền. Có thể doanh nghiệp không ký mới nhưng cái cũ vẫn dự thu đều và tín dụng  tăng từ đó.

Qua điện thoại, giám đốc Sở giao dịch Vietcombank phấn khởi thông báo: Chỉ riêng 2 tháng đầu năm tăng tín dụng của đơn vị này đã lên tới 10% (tương ứng xấp xỉ 14.000 tỷ đồng) và đã giải ngân khoảng 1.300 tỷ - 1.400 tỷ đồng. “Ở bên tôi, đầu năm DN không kiêng vay và mọi thông số của họ đều rất tốt; đáng kể nhất là các khách hàng dầu khí và điện lực”- vị này nói. 

Nhận xét chung về tín dụng ngân hàng, lãnh đạo các ngân hàng như Vietcombank, Vietinbank, PVcombank đều cho rằng, sang năm 2015 tình hình tín dụng sẽ ổn hơn. “Chắc chắn từ nay đến tháng 9/2015, ngân hàng vẫn tung ra các chương trình cho vay ưu đãi (do nguồn vốn ổn định, tăng huy động từ khách hàng cá nhân). Lãi suất cho vay ngắn, trung và dài hạn thời điểm này không dao động cho vay từ 6 đến 10%/năm. Năm nay, khó nhất vẫn là tìm khách hàng tốt”- ông Hoàng Linh lưu ý.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Khánh Huyền - Hà Linh (Báo Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN