Cảnh báo lãi suất huy động "âm”

Ngân hàng đang dồi dào tiền mặt, lãi suất huy động chắc chắn sẽ giảm thêm thời gian tới, thậm chí khả năng lãi suất huy động “âm” có thể xảy ra.

Thông tin này được TS. Nguyễn Đức Thành – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứi Kinh tế và Chính sách (VEPR) đưa ra tại hội thảo công bố Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2013 “Trên đường gập ghềnh tới tương lai” sáng 27/5.

Theo TS. Thành, sức ép hạ lãi suất huy động đang diễn ra khá “nóng” khi một loạt chính sách được cơ quan quản lý đưa ra, gần đây nhất là hạ thêm 1 điểm phần trăm đối với lãi suất điều hành.

Hồi đầu tháng 5, một loạt nhà băng lớn đã đồng loạt “ép” lãi suất xuống mức 6-6,5%/năm cho kỳ hạn gửi ngắn.

Việc giảm lãi suất đầu vào là tín hiệu tích cực để giảm lãi suất đầu ra, giải phóng vốn tồn trong ngân hàng. Ngân hàng sẽ tăng dòng vốn trung và dài hạn cho doanh nghiệp để kích thích tăng trưởng tín dụng. Cùng với đó thị trường kỳ vọng, lãi suất huy động giảm mạnh thì lãi suất cho vay có thể giảm thêm 1-2% so với mặt bằng hiện tại, nếu các ngân hàng chủ động cắt giảm chi phí.

Cảnh báo lãi suất huy động "âm” - 1
Thừa tiền trong ngân hàng, lãi suất huy động có thể giảm sâu hơn nữa

Nhìn vào diễn biến lãi suất thời gian tới, Giám đốc VEPR lạc quan, “vì dư thanh khoản và khả năng huy động vốn nhiều nên khả năng lãi suất huy động âm – thấp hơn mức kỳ vọng lạm phát hoàn toàn có thể xảy ra. Nhưng nếu hạ lãi suất quá lớn sẽ gây mất cân đối trên thị trường khác: tỷ giá, vàng, chứng khoán, bất động sản…”.

Vì vậy, giảm lãi suất là cần thiết nhưng phải rất thận trọng, không gây xáo trộn trên thị trường vốn nếu lãi suất huy động thực tiến sang trạng thái âm.

Về viễn cảnh kinh tế Việt Nam năm 2013, Giám đốc VEPR cũng đưa ra hai “kịch bản”. Ở kịch bản “thận trọng”, chính sách điều hành tiếp tục thắt chặt thì tăng trưởng ở mức 4,95% và lạm phát ở mức 5,04%. Kịch bản “nới rộng” hơn, có sự điều chỉnh giá cả, tỷ giá … nhằm kích thích tăng trưởng xuất khẩu thì tăng trưởng ở mức 5,35%, lạm phát 6,64%.

Cả hai kịch bản mà bản báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2013 đưa ra thì tăng trưởng đều thấp hơn mục tiêu 5,5%.

Song, bình luận về kịch bản tăng trưởng kinh tế, TS. Lê Đăng Doanh tỏ ra bi quan, khi cho rằng tình hình sẽ còn khó khăn trong năm 2013. “Tôi ghi nhận những cải thiện chính sách trong ngắn hạn, nhưng về dài hạn thì những điểm nghẽn cơ bản lâu dài giải quyết thế nào? Hay lại theo kiểu “vừa đá bóng vừa thổi còi” thì chẳng giải quyết được gì mà chỉ khiến tình hình thêm xấu hơn” – ông thẳng thắn.
 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo N.Hoài (Infonet)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN