Chứng khoán phập phù, nên đầu tư “kênh” nào?

Những người dân dành dụm, tích cóp được chút tiền, nên chọn kênh đầu tư nào để sinh lời mà vẫn bảo toàn được đồng vốn?

Sau phiên giao dịch “đen tối” ngày 11/10, hôm qua (16/10), thị trường chứng khoán đã tiếp đà hồi phục, sắc xanh ở các chỉ số được nới rộng lên đáng kể. Mặc dù vậy, nhà đầu tư vẫn có xu hướng đứng ngoài quan sát, e ngại đây chỉ là nhịp hồi phục theo kỹ thuật do thanh khoản vẫn rất thấp.

Diễn biến khó lường trên thị trường chứng khoán cho thấy, kênh đầu tư này không dành cho những người “yếu tim”. Thực tế vừa qua, thành quả của nhiều nhà đầu tư trong cả một giai đoạn trước đó đã bị bốc hơi hoàn toàn, chỉ sau một vài phiên giao dịch, không khác gì “kiếm củi ba năm thiêu một giờ”!

Những người dân dành dụm, tích cóp được chút tiền, nên chọn kênh đầu tư nào để sinh lời mà vẫn bảo toàn được đồng vốn?

Chứng khoán phập phù, nên đầu tư “kênh” nào? - 1

Những người dân dành dụm, tích cóp được chút tiền, nên chọn kênh đầu tư nào để sinh lời mà vẫn bảo toàn vốn? (Ảnh minh hoạ)

Trái ngược với diễn biến của thị trường chứng khoán, thị trường vàng tăng khá mạnh, hiện đứng ở vùng cao nhất trong vòng 3 tuần qua, nhờ được nâng đỡ bởi lực tăng của giá thế giới. Từng là một kênh đầu tư rất phổ biến của người Việt, song gần đây, sản phẩm này đã bớt đi sự “lấp lánh”. Ngoài rủi ro bởi phụ thuộc nhiều vào biến động giá quốc tế, chính sách chưa quản lý chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước cũng khiến thị trường này vận hành chưa thực sự đồng điệu với thế giới, các doanh nghiệp vẫn giữ thế “nắm đằng chuôi”, khiến nhà đầu tư khó hưởng trọn vẹn thành quả!

Tương tự với vàng, tỷ giá hối đoái, trong đó quen thuộc nhất là đồng USD cũng chịu nhiều tác động từ thị trường thế giới. Đầu tư vào kênh này trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vẫn tiếp diễn, trong đó không loại trừ khả năng tiến tới “chiến tranh” tiền tệ là một sự lựa chọn đầy mạo hiểm.

Thị trường bất động sản cũng vẫn đang tỏa ra sức hút lớn. Thông tin cơn sốt đất nền tại TP HCM và một số tỉnh phía Nam vừa qua dễ kích thích nhà đầu tư đổ tiền vào kênh đầu tư này. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, thị trường này rất “kén” nhà đầu tư. Bởi bên cạnh đòi hỏi về quy mô vốn, hiệu quả đầu tư phụ thuộc vào sự lựa chọn phân khúc, địa bàn, kết cấu hạ tầng…

Vậy với số đông nhà đầu tư, kênh gửi tiền tiết kiệm vào hệ thống ngân hàng có còn hiệu quả khi đặt trong so sánh với các kênh đầu tư khác, cũng như so sánh giữa lãi suất tiền gửi với chỉ số lạm phát?

Theo báo cáo ngày 12/10 của Ngân hàng Nhà nước, mặt bằng lãi suất huy động VND phổ biến ở mức 4,3-5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,3-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,5-7,3%/năm.

Trong khi đó, báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2018 tăng 0,59% so với tháng trước, tăng 3,98% so với cùng kỳ năm trước; tăng 3,2% so với tháng 12 năm trước. Theo dự báo của các tổ chức trong nước và quốc tế, lạm phát cả năm nay dao động quanh mức 4%. Như vậy, lãi suất tiền gửi tiết kiệm bình quân vẫn thực dương, từ 2-3%, tùy kỳ hạn.

Gửi tiền tiết kiệm có rủi ro không và cách nào để hạn chế? Lý thuyết kinh tế đã chỉ ra rằng, lợi nhuận càng cao, rủi ro càng lớn, và thực tế thì không có hoạt động đầu tư nào mà không có rủi ro. Do đó, khách hàng cần tìm hiểu kỹ ngân hàng “chọn mặt gửi tiền”, đừng vì ham lãi suất cao, chính sách khuyến mãi, quà tặng rầm rộ mà bỏ qua các tiêu chí như: Uy tín, quản trị tốt, nợ xấu thấp, hoạt động hiệu quả… Mặt khác, với chính sách bảo hiểm tiền gửi tối đa 75 triệu đồng, người có tiền cũng không nên “bỏ trứng vào một giỏ”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thảo Nguyên ([Tên nguồn])
Tin chứng khoán Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN