Chi tiết dự báo tăng trưởng Việt Nam của ADB

Theo ADB, tăng trưởng kinh tế 2012 – 2013 sẽ thấp hơn dự kiến.

Năm 2011, việc thắt chặt chính sách nhằm kiềm chế lạm phát và ổn định tỷ giá đã làm giảm tăng trưởng kinh tế. Nửa đầu năm 2012, khi tăng trưởng GDP tiếp tục suy giảm, Chính phủ đã bắt đầu chính sách nới lỏng tài khóa và tiền tệ. Tuy nhiên, trong báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á 2012 (ADO) vừa được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố sáng 3/10, tăng trưởng năm 2012 và 2013 của VN vẫn thấp hơn con số đã công bố trước đó.

Bức tranh mù mịt

Tiếp theo năm 2011, vấn đề tiếp tục diễn ra trong quý I/2012 là mức tăng trưởng GDP rất yếu, chỉ đạt 4,0% so với cùng kỳ và 4,7% trong quý II, đưa tốc độ tăng trưởng trong nửa năm lên mức 4,4%.

Sản xuất suy giảm trong 6 tháng đầu năm nay phản ánh nhu cầu trong nước yếu và tín dụng thắt chặt. Chỉ số quản lý mua hàng (PMI), một chỉ số dự báo tương lai của hoạt động sản xuất, đã giảm trong 4 tháng liên tiếp cho đến tháng 7 trước khi tăng nhẹ trong tháng 8. Sản xuất công nghiệp tăng khiêm tốn 4,8% trong 9 tháng đầu năm. Tuy nhiên, xây dựng giảm 5,4% trong 6 tháng đầu năm do hạn chế cho vay đối với lĩnh vực bất động sản. Cho tới giữa năm, sự suy giảm trong lĩnh vực xây dựng dường như đã chạm đáy nhờ đầu tư công tăng lên…

Lạm phát giảm nhanh hơn so với dự kiến, là do sự sụt giảm giá lương thực trong khoảng thời gian giữa tháng 3 và tháng 8 và do tác động của chính sách thắt chặt trong năm 2011. Lạm phát cơ bản (không bao gồm thực phẩm) giảm từ 12,8% trong tháng 1/2012 xuống 6,8% trong tháng 7, trước khi tăng nhanh lên 10,1% trong tháng 9.

Chi tiết dự báo tăng trưởng Việt Nam của ADB - 1

Năm 2011, việc thắt chặt chính sách nhằm kiềm chế lạm phát và ổn định tỷ giá đã làm giảm tăng trưởng kinh tế.

Chu kỳ tăng trưởng tín dụng nhanh chóng (lên đến 63% vào đầu năm 2008), sau đó là chính sách thắt chặt và giảm tăng trưởng kinh tế, cùng với sự suy yếu trong thị trường bất động sản trong 2 năm qua, đã tạo ra ngày càng nhiều áp lực cho ngành NH. Nợ xấu đã tăng lên, và một số NHnhỏgặp phải vấn đề thanh khoản.

Trong tháng 6, Standard & Poor điều chỉnh triển vọng xếp hạng tín dụng Việt Nam từ tiêu cực sang ổn định và sau đó sửa đổi đánh giá rủi ro quốc gia ngành NH từ "nguy cơ rất cao" sang "nguy cơ cao", sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô đã được cải thiện. Tuy nhiên, Moody's hạ mức xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam từ B1 xuống thấp hơn vào tháng 9, với lý do là các điểm yếu của hệ thống NH và kỳ vọng tăng trưởng kinh tế thấp hơn.

Lạm phát gần 2 con số vào năm 2013?

Với kết quả của nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm, dự báo tăng trưởng GDP năm 2012 của VN được điều chỉnh giảm xuống còn 5,1%. Đầu tư tư nhân dự kiến sẽ vẫn yên ắng trong bối cảnh có những bất cập trong và ngoài nước và lo ngại về khả năng đối phó với nợ xấu NH một cách nhanh chóng của Chính phủ.

Chi tiết dự báo tăng trưởng Việt Nam của ADB - 2

Tăng trưởng kinh tế 2012 – 2013 thấp hơn dự kiến

Ở khía cạnh tích cực, dự kiến hoạt động kinh tế trong nửa cuối năm 2012 sẽ được cải thiện nhờ các chính sách thực hiện hồi đầu năm và thông thường ngân sách có xu hướng được tăng tốc vào cuối năm.

Dữ liệu sơ bộ cho thấy, GDP tăng trưởng 5,4% trong quý 3 so với cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng này là kết quả của hiệu quả ngành sản xuất, xây dựng, vận tải được cải thiện.

Tăng trưởng GDP năm 2013 dự kiến sẽ tăng 5,7%. Chính sách tài khóa có khả năng sẽ được nới lỏng vào năm sau và các ngành công nghiệp, xuất khẩu sẽđược củng cố nhờ sự phục hồi khiêm tốn của thương mại thế giới. Dự báo này giảm so với ADO 2012 chủ yếu là do triển vọng toàn cầu được điều chỉnh giảm.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế có khả năng sẽ bị chi phối bởi tiến độ giải quyết các vấn đề dễ tổn thương trong lĩnh vực tài chính. Việc cam kết của Chính phủ về thực hiện một lộ trình cải cách đáng tin cậy với các hành động có thời hạn cụ thể sẽ phục hồi cho vay và cải thiện tâm lý nhà đầu tư.

Dự báo đến cuối năm 2012 lạm phát sẽ là 7%. Do đó tỷ lệ lạm phát trung bình trong năm sẽ là 9,1%, thấp hơn so với dự báo trong ADO 2012 do giá lương thực sụt giảm mạnh và lượng cầu trong nước thấp hơn dự báo. Dự báo đến cuối năm 2013, lạm phát sẽ tăng tốc lên 9,4%.

Giá lương thực toàn cầu có thể sẽ tăng trong năm tới và lượng cầu trong nước có xu hướng tăng cao hơn, trong khi chính sách tài khóa có thể sẽ được nới lỏng. Giả định rằng chính sách nới lỏng tiếp tục ở mức vừa phải, lạm phát trung bình năm 2013 sẽ thấp hơn so với dự đoán trước đây vì lạm phát được kìm chế thành công trong năm nay, tăng trưởng kinh tế trong năm sau được điều chỉnh giảm…

Rủi ro trong nước tác động chủ yếu là từ lĩnh vực tài chính và có thể tăng lên cho đến khi vấn đề nợ xấu được giải quyết dứt điểm. NHNN đã thừa nhận tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cao hơn nhiều so với tỷ giá công bố chính thức là 4,5% vào cuối của tháng 5, có thể sẽ gần mức 9% hơn.

Tỷ lệ an toàn vốn của hệ thống NH tăng nhẹ trong 7 tháng đầu năm nay lên 14,0%, cao hơn nhiều so với mức 9% do NHNNquy định. Tuy nhiên, mức độ nợ xấu không rõ ràng và bảng cân đối đầy rủi ro của một số NH, đặc biệt là những NH làm ăn với các DNNN thua lỗ và làm ăn dàn trải, đặt ra những câu hỏi về sự an toàn vốn của họ.

Theo ADB, nếu để cho các rủi ro này tăng lên sẽ có thể khiến cho triển vọng kinh tế Việt Nam trở nên u ám.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Trà ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN