Cổ phiếu tốt không thể bị bán tháo

Đó là nhận định của ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, (UBCK).

Ông Sơn cho biết, ngoài trách nhiệm trấn an tâm lý thị trường, UBCK sẽ xây dựng và kiến nghị một số chính sách, sản phẩm mới.

Tuần qua, nhiều CTCK đã ví TTCK Việt Nam trải qua “những ngày đen tối” khi mà vụ “bầu Kiên” bị bắt khiến giá tất cả các cổ phiếu chao đảo, rơi sàn 3 phiên liên tiếp, rồi mới gượng dậy dần vào phiên cuối tuần. Ông nhìn nhận diễn biến này như thế nào?

Về nguyên lý, cổ phiếu tốt không thể bị bán tháo. Khi vấn đề chỉ phát sinh ở một vài cá nhân trong DN thì cú sốc thị trường chỉ là cú sốc tâm lý. Nếu được trấn an, giải thích kịp thời, thị trường sẽ bình tâm trở lại và hoạt động ổn định hơn. Trong khi nhà đầu tư chịu cú sốc tâm lý khá mạnh, thì thông tin từ thực tế giao dịch cho thấy, khối ngoại rất bình tĩnh, không có dấu hiệu rút vốn, thậm chí gia tăng mua ròng trên cả 2 sàn.

Về phía UBCK, chúng tôi đang yêu cầu các DN nói chung, các ngân hàng nói riêng, kể cả ngân hàng niêm yết và ngân hàng đại chúng, phải công bố thông tin báo cáo tài chính đã được soát xét ra công chúng. Thông tin từ chính các DN sẽ là điểm tựa quan trọng để nhà đầu tư đánh giá chất lượng của DN.

Ngoài trấn an tâm lý, khuyến khích nhà đầu tư nhìn vào chất lượng hoạt động của DN, từ nay đến cuối năm 2012, UBCK sẽ làm gì cho sự phát triển của TTCK, thưa ông?

Sau việc đưa tín phiếu kho bạc vào giao dịch trên HNX, bắt đầu từ ngày 4/9, chúng tôi sẽ thực hiện quy trình giao dịch T+3, cho phép nhà đầu tư được bán chứng khoán trước 1 ngày so với quy trình giao dịch hiện nay. Trên cơ sở vận hành T+3 an toàn, chúng tôi sẽ tính đến cơ chế T+2 khi điều kiện phù hợp. Bên cạnh đó, sẽ cùng với 2 Sở tiếp tục xây dựng các công cụ, sản phẩm mới cho thị trường, như sản phẩm phái sinh, các bộ chỉ số…

Về diễn biến giao dịch, chúng tôi theo dõi sát sao và sẽ có giải pháp phù hợp trong từng điều kiện cụ thể.

Việc triển khai T+3 từ ngày 4/9/2012 liệu có thực sự suôn sẻ không khi mà trước đây, các thành viên lưu ký nước ngoài đưa ra rất nhiều lý do không chấp nhận phương án này, hoặc muốn giãn việc thực hiện thêm nhiều tháng nữa, thưa ông?

Đúng là để triển khai T+3, chúng tôi cần được sự đồng thuận của tất cả các thành viên lưu ký, trong đó có khối công ty chứng khoán và khối các ngân hàng lưu ký nước ngoài. Trong cuộc họp hồi tháng 5, các thành viên lưu ký nước ngoài đưa ra nhiều lý do, như cần nhiều thời gian để chỉnh sửa hệ thống, thuyết phục các khách hàng theo chu trình thanh toán mới…, nhưng UBCK đã quyết tâm triển khai T+3 và dành thời gian gần 4 tháng để các thành viên chuẩn bị. Sau khi điều chỉnh quy trình, các thành viên đã test thử hệ thống và nay, đều cam kết thực hiện T+3 (4 ngân hàng lưu ký nước ngoài gửi công văn cam kết với UBCK). Trên cơ sở này, tôi cho rằng, việc triển khai T+3 sẽ không có gì trục trặc.

Sau T+3, điều tác động trực tiếp nhất đến thị trường là chính sách ưu đãi thuế. Nhiều kiến nghị nêu từ lâu nhưng chưa được đáp ứng, thưa ông?

Về chính sách thuế, chúng tôi đang làm việc với Bộ Tài chính để có 1 văn bản chung, hướng dẫn chính sách thuế đối với các chủ thể, các hoạt động trên TTCK Việt Nam. Trong văn bản này, chúng tôi đã và đang xem xét tất cả những bất cập mà các thành viên đã nêu lên. Dự kiến, sẽ điều chỉnh lại mức thuế đối với đầu tư trái phiếu, quy định lại thuế chuyển nhượng vốn, thuế chuyển nhượng chứng khoán và có thể sẽ bỏ quy định thu thuế theo cách khấu trừ tại nguồn, để cho phép đối tượng chịu thuế được tính chung vào thu nhập cuối kỳ, trước khi tính thuế… Mục đích của chính sách thuế mới phải có tính động viên các nguồn lực tham gia TTCK và khuyến khích các chủ thể kinh doanh minh bạch, lành mạnh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Tường Vi ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN