Công cụ lãi suất hết “thiêng”

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng nếu tiếp tục đặt gánh nặng lên lãi suất, rất có khả năng chính sách tiền tệ bị lệch hướng

Từ năm ngoái đến nay, các ngân hàng (NH) đã rầm rộ giảm lãi suất với kỳ vọng giúp doanh nghiệp (DN) tiếp cận vốn vay để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất đã giảm khá mạnh nhưng vẫn không đẩy được dòng tiền ra lưu thông.

Công cụ lãi suất hết “thiêng” - 1

Dù lãi suất đã giảm nhưng do khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp thấp nên nhiều ngân hàng đang dư tiền Ảnh: HỒNG THÚY

Kém nhạy cảm với cung cầu tín dụng

Tính chung từ tháng 3-2012 đến nay, NH Nhà nước đã 8 lần cắt giảm các lãi suất chủ chốt, hạ trần lãi suất huy động và kêu gọi NH thương mại giảm lãi suất các khoản vay cũ về dưới 13%/năm. Mặt bằng lãi suất hiện đã trở về mức trước năm 2007, đường cong lãi suất được phục hồi với đặc điểm lãi suất tiền gửi kỳ hạn dài cao hơn kỳ hạn ngắn. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng từ cuối năm 2012 đến cuối tháng 5-2013 mới đạt 2,29%, trong khi mục tiêu cả năm là 12%.

Các NH vẫn đang nỗ lực giảm lãi suất với mặt bằng lãi suất huy động của cả 4 NH thương mại nhà nước hoặc nhà nước nắm cổ phần chi phối đều bằng và thấp hơn mức trần 7,5%/năm. Tốc độ giảm lãi suất cho vay chậm hơn một bước do quy mô hoạt động tái cấp vốn còn khiêm tốn so với hoạt động cho vay khiến việc lãi suất hạ không trực tiếp tác dụng nhiều trong việc giảm thiểu chi phí huy động của các NH.

Một yếu tố khác chưa thúc đẩy tăng trưởng tín dụng là thách thức rủi ro thanh khoản, an toàn hệ thống chưa thực sự bền vững vì hiện nay, tỉ lệ cho vay trên tiền gửi của hệ thống NH vẫn ở mức 93%. Con số này tuy đã giảm so với mức 101% cuối năm 2012 nhưng vẫn còn cao so với mức thông lệ quốc tế là 80%.

Theo các chuyên gia kinh tế, đến nay, công cụ lãi suất đã kém nhạy cảm với cung cầu tín dụng. Một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu NH cho thấy lãi suất đang đóng vai trò rất mờ nhạt trong tăng trưởng tín dụng. Xu hướng giảm lãi suất gần đây cũng không còn mạnh mẽ như một năm trước. Bên cạnh các dự báo lãi suất có khả năng tiếp tục giảm 0,5% -1% từ nay đến cuối năm như của NH Standard Chartered và JPMorgan Chase, NH ANZ lại cho rằng NH Nhà nước sẽ không cắt giảm thêm lãi suất trong năm nay.

Nới bội chi để tăng tổng cầu

Tại thời điểm này, đã có ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng nếu tiếp tục đặt gánh nặng lên lãi suất, rất có khả năng chính sách tiền tệ bị lệch hướng.

Đây là tháng thứ 2 liên tiếp, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia đề nghị Chính phủ sớm có giải pháp tăng chi đầu tư công vào những công trình trọng điểm quy mô lớn và những dự án sắp hoàn thành có hiệu ứng lan tỏa cao. Chính phủ có thể đề xuất tăng nguồn chi từ trái phiếu, tăng hạn mức của năm nay hoặc xin ứng trước để chi cho các nhu cầu cấp bách. Đây là một trong các giải pháp xử lý nợ xấu và giải phóng hàng tồn kho đã được đặt ra trong Nghị quyết 02 nhưng đến nay vẫn chậm được triển khai.

Trên diễn đàn Quốc hội, chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch kiến nghị năm nay cần tăng trần bội chi ngân sách và phát hành trái phiếu Chính phủ cao hơn định mức 45.000 tỉ đồng/năm để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản. Trong khi chính sách tiền tệ đã hết ngưỡng, đầu tư công chính là giải pháp có tác động nhanh nhất để kích thích tăng tổng cầu của nền kinh tế. Giải pháp này có thể ảnh hưởng đến nợ công nhưng trong hoàn cảnh hiện nay buộc phải lựa chọn.

TS Vũ Đình Ánh cho rằng để phục hồi sản xuất, không thể chỉ trông chờ vào giảm lãi suất mà phải tác động cả đến cung và cầu. Chỉ khi DN bán được hàng, luồng tiền mới được khơi thông.

Theo PGS- TS Ngô Trí Long, chính sách tiền tệ hiện vẫn mang tính đối phó, thụ động, dùng nhiều biện pháp hành chính, có sự định hướng tín dụng vào một số ngành nghề và cứng nhắc với tỉ giá. Điều này tạo tín hiệu sai cho sự chuyển dịch ngành của nền kinh tế, do đó cản trở sự tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.

Cần thực hiện chính sách trọng cung

PGS-TS Ngô Trí Long cho rằng cần thực hiện chính sách trọng cung để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dài hạn trong khi vẫn duy trì lạm phát ở mức thấp. Chính sách trọng cung dựa trên 3 nền tảng cơ bản. Đó là giảm mạnh thuế phí; tiến hành mạnh mẽ các biện pháp cải thiện thị trường, điều tiết giá phù hợp với cơ chế thị trường và thực hiện chính sách tiền tệ vừa phải (không nới lỏng liên tục hay thắt chặt quá mức và phải ổn định).

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Anh (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN